26/04/2024 lúc 18:00 (GMT+7)
Breaking News

Phòng chống dịch COVID-19: Người dân hiến kế hạn chế tiếp xúc

VNHN - Ngay sau khi chính quyền Đà Nẵng lưu ý xem xét lại chủ trương cấm bán hàng trên địa bàn đã bị triển khai cực đoan vào hôm qua 01/4/2020, nhiều người dân Đà Nẵng đã lên tiếng, góp ý, hiến kế làm sao đạt hiệu quả cao hơn trong vấn đề hạn chế tiếp xúc, góp phần phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

VNHN - Ngay sau khi chính quyền Đà Nẵng lưu ý xem xét lại chủ trương cấm bán hàng trên địa bàn đã bị triển khai cực đoan vào hôm qua 01/4/2020, nhiều người dân Đà Nẵng đã lên tiếng, góp ý, hiến kế làm sao đạt hiệu quả cao hơn trong vấn đề hạn chế tiếp xúc, góp phần phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

Những hiến kế này của người dân bao gồm cách thức tăng cường phòng bị lây nhiễm trong cộng đồng đúng theo các tiêu chí giữ khoảng cách an toàn, trang bị ngăn ngừa và hạn chế tiếp xúc, đồng thời đặt ra những yêu cầu mới về trách nhiệm hợp tác giữa người dân với chính quyền.

Người dân cần được tư vấn, hướng dẫn đúng cách về phòng chống dịch bệnh khi đi vào các chợ.

Không hề cấm cản sản xuất

Trao đổi với Việt Nam Hội nhập vào sáng nay 03/4/2020, ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê (Đà Nẵng) nhấn mạnh không hề có chủ trương hay chỉ thị nào cấm cản hoạt động sản xuất trên địa bàn, nhất là các hoạt động chế biến, sản xuất lương thực, thực phẩm cho người dân.

Nhiều người nhầm tưởng nội dung tại công văn mới đây của chính quyền thành phố là dừng sản xuất, nhưng thực chất cơ quan chức năng chỉ yêu cầu giới hạn những giao tiếp mua bán hàng hóa tụ tập đông người, hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Các cửa hàng, lò mì, lò bún… trên địa bàn Thanh Khê hay cả thành phố, vẫn hoạt động bình thường”. Ông Tĩnh nhấn mạnh như vậy.

Với phản ảnh của một số chủ lò mì, lò bún trên địa bàn quận Thanh Khê, nhất là các phường Chính Gián, Xuân Hà, cho biết lực lượng chức năng có yêu cầu dừng bán hàng tuyệt đối, khiến người dân không dám sản xuất nữa, ông Tĩnh cho biết đã yêu cầu các phường kiểm tra chấn chỉnh ngay, không để người dân hoang mang và hiểu lầm chủ trương chung. Ông xác định, với 2 ngày qua, chính quyền quận luôn lắng nghe và theo dõi sát các diễn biến thị trường, thông tin từ các doanh nghiệp và người dân, phát hiện ở đâu sai lập tức sửa chữa đến đó.

Những liên lạc của Việt Nam Hội nhập với lãnh đạo thành phố và các quận huyện khác trên địa bàn đều cho thấy, Đà Nẵng đang tích cực triển khai các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng không hề có chủ trương cấm cản các hoạt động sản xuất, hoạt động chế biến lương thực, thực phẩm… Những trường hợp hiểu chưa rõ hay do cấp cơ sở triển khai không đúng chủ trương, người dân cần khẩn trương báo cáo ngay cho các phường và liên lạc với các quận để được hỗ trợ xử lý.

Đến sáng nay 03/4/2020, nhiều cửa hàng, lò mì, bún tại Đà Nẵng vẫn đóng cửa không sản xuất.

Cần đẩy mạnh hạn chế tiếp xúc

Một số người dân Đà Nẵng cho rằng, việc sử dụng cụm từ “cách ly” gây cảm giác nặng nề trong cộng đồng, nên thay bằng cụm từ “hạn chế tiếp xúc” sẽ dễ hiểu hơn và nhẹ tâm lý hơn.

Qua đó, người dân đề nghị chính quyền Đà Nẵng xem xét triển khai một số biện pháp sau.

Thứ nhất, tại các chợ, siêu thị, nơi đang tập trung rất đông người, tổ chức sát khuẩn và hướng dẫn người dân đeo khẩu trang đúng cách khi đi vào. Cụ thể ngay tại cổng các chợ, lối vào siêu thị, nên bố trí tăng thêm các bình khử khuẩn, dung dịch rửa tay, khẩu trang miễn phí cho người dân, yêu cầu mọi người chấp hành tốt. Tại các quầy, sạp, khuyến khích người bán trang bị thêm dung dịch sát khuẩn để hỗ trợ người mua phòng ngừa lây nhiễm.

Thứ hai, tại các cơ sở chế biến kinh doanh lương thực, thực phẩm, đề nghị người mua đặt hàng qua số điện thoại, nhận hàng mang về. Cơ sở có thể bố trí nhân viên với trang phục bảo hộ y tế, tiến hành giao hàng cho khách sau khi thực hiện các biện pháp khử khuẩn cần thiết. Nếu giao hàng tận nhà, cơ sở cũng phải yêu cầu người mua hàng không tiếp xúc trực tiếp nhân viên giao hàng, sau khi nhận hàng lập tức đưa hàng vào nhà, bỏ bao bì vào thùng rác, rửa tay sát khuẩn nghiêm túc.

Thứ ba, người tiêu dùng khi mua lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm tại các cửa hàng, cơ sở kinh doanh, siêu thị… cần tính toán mua gộp hàng hóa, tránh phải đi lại nhiều lần, có thể hợp tác nhiều gia đình mua chung 1 đơn hàng, thực hiện nghiêm việc sát khuẩn qua hàng hóa và chú ý thời hạn hàng hóa được giao nhận.

Theo nhiều người dân, công tác hướng dẫn, vận động chấp hành các lệnh cấm, hạn chế tiếp xúc cần được các cơ quan chức năng triển khai sát sao và thực tế hơn, không nên chỉ là những thông tin thông báo một cách vô cảm. Đặc biệt với những thông tin hỗ trợ cho người nghèo, gia đình khó khăn bị ảnh hưởng, tổn thất sinh kế trong quá trình chống dịch bệnh, chính quyền cần khẩn trương công khai minh bạch các thông tin, chủ trương chính sách để người dân an tâm và tránh bị những đồn đoán thất thiệt làm hoang mang.

  • Tags: