27/04/2024 lúc 10:48 (GMT+7)
Breaking News

Nhà nước kiến tạo phát triển - cách tiếp cận, nội hàm và những đặc trưng

VNHN-Nhà nước kiến tạo phát triển thực sự cần thiết cho mỗi quốc gia phát triển bền vững trong bối cảnh thế giới đầy biến động. Kiến tạo phát triển không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế mà cần phải đảm bảo cả mặt xã hội và môi trường. Trong xã hội hiện nay, kinh tế, xã hội và môi trường là ba trụ cột cần phải được bảo đảm trong quá trình phát triển hướng tới một xã hội phồn vinh, tiến bộ và bền vững. Nhận diện đúng đắn và đầy đủ về nhà nước kiến tạo phát triển sẽ giúp Việt Nam xây dựng nhà nước

VNHN-Nhà nước kiến tạo phát triển thực sự cần thiết cho mỗi quốc gia phát triển bền vững trong bối cảnh thế giới đầy biến động. Kiến tạo phát triển không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế mà cần phải đảm bảo cả mặt xã hội và môi trường. Trong xã hội hiện nay, kinh tế, xã hội và môi trường là ba trụ cột cần phải được bảo đảm trong quá trình phát triển hướng tới một xã hội phồn vinh, tiến bộ và bền vững. Nhận diện đúng đắn và đầy đủ về nhà nước kiến tạo phát triển sẽ giúp Việt Nam xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển ở nước ta hiện nay.

Ảnh minh họa - Internet

1. Cách tiếp cận về nhà nước kiến tạo phát triển

Khái niệm Developmental State (tạm dịch là nhà nước phát triển, nhiều học giả Việt Nam gọi là nhà nước kiến tạo phát triển) được học giả Chalmers Ashby Johnson đưa ra lần đầu vào năm 1982(1), để mô tả đặc trưng mô hình phát triển kinh tế của Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ II, sau đó được Amsden(2), Wade(3) và Evans(4) phát triển thêm và áp dụng để phân tích các trường hợp phát triển kinh tế thần kỳ của Đài Loan và Hàn Quốc, nơi làm việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế hợp lý đã đưa các quốc gia có giai đoạn phát triển “thần kỳ” ở châu Á. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách phát triển, các quốc gia và vùng lãnh thổ này cũng “rơi vào” trạng thái độc tài với những nhà lãnh đạo “độc tài sáng suốt” như Park Chung Hee của Hàn Quốc, Tưởng Giới Thạch và Tưởng Kinh Quốc của Đài Loan.

Thực tiễn cho thấy, không phải khi Chalmers Ashby Johnson đưa ra khái niệm “Developmental State” thì nhà nước kiến tạo phát triển mới xuất hiện hay lý thuyết về nhà nước kiến tạo phát triển mới ra đời, mà nhà nước kiến tạo phát triển đã có trước đó, điều này đã được minh chứng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Thực chất các nhà nước này vẫn tiếp tục thực hiện theo học thuyết can thiệp (Interventionism) - ra đời từ sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế giai đoạn 1929-1933. Điều này cho thấy, lý thuyết về nhà nước kiến tạo phát triển không phải để trả lời câu hỏi “nhà nước có can thiệp vào thị trường hay không?” bởi vì câu trả lời “chắc chắn có”. Tuy nhiên, lý thuyết về nhà nước kiến tạo phát triển khác với học thuyết can thiệp ở chỗ “nhà nước can thiệp vào thị trường như thế nào?” và câu trả lời là “sự phát triển kinh tế - xã hội cả bản thân quốc gia đó như thế nào so với giai đoạn trước đó và so với các quốc gia có cùng điểm xuất phát”.

Mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường trở thành những vấn đề “nóng hổi” mà các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu từ những năm đầu của thế kỷ XX cho đến nay, các học giả đã đưa ra các “kiểu nhà nước” đặc trưng trong nền kinh tế hiện đại ngày nay, như Nhà nước chỉ huy (Command State)(5); Nhà nước kích thích thị trường tự do (Simulated Free Market Theory - R. Wade)(6); Nhà nước phát triển (Developmental State - C. Johnson); v.v…

Từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, các quốc gia châu Á, châu Phi, Đông Âu và châu Mỹ La tinh đã áp dụng mô hình nhà nước điều hành (state-led development); tuy nhiên đến cuối những năm 70 của thế kỷ XX, mô hình này dần bộc lộ những hạn chế, sự can thiệp mạnh của nhà nước đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã phản tác dụng, khủng hoảng kinh tế - xã hội ngày một biểu hiện rõ rệt. Đến đầu những năm 80 của thế kỷ XX, các nhà khoa học kinh tế, các nhà hoạch định chính sách công kêu gọi các quốc gia này từ bỏ mô hình nhà nước điều hành và quay lại nền kinh tế thị trường, tâm điểm là việc giảm quy mô và phạm vi can thiệp của nhà nước, thay vào đó  nhà nước cần phải dựa vào thị trường như là một cơ chế hữu hiệu để phân bổ nguồn lực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nói cách khác, mấu chốt của sự chuyển đổi này là chấm dứt sự can thiệp thô bạo của nhà nước vào nền kinh tế, thúc đẩy mạnh mẽ sự tự do hoá thương mại và tăng cường vai trò của khu vực kinh tế tư nhân(7).

Thực tiễn đã chứng minh, sự tuyệt đối hóa vị trí, vai trò của nhà nước hay vị trí, vai trò của thị trường trong xã hội đều dẫn tới thất bại trong phát triển kinh tế - xã hội. Cuộc đại khủng hoảng kinh tế giai đoạn 1929-1933 (còn gọi cuộc khủng hoảng thừa) là minh chứng rõ cho sự tuyệt đối hóa vai trò của thị trường, coi nhẹ vai trò của nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội; nhưng khi nhà nước can thiệp quá sâu vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội làm cho quy luật của thị trường bị “méo mó”, kinh tế - xã hội khủng hoảng, cụ thể là cuộc khủng hoảng kinh tế cuối những năm 70 của thế kỷ XX. Để khắc phục hạn chế này, nhiều học giả đưa ra mô hình hỗn hợp kết hợp giữa cơ chế thị trường với sự quản lý, điều tiết của nhà nước, nhưng sự kết hợp này không thể bất biến, cố định mà phải linh hoạt, uyển chuyển tùy vào điều kiện kinh tế - xã hội. Sự cứng nhắc trong việc điều chỉnh mô hình này cũng dẫn đến cuộc khủng hoảng mà thế giới từng chứng kiến, gần đây nhất là cuộc khủng hoảng tài chính vào thập niên đầu của thế kỷ XXI diễn ra ở Mỹ và sau đó lan rộng ra toàn thế giới(8). Cuộc khủng hoảng này bắt nguồn trực tiếp từ việc Chính phủ Mỹ cũng như nhiều chính phủ khác đã “trao” quá nhiều quyền cho cơ chế thị trường tự do mà lại thiếu sự giám sát, bên cạnh đó là sự mất cân đối nghiêm trọng trong quan hệ chức năng nhà nước - thị trường: khi “quá ít” yếu tố nhà nước và “quá nhiều” yếu tố thị trường tự do.

Cuộc khủng hoàng này đã cho thấy các thị trường mất sự kiểm soát không chỉ nguy hại cho chính bản thân các thị trường mà còn cho cả xã hội và bản thân các thị trường không thể tự điều chỉnh nếu thiếu sự can thiệp của nhà nước. “Rõ ràng là nếu nhà nước bỏ mặc thị trường, để thị trường tự do chi phối thì nền kinh tế sớm muộn cũng sẽ lâm vào tình trạng bất ổn và khủng hoảng. Đó là một chân lý cần được tuân thủ nghiêm ngặt. Chân lý này hàm chứa một gợi ý mang tầm cỡ đường lối và chiến lược cho Việt Nam: không được buông lỏng vai trò và chức năng quản trị phát triển của nhà nước đối với nền kinh tế thị trường, nhất là trong điều kiện toàn cầu hóa. Đây là một vấn đề có tính nguyên tắc”(9). Tuy nhiên, nếu nhà nước can thiệp quá sâu và kéo dài vào nền kinh tế, tính năng động của các lực lượng thị trường bị kìm hãm sẽ gây ra những hậu quả to lớn như làm “méo mó” quy luật thị trường, bộ máy nhà nước cồng kềnh, quản lý không hiệu quả, trì trệ…    

Vì thế, quá trình tái lập sự cân bằng chức năng nhà nước - thị trường trong việc điều hành nền kinh tế là mấu chốt để duy trì sự phát triển tốt cho nền kinh tế nhằm mở đường cho sự ra đời của mô hình nhà nước kiến tạo phát triển, đây là điều kiện tiên quyết để tăng trưởng kinh tế, giảm thiểu nghèo đói, bất công bằng và thất nghiệp trong các quốc gia(10).

Khi nghiên cứu về sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản, Chalmers Ashby Johnson nhận thấy rằng trong sự phát triển ấy có vai trò rất quan trọng của nhà nước. Nhà nước Nhật Bản không chỉ tạo ra khuôn khổ cho sự phát triển mà còn định hướng và thúc đẩy sự phát triển đó Nhà nước có vai trò đề ra các phương hướng phát triển, đặc biệt là việc xác định các ngành công nghiệp mũi nhọn, trực tiếp can thiệp vào các hoạt động kinh tế thông qua các biện pháp kích thích và phi kích thích kinh tế để thực hiện các mục tiêu, phương hướng đề ra, còn các công ty tư nhân thì hoạt động dưới sự chỉ đạo tập trung cao độ của chính phủ. Với mô hình này, nhà nước đóng vai trò là người tham gia, người đề xướng chính sách, người có ảnh hưởng quyết định đối với các quá trình phát triển, đồng thời cũng là người đóng vai trò huy động sự đóng góp tích cực và to lớn của khu vực tư nhân. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: để đạt được mức tăng trưởng GDP gấp đôi, một nhà nước điều chỉnh sẽ phải mất đến 50 năm, trong lúc đó một nhà nước kiến tạo phát triển chỉ mất 10 năm(11).

Như vậy, nhà nước kiến tạo phát triển không hoàn toàn đồng nhất với mô hình nhà nước “Developmental State” do C.A. Johnson đưa ra, mà thực chất mô hình nhà nước “Developmental State” mới chỉ là một phần của nội hàm nhà nước kiến tạo phát triển, vì nhà nước kiến tạo phát triển là nhà nước thực hiện tốt chức năng kiến tạo cho sự phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là phát triển kinh tế. Vì trong thực tế, mô hình nhà nước “Developmental State” ở các nước Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan) đã không trụ vững được trong cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998; hơn nữa, trọng tâm của các mô hình này chủ yếu tập trung vào chính sách phát triển kinh tế, nghĩa là tập trung giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường, tuy vậy, trong xã hội ngày nay để bảo đảm cho sự phát triển bền vững, mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội (cả môi trường) phải được thiết lập và vận hành tốt. Do đó, nhà nước kiến tạo phát triển phải được nhận diện một cách đầy đủ, không chỉ ở phương diện kinh tế mà còn phải nhận diện cả ở phương diện xã hội và môi trường.

Cách tiếp cận về nhà nước kiến tạo phát triển như vậy không chỉ phù hợp với thực tế phát triển hiện nay (dân chủ hóa đời sống xã hội; quản trị tốt; nguyên tắc pháp quyền) mà còn phù hợp với quan điểm phát triển hiện nay ở Việt Nam “bảo đảm tính đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị, giữa Nhà nước và thị trường; bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát  triển con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”(12).

2. Quan niệm và nội hàm của nhà nước kiến tạo phát triển

Nhà nước kiến tạo phát triển thực chất không phải là một kiểu nhà nước đã tồn tại trong lịch sử hay một mô hình nhà nước cụ thể mà là một cơ chế quản trị nhà nước, trong đó nhà nước đề ra các chính sách mang tính định hướng phát triển, tạo môi trường và điều kiện cho các thành phần kinh tế phát huy mọi tiềm năng trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế; tăng cường giám sát để phát hiện các mất cân đối có thể xảy ra, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô(13). Cốt lõi của mô hình này là “nhà nước tham gia tích cực vào việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế thay vì để thị trường vận hành một cách tự do”(14), nhưng cũng không can thiệp quá mức làm thị trường bị “méo mó”(15).

Đặc trưng hết sức cơ bản của mô hình này là nhà nước trực tiếp đề ra một kế hoạch phát triển công nghiệp và đầu tư mạnh mẽ về cơ chế, chính sách và nhiều khuyến khích khác để thúc đẩy công nghiệp phát triển, đây là mô hình nhà nước nằm ở giữa nhà nước điều chỉnh (theo chủ thuyết thị trường tự do) và nhà nước kế hoạch hóa tập trung (theo mô hình xã hội chủ nghĩa truyền thống). Nhà nước kiến tạo phát triển không đứng ngoài thị trường, nhưng cũng không làm thay thị trường mà chủ động can thiệp mạnh mẽ vào thị trường để thúc đẩy phát triển và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đã được đề ra.

Ở Việt Nam, có nhiều quan niệm khác nhau về nhà nước kiến tạo phát triển. Theo TS. Nguyễn Sỹ Dũng: “Nhà nước kiến tạo phát triển không đứng ngoài thị trường, nhưng cũng không làm thay thị trường. Mà nhà nước chủ động can thiệp vào thị trường để thúc đẩy phát triển và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đã được đề ra. Đây là mô hình nhà nước kết hợp được ưu điểm, đồng thời khắc phục được nhược điểm của cả hai mô hình nhà nước điều chỉnh và nhà nước kế hoạch hóa tập trung”(16). TS. Nguyễn Đình Cung lại cho rằng nhà nước kiến tạo phát triển “phải thúc đẩy, hỗ trợ, huy động được toàn bộ nguồn lực và các tầng lớp nhân dân đi cùng một hướng, đưa nền kinh tế đến một giai đoạn phát triển cao hơn và không ngoài mục đích gì khác là nâng cao phúc lợi, thịnh vượng cho đời sống nhân dân, đó là một nhà nước vừa kéo vừa đẩy”(17).

Từ đó có thể hiểu, nhà nước kiến tạo phát triển là cách thức vận hành của nhà nước trong mối tương quan với thị trường, xã hội (cơ chế quản trị nhà nước) nhằm đảm bảo vai trò kiến tạo phát triển của nhà nước trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội; nghĩa là nhà nước chủ động, tích cực tham gia, dẫn dắt, tạo lập, thúc đẩy, khuyến khích thị trường phát triển và giám sát để phát hiện các mất cân đối có thể xảy ra, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Về nội hàm, theo C.A. Johnson, nhà nước kiến tạo phát triển có bốn yếu tố quan trọng: một là, có bộ máy nhà nước quy mô nhỏ, chi phí hoạt động ít nhưng đủ ưu việt và được quản lý bởi đội ngũ kỹ trị(18); hai là, có hệ thống chính trị phù hợp cho việc đảm bảo trao cho cơ quan nhà nước đủ thẩm quyền để vận hành hiệu quả(19); ba là, nhà nước có những biện pháp can thiệp vào nền kinh tế phù hợp với quy luật thị trường(20); bốn là, có một “tổ chức hoa tiêu” như MITI (Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế (Nhật Bản)(21).

Hiện nay, các quốc gia khác nhau về trình độ phát triển, về thể chế chính trị, kinh tế - xã hội, lịch sử - văn hóa và cơ sở hạ tầng sẽ tạo ra các mô hình nhà nước kiến tạo khác nhau; thêm vào đó, sự tác động các yếu tố trong và ngoài nước sẽ làm cho nhà nước phải tự điều chỉnh để thích nghi với thực tế này, trong đó, mỗi nhà nước tùy thuộc vào điều kiện thực tế có thể bổ sung hoặc loại bớt những chức năng của mình để đáp ứng yêu cầu phát triển. Tuy nhiên, sự thay đổi đó của các nhà nước vẫn phải đảm bảo những thành tố chính để bảo đảm cho tăng trường kinh tế nhanh và bền vững, trong đó phải có 10 thành tố chính trong mô hình nhà nước kiến tạo phát triển như sau(22): 1) Lãnh đạo theo định hướng sự phát triển; 2) Có bộ máy nhà nước hợp lý, đủ thẩm quyền; 3) Có tổ chức “hoa tiêu”(23) để dẫn dắt, chỉ đường; 4) Sự hòa mình của nhà nước vào xã hội; 5) Quản trị hiệu quả; 6) Có tính chọn lọc cho phát triển trong định hướng và chiến lược phát triển; 7) Có năng lực làm chủ thị trường; 8) Có năng lực kiểm soát các tổ chức xã hội; 9) Có khả năng quản lý, kiểm soát một cách có hiệu quả các lợi ích tư nhân; 10) Hoạt động có hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế bảo đảm quyền con người.

3. Những đặc trưng của nhà nước kiến tạo phát triển

Thứ nhất, nhà nước kiến tạo phát triển là sự phản ánh quá trình chuyển từ phương thức cai trị sang quản trị và kiến tạo phát triển, nghĩa là chuyển đổi từ phương thức quản lý xã hội mà nhà nước là trung tâm của quá trình quản lý sang phương thức quản lý xã hội, trong đó xã hội là trung tâm của quá trình này.

Thực tiễn quản trị ở các quốc gia đều cho thấy, khi quốc gia khủng hoảng, nhà nước cần phải can thiệp sâu vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó sử dụng nhiều biện pháp đặc biệt nhằm giữ vững sự ổn định kinh tế, chính trị và xã hội. Khi quốc gia đã ra khỏi cuộc khủng hoảng, bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển thì Nhà nước phải trở về đúng với vị trí, chức năng của mình để tạo dựng, dẫn dắt và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, vấn đề đặt ra cho mỗi nhà nước hiện nay ở chỗ “không phải là nhà nước quản lý ít hay nhiều, mà là nhà nước quản lý như thế nào?”(24).  

Do đó, để quản trị tốt, nhà nước phải “đủ khả năng đối phó trước những rủi ro, đảm bảo an ninh chung cho cả cộng đồng, dung hòa các lợi ích, với cơ chế tạo được sự cân bằng trong quá trình ra quyết định, nhà nước sẽ không còn phải giữ nhiều trọng trách như trước. Nhưng ngược lại, do có sự tham gia của nhiều tác nhân, nhà nước không còn đứng trước nguy cơ một mình gánh vác những rủi ro, nên sẽ có điều kiện tập trung tốt hơn vào những lĩnh vực mà thị trường và các thành phần xã hội khác không thể đảm đương”(25). Đây đang là “con đường” cho các quốc gia cần tiến tới trong quá trình tìm ra một phương thức quản trị nhà nước tốt, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển.

Thứ hai, nhà nước kiến tạo phát triển phải phát huy được sức mạnh của cả dân tộc. Trong mô hình này, nhà nước tạo khung pháp lý hành động thông qua nguyên tắc giao quyền và phân quyền nhiều hơn. Nếu trong mô hình nhà nước điều hành, nhà nước nắm vai trò chủ đạo về mọi mặt, với nghĩa vụ cuối cùng đảm bảo thịnh vượng và an ninh cho cả cộng đồng, thì trong mô hình nhà nước kiến tạo phát triển, nhà nước có xu hướng chia sẻ vai trò này với những chủ thể khác trong xã hội. Trước sự hình thành những “tập đoàn lợi ích” khác nhau, thậm chí nhiều khi đối lập thì việc mở rộng quyền tham gia - chịu trách nhiệm trong các thành phần kinh tế, các lực lượng xã hội khác nhau chính là một cách để “dung hòa lợi ích”, gắn kết các nhóm lợi ích lại với nhau bằng những định chế mang tính chế tài của luật pháp và sự giám sát của công luận. Vì thế, nhà nước sẽ mạnh lên khi mỗi người dân nhận thấy đây là thiết chế đại diện cho quyền và lợi ích của chính bản thân mình(26).

Thứ ba, nhà nước kiến tạo phát triển tạo ra khả năng quản trị rủi ro cho xã hội, nghĩa là nhà nước nâng cao khả năng dự báo các rủi ro, đồng thời chuẩn bị sẵn khả năng để ứng phó với những rủi ro xảy ra và xử lý tốt các vấn đề phát sinh sau đó; muốn vậy nhà nước phải được thiết kế gọn nhẹ, dễ thích nghi với những thay đổi, năng lực quản trị tốt(27).

Thứ tư, nhà nước kiến tạo phát triển thể hiện sự năng động, chủ động, sáng tạo trong quản lý phát triển xã hội.

