26/04/2024 lúc 21:24 (GMT+7)
Breaking News

Nghệ An: Tình trạng lạm dụng thuốc diệt cỏ tràn lan, khó xử lý

VNHN - Hiện nay, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nói chung, thuốc diệt cỏ (TDC) nói riêng đã và đang được sử dụng khá phổ biến trong sản xuất nông nghiệp. Nhưng điều đáng nói là tình trạng lạm dụng và sử dụng bừa bãi đang tiềm ẩn những nguy cơ không nhỏ đối với sức khỏe con người, cũng như ảnh hưởng xấu đến môi trường sống và môi trường đầu tư. Ở Nghệ An tình trạng đó cũng không phải là ngoại lệ… Đã đến lúc cần phải có giải pháp thiết thực và hiệu quả cho vấn đề nan giải này.  

VNHN - Hiện nay, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nói chung, thuốc diệt cỏ (TDC) nói riêng đã và đang được sử dụng khá phổ biến trong sản xuất nông nghiệp. Nhưng điều đáng nói là tình trạng lạm dụng và sử dụng bừa bãi đang tiềm ẩn những nguy cơ không nhỏ đối với sức khỏe con người, cũng như ảnh hưởng xấu đến môi trường sống và môi trường đầu tư. Ở Nghệ An tình trạng đó cũng không phải là ngoại lệ… Đã đến lúc cần phải có giải pháp thiết thực và hiệu quả cho vấn đề nan giải này.  

Không thể phủ nhận sự thuận tiện và tác dụng diệt cỏ triệt để của các loại TDC hiện nay. Nhưng cũng chính từ sự tiện lợi này mà ngày càng nhiều nông dân lạm dụng thuốc diệt cỏ trong sản xuất nông nghiệp, bất chấp tác hại ghê gớm của sự lạm dụng đó. Do nhận thức của người dân về tác hại của loại thuốc này chưa cao nên việc sử dụng thuốc còn tràn lan và chưa đúng cách.

Trong khi đó, vì là loại thuốc không mùi, nên khi sử dụng người nông dân rất chủ quan trong việc bảo hộ, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người sử dụng thuốc và cả những người sống trong khu vực phun thuốc. Mặt khác, do tâm lý sợ cỏ không chết nên người dùng lại tự ý phun thuốc quá liều chỉ dẫn, không chỉ làm tăng lượng thuốc thừa tích đọng trong đất và nước, mà còn khiến khu đất đó trở nên khô cằn, bạc màu và chai cứng…

Đó là chưa kể ý thức, trách nhiệm của người sử dụng thuốc đối với bản thân và cộng đồng chưa cao, chưa thấy được trách nhiệm của mình đối với chất lượng sản phẩm do mình làm ra. Họ chỉ quan tâm đến năng suất, mà chưa quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe của mình và người tiêu dùng, không đảm bảo thời gian cách ly khi phun thuốc BVTV. 

Trên các cánh đồng ngô, lúa, ta có thể dễ dàng bắt gặp các loại bao bì, chai lọ đựng thuốc trừ cỏ đã qua sử dụng, thậm chí ngay gần các bờ kênh mương, khe suối mà nguồn nước đó người dân vẫn sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. 

Một góc thửa ruộng bị cháy do phun thuốc diệt cỏ

Vậy thế nào là không lạm dụng, không sử dụng thuốc BVTV bừa bãi, là dùng thuốc đúng cách ? Điều này rất quan trọng, dùng thuốc đúng cách sẽ hạn chế tối đa tác hại của quá trình sử dụng thuốc. Cụ thế là 4 yêu cầu cần phải thực hiện khi sử dụng thuốc: Dùng đúng thuốc - dùng đúng loại thuốc sẽ phát huy hiệu quả cao đối với dịch hại cần trừ, ít độc hại tới người và gia súc, môi trường và thiên địch; Dùng đúng lúc - Dùng đúng giai đoạn dịch hại dễ diệt trừ và có hiệu quả cao; Dùng đúng liều lượng và nồng độ -  Phải sử dụng theo chỉ dẫn trên nhãn thuốc về liều lượng và nồng độ; Dùng đúng cách - Pha, trộn và phun, rải cho đều, chú ý phun vào chỗ dịch hại tập trung như cỏ dại thường mọc nhiều chỗ gò cao, thiếu nước, làm đất không kỹ.

Nói về tác hại "nhìn thấy" của việc lạm dụng TDC, ông Lê Thanh Đông - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) cho biết: Trên địa bàn lâu nay chỉ tuyên truyền người dân sử dụng thuốc hợp lý chứ chưa có việc xử lý người dân trong sử dụng thuốc BVTV.  Xã chủ yếu tuyên truyền, vì chưa có chế tài xử phạt. Nhà nước còn cung cấp thì người dân vẫn còn sử dụng.

Một thực tế tại xã Hưng Mỹ, tuy chưa thống kê đầy đủ nhưng cũng đã nhận thấy, những gia đình nào có người thường xuyên phun thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, đã xuất hiện các loại bệnh hiểm nghèo. "Trong số người thường phun thuốc hàng năm thì cái chỗ bệnh tật là tăng lên. Người dân đã chứng minh được rằng hộ đó hay phun thuốc rồi là hiện nay con cái rồi đến đời cháu có hiện tượng bị ảnh hưởng. Ảnh hưởng đến sức khỏe và ảnh hướng đến giống nòi, di truyền" - Ông Lê Thanh Đông nhấn mạnh.

 Khi phun trên kênh mương, hoạt chất tan theo nước, chảy đến nơi khác và tích tụ trong đất, gây ô nhiễm ngày một nặng hơn

Vấn đề ô nhiễm môi trường do sử dụng thuốc BVTV bừa bãi cũng ngày càng nghiêm trọng hơn, không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe con người, mà còn ảnh hưởng cả đến môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh, huyện. Có một minh chứng rất cụ thể: Khi tận mắt chứng kiến những lớp cỏ cháy vàng hai bên bờ mương trên cánh đồng xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An do người dân phun thuốc diệt cỏ, ông Nguyễn Như Ý - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Synot Asean, Nghệ An cho rằng, chất diệt cỏ không chỉ thấm sâu xuống cánh đồng mà còn theo nguồn nước chảy vào sông Vinh về phía hạ du…

Ông Ý là doanh nhân định cư tại Cộng hòa Séc, được tỉnh Nghệ An kêu gọi về đầu tư cho quê hương, nhưng với thực tế như vậy thì mục tiêu của một doanh nghiệp chuyên ngành về nông nghiệp sạch phục vụ xuất khẩu sẽ là trở ngại lớn đối với ông; vì ở nước ngoài, người ta rất nghiêm ngặt trong việc kiểm định chất lượng sản phẩm. Ông cho biết, đây là dự án nuôi cá rô phi sạch công nghệ và quy trình Israel; Nếu thành công, sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động địa phương, và sẽ xuất khẩu 500 tấn sản phẩm mỗi năm. Nhưng khi chứng kiến cảnh cỏ chết cháy do phun thuốc thì ông lo ngại thực sự.

"Thông qua báo chí, tôi muốn huyện và xã - ở huyện Hưng Nguyên, đừng có đem thuốc diệt cỏ phun cháy đồng như thế này, sẽ ảnh hưởng lâu dài…Cần có một biện pháp nào đó cứng rắn để bà con không phun thuốc như vậy nữa và phải có những cách khác để làm sao vẫn làm cỏ cho sạch mà  không hủy hoại môi trường, chứ không phải như thế này" - Ông Nguyễn Như Ý tỏ ra bức xúc.

Cùng về vấn đề sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn Nghệ An, ông Nguyễn Xuân Bình - Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế, Chi cục Bảo vệ thực vật và Giống cây trồng Nghệ An, cho biết: Vừa qua ngành chức năng cũng chỉ mới xử phạt các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV chứ chưa bao giờ xử phạt người sử dụng thuốc BTV. Cụ thể, 10 tháng đầu năm nay đã xử phạt 19 cơ sở vi phạm với các lỗi chủ yếu là kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật quá hạn sử dụng; không đảm bảo an toàn duy trì các điều kiện kinh doanh theo quy định; thuốc không đảm bảo chất lượng như đăng ký.

Hiện nay, các loại thuốc bảo vệ thực vật lưu hành trên địa bàn Nghệ An đều nằm trong danh mục được sự cho phép của Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn, với trên 4000 tên thương mại, đây cũng là thực trạng của cả nước. Thời gian gần đây có một số hóa chất độc hại đang được Cục BVTV đề nghị loại bỏ. Vẫn theo ông Nguyễn Xuân Bình,  sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu bệnh là con dao 2 lưỡi, đúng là làm ảnh hưởng đến môi trường, nhưng nếu không sử dụng sẽ giảm năng suất cây trồng…

Cho đến nay, chưa có chế tài xử phạt hay cấm người dân sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ, mà chỉ khuyến cáo người dân sử dụng thuốc đúng cách mà thôi. "Từ hệ thống Chi cục BVTV đến tận huyện là có chỉ đạo xuyên suốt; nhưng thực tế ở dưới cơ sở thì người nông dân họ sử dụng không đúng theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, cái đó là khuyến cáo của địa phương" - Ông Nguyễn Xuân Bình khẳng định.

Vấn đề sử dụng thuốc BVTV hiện đã xuất hiện một tình hình đáng lo ngại nữa là việc sử dụng thuốc trừ cỏ không rõ nguồn gốc. Những loại thuốc này được người dân tự ý mua về sử dụng, việc kiểm tra, phát hiện và xử lý của lực lượng chức năng rất khó khăn. Giá thành rẻ cùng với hiệu quả diệt cỏ "tức thì" khiến cho việc sử dụng thuốc trừ cỏ không rõ nguồn gốc tăng cao… Xử lý vấn đề này cũng không đơn giản, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của nhiều ngành, nhiều cấp. 

Như vậy, thực trạng sử dụng thuốc BVTV tràn lan và không đúng cách như hiện nