26/04/2024 lúc 20:46 (GMT+7)
Breaking News

SLNA và dòng chảy về vinh quang

VNHN - Đứng đầu bảng điểm chưa bao giờ là cảm giác quen thuộc với SLNA. Suốt chiều dài lịch sử V-League, chỉ một lần họ dẫn đầu giai đoạn một và sau đó vô địch.

VNHN - Đứng đầu bảng điểm chưa bao giờ là cảm giác quen thuộc với SLNA. Suốt chiều dài lịch sử V-League, chỉ một lần họ dẫn đầu giai đoạn một và sau đó vô địch.

Ông Nguyễn Hồng Thanh, người được ví là "Khổng Minh xứ Nghệ", từng tuyên bố: "Ai đặt chỉ tiêu trụ hạng cho SLNA là sỉ nhục đến truyền thống". Thời điểm ông nói câu đó, HLV Nguyễn Hữu Thắng vừa bất ngờ xin nghỉ để đi học đầu mùa 2014, khiến đội bóng khủng khoảng lớn về nhân sự. Khi ấy, nhà cầm quân đã đem về chức vô địch đầu tiên và duy nhất cho SLNA năm 2011 là cái tên danh giá nhất mà đội bóng còn sở hữu. Một cuộc "chảy máu lực lượng" khủng khiếp đã diễn ra suốt hai năm sau đó, lần lượt Trọng Hoàng, Âu Văn Hoàn, Văn Bình, Công Vinh... dứt áo ra đi. Đơn vị bảo trợ tài chính là Ngân hàng Bắc Á cũng muốn chấm dứt hợp đồng khi thấy CLB không còn khả năng vô địch nữa. Vậy mà, cuối mùa đó, SLNA do cựu cầu thủ Ngô Quang Trường dẫn dắt, vẫn về thứ năm chung cuộc, với số điểm không kém gì lúc Hữu Thắng còn cầm quân. Còn trên ngực áo của SLNA hiện nay, vẫn còn đó cái tên Ngân Hàng Bắc Á.

Dòng sông Lam vẫn chảy theo cách riêng của nó, và bóng đá xứ Nghệ cũng vậy.

Mùa này, HLV của SLNA vẫn là Ngô Quang Trường trong nhiệm kỳ thứ hai của ông tại đội bóng quê hương, trong một tình hình tương tự sáu năm về trước, thậm chí mức độ khủng khoảng còn lớn hơn. Hai năm liên tiếp (2018, 2019), đội U21 SLNA không lọt vào đến VCK giải U21 Quốc gia. Hai cầu thủ tốt nhất của họ hiện nay là Phan Văn Đức và Phạm Xuân Mạnh vốn được phát hiện từ giải U21 năm 2017, khi đó cũng chỉ lên tuyển U23 để ngồi dự bị trước khi bất ngờ tỏa sáng ở kỳ tích Thường Châu U23 châu Á 2018. Chưa cần biết có đủ sức cáng đáng hay không, thậm chí khi về CLB đều chấn thương do quá tải, nhưng với SLNA thì chỉ cần "nhú" lên những "sao mai" ấy, ngay lập tức các trụ cột được "bật đèn xanh" ra đi. Hết Quế Ngọc Hải đến Hồ Khắc Ngọc... Nếu ở bất kỳ đội bóng nào, những cuộc ra đi như vậy sẽ làm sụp đổ cả đế chế.

Vậy nhưng ngay cả những lúc khó khăn nhất, ở SLNA, chẳng bao giờ có giả thuyết kiểu như ai đó sẽ trở về để giúp đội bóng quê hương... Bóng đá xứ Nghệ hầu như không cần điều đó. Thậm chí còn ngược lại. Năm 2013, SLNA dang tay đón Công Vinh trở lại sau giai đoạn khó khăn ở Hà Nội T&T, và không lâu sau sẵn sàng chuyển cầu thủ đang ghi bàn tốt nhất cho Sapporo để nhận một khoản tiền lớn. Khi Công Vinh ra đi, SLNA đang chơi rất tốt, đứng đầu giai đoạn một với sáu trận thắng. Nhưng không có Công Vinh, họ cán đích cũng chỉ kém năm điểm so với Hà Nội T&T dù suốt cả giai đoạn hai chỉ thắng ba trận. Năm 2018, Trọng Hoàng sau ba mùa giải thất vọng ở Thanh Hóa, muốn hồi hương và cũng đã đàm phán gần xong hợp đồng với SLNA. Đến phút cuối, anh "bẻ kèo" chuyển sang ký hợp đồng với Viettel. Mọi thứ ở Vinh vẫn chẳng có gì thay đổi, SLNA vẫn xếp thứ bảy chung cuộc với 11 trận hòa và chỉ bảy trận thua ở mùa trước.

Vô số ngôi sao đã rời đi, thượng tầng quản lý có thể xảy ra các những "cuộc chiến quyền lực", thành tích có thể sa sút trên toàn bộ hệ thống từ đội một đến các tuyến trẻ, nhưng Nghệ An luôn có những con người giữ lại cốt cách và truyền thống cho họ. Và cũng vì thế, bất kỳ ai đã ra đi, đều ít có cơ hội... quay về. Danh tiếng như Công Vinh, công trạng như Hữu Thắng, thâm niên như Nguyễn Thành Vinh... cũng chẳng có ngoại lệ. Có người giải thích, như dòng sông Lam có lúc chậm, cũng có lúc nhanh, nhưng chỉ chảy một hướng là xuôi về biển lớn. Người xứ Nghệ đi tứ xứ làm ăn và thành công nhiều, thì bóng đá SLNA cũng vậy, đã chấp nhận cái công thức "không nhất thiết phải vô địch" nhằm duy trì hệ thống xuất khẩu cầu thủ của họ.

Chuyện này gần như "luật bất thành văn", từng gây nên những "cuộc chiến" trên thượng tầng quản lý của nền bóng đá Nghệ An giữa những người theo chủ trương "làm kinh tế bóng đá" và những người muốn "thành công hơn trên sân cỏ". Người hâm mộ thành Vinh đã quen với "nhịp điệu" đá giai đoạn một thật tốt nhưng lại "tùy cơ ứng biến" ở giai đoạn hai. Ví dụ như mùa trước, giai đoạn một họ chỉ thua hai trận và thủng lưới chín bàn thì đến giai đoạn hai, các con số này lần lượt là sáu và 25. Hay mùa 2013, họ chỉ kiếm được 13 điểm suốt 10 trận của giai đoạn hai. Có năm, họ bất bại suốt nửa đầu mùa giải, nhưng chẳng hiểu sao thua đến bảy trận trong nửa chặng đường còn lại dù chẳng hề biến động lực lượng. Thế nên, nói SLNA đá để trụ hạng thì đó là sự "sỉ nhục truyền thống", còn vội vàng xem họ là ứng cử viên vô địch thì cũng quá mơ mộng.  

Nhưng mùa này, với thành tích chưa để thủng lưới cùng ngôi đầu bảng, kèm theo đó là thể thức thi đấu với thời gian ngắn hơn, về lý thuyết có lợi cho SLNA để họ mạnh dạn nghĩ đến chức vô địch. Hơn nữa, đây là lần đầu tiên sau 28 năm, bóng đá của hai bờ sông Lam cùng hòa chung dòng chảy ở hạng đấu cao nhất Việt Nam. Năm 1992, do tách tỉnh, đội bóng Sông Lam Nghệ Tĩnh khi đó chỉ còn lại SLNA. Còn Hà Tĩnh phải đến năm 1999 mới thành lập được trung tâm bóng đá độc lập. Về mặt quan hệ, Hà Tĩnh "gần" với bầu Hiển và Hà Nội FC, nhưng về địa lý, họ lại cùng uống nước dòng Lam như SLNA. Có thể, đã đến thời bóng đá sông Lam nghĩ đến vinh quang hơn là đếm số lượng cầu thủ thành danh nơi đất khách.