Thực tiễn phát triển của các quốc gia đã minh chứng rằng, động lực thúc đẩy xã hội phát triển không phải xuất phát từ sức ép của xã hội, của thị trường mà xuất phát từ vị trí, vai trò của nhà nước đối với sự phát triển xã hội. Nhà nước tạo dựng thể chế, môi trường phát triển… không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại, trước mắt mà còn “đón đầu” các nhu cầu phát triển. Do đó, nhà nước kiến tạo phát triển “phải tạo dựng được các thể chế bổ trợ cho các khiếm khuyết của các thể chế thị trường và xã hội dân sự chứ không phải thay thế, kiểm soát và đè nén sự phát triển của hệ thống thể chế này”(28).

Như vậy, nhà nước kiến tạo phát triển thực chất là một cơ chế quản trị nhà nước mà chủ thể quản trị ngoài nhà nước ra còn huy động tất cả các thủ thể khác có khả năng trong xã hội tham gia cùng với nhà nước để tạo dựng đầy đủ thể chế, môi trường phát triển, phát huy hiệu quả các nguồn lực tổng hợp, duy trì động lực phát triển để xây dựng một xã hội thịnh vượng(29). Nhà nước kiến tạo phát triển chủ động can thiệp vào thị trường để thúc đẩy phát triển và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đã được đề ra(30), bởi vì “chất lượng thể chế và nguyên tắc thị trường là hai động lực căn bản tương tác chặt chẽ với nhau trong tạo nên sức phát triển lâu bền của một quốc gia”(31).

Xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam trong bối cảnh kinh tế - xã hội chuyển đổi hiện nay đòi hỏi Nhà nước ta phải thực hiện tốt chức năng kiến tạo phát triển, trong đó chú trọng giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường và xã hội. Đặc biệt, trọng tâm hiện nay phải xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển, tạo môi trường công bằng, lành mạnh để các chủ thể kinh tế, xã hội phát huy tốt vai trò của mình, vì cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, một nhà nước theo mô hình kiến tạo phát triển sẽ thành công nếu tạo dựng và bảo vệ được môi trường cạnh tranh công bằng(32)./.

 

ThS. Đặng Viết Đạt - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực IV

---------------------------------------

Ghi chú:

(1) Johnson, C., (1982), MITI and the Japanese Miracle: The Growth of Industrial Policy, 1925-1975. Stanford, CA: Stanfort University Press.

(2) Amsdem, A., (1989), Asian’s Next Giant: South Korean and Late Industrialization, New York, NY: Oxford University Press.

(3) Wade, R., (2010), “After the crisis: Industrial policy and the developmental state in low-income countries”. Global Policy, 1 (2), pp. 150-161.

(4) Evans, P., (1995), Embedded Autonomy: States and Industrial Transformation. Princeton, NJ: Princeton University Press.

(5) Nhà nước chỉ huy (Command State). Đây là loại nhà nước thường dùng quyền lực để can thiệp trực tiếp vào các hoạt động kinh tế bằng mệnh lệnh, chỉ thị, không chú trọng pháp luật và phủ nhận cơ chế thị trường.

(6) Nhà nước kích thích thị trường tự do (Simulated Free Market Theory - R. Wade). Kiểu nhà nước này được khá nhiều nước đang phát triển áp dụng, trong đó một mặt nhà nước thực hiện tự do hóa thị trường, tạo điều kiện cho thị trường phát triển năng động, giảm bớt sự can thiệp của chính phủ gây ra những méo mó của thị trường; mặt khác nhà nước can thiệp một cách tích cực thông qua các chính sách, biện pháp như kiểm soát nhập khẩu, điều tiết từng phần thị trường tài chính, áp dụng những biện pháp kích thích để điều chỉnh giá cả sao cho tương đối sát với giá thị trường tự do. Trong mô hình này, có ba chính sách hay chiến lược, còn được gọi là “ba sự can thiệp có giá trị lớn”, đó là: các chiến lược thúc đẩy xuất khẩu; chính sách tự do hóa thương mại; các chương trình ổn định kinh tế vĩ mô.

(7) V. Fritz and A.Rocha Menocal (2006), (Re)building Developmental States: From Theory to Practice, London, UK, pp.2-3.

(8) Khủng hoảng tài chính 2007-2008 là một cuộc khủng hoảng diễn ra vào các năm 2007, 2008, bao gồm sự đổ vỡ hàng loạt hệ thống ngân hàng, tình trạng đói tín dụng, tình trạng sụt giá chứng khoán và mất giá tiền tệ quy mô lớn ở Mỹ và nhiều nước châu Âu, có nguồn gốc từ khủng hoảng tài chính ở Hoa Kỳ và lan rộng ra nhiều nước trên thế giới, dẫn tới những đổ vỡ tài chính, suy thoái kinh tế, suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước trên thế giới.

(9) GS.TS. Đỗ Hoài Nam, “Một số lý thuyết kinh tế và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu”, Tạp chí Cộng sản, số 9/2009, tr.32.

(10) Omano Edigheji (2010), Constructing a democratic developmental state in South Africa: Potentials and challenges,   Published by HSRC Press, pp. vii.

(11) TS. Nguyễn Sỹ Dũng, TS. Nguyễn Minh Phong, Hoàng Gia Minh, Hồ Quang Phương, Nhà nước kiến tạo phát triển tại Việt Nam, http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bai-2-nha-nuoc-kien-tao-phat-trien-tai-viet-nam-506354.

(12) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H.2016, tr.104.

(13),(24),(25),(26),(27),(29) Trương Hồ Hải, “Khái quát về nhà nước kiến tạo phát triển và quản trị nhà nước tốt”, Tạp chí Luật học, số 9/2017, tr.4, tr.5, tr.5, tr.5, tr.5, tr.5.

(14),(28),(32) Đinh Minh Tuấn và Phạm Thế Anh, Từ nhà nước điều hành sang nhà nước kiến tạo phát triển, Nxb Tri thức, H.2016, tr.16, tr.17, tr.25.

(15) Lịch sử nhân loại đã chứng kiến sự khủng khoảng kinh tế - xã hội diễn ra khi nền kinh tế vận hành tự do theo cơ chế thị trường vào những năm cuối thập niên 20 của thế kỷ XX; tuy nhiên nếu nhà nước can thiệp quá sâu vào nền kinh tế như mô hình nhà nước điều hành (hay còn gọi là nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung) cũng dẫn đến thất bại.

(16) TS. Nguyễn Sỹ Dũng, 3 điều Nhà nước kiến tạo phát triển cần làm, http://tamnhin.net.vn/3-dieu-nha-nuoc-kien-tao-phat-trien-can-lam-2117.html, ngày 25/4/2017.

(17) Duy Khang, Nhà nước kiến tạo: Dẫn dắt và hỗ trợ phát triển, http://daidoanket.vn/tin-tuc/kinh-te/nha-nuoc-kien-tao-dan-dat-va-ho-tro-phat-trien-370633, ngày 25/6/2017.

(18),(19),(20),(21) Johnson, C., (1982), MITI and the Japanese Miracle: The Growth of Industrial Policy, 1925-1975. Stanford, CA: Stanfort University Press, pp.315, pp.315, pp.317, pp.319.

(22) Hung Hung Pham (2012), ‘The Developmental State’, the evolving international economic order, and Vietnam, A thesis submitted to the University of Birmingham for the degree of Doctor of Philosophy, pp.90.

(23) Đây là những cơ quan đóng vai trò đi đầu, kiểu mẫu để thúc đẩy sự phát triển, trong đó có đội ngũ hoạch định chiến lược phát triển hội tụ được các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực trọng yếu, và cần được trao những quyền tự quyết tương đối, họ được ví như "tổ chức hoa tiêu" (pilot agencies) cho con tàu kinh tế của mỗi quốc gia, ví dụ như ở Nhật Bản, MITI (Ministry of International Trade and Industry) đóng vai trò là cơ quan hoa tiêu giai đoạn phát triển thần kỳ.

(30) TS. Nguyễn Sỹ Dũng, Nhà nước kiến tạo phát triển, http://nongthonviet.com.vn/thoi-su/kinh-te/201612/nha-nuoc-kien-tao-phat-trien-690349/, ngày 08/12/2016.

(31) Vũ Minh Khương, Việt Nam hành trình đi đến phồn vinh, Nxb Tri thức, H.2013, tr.97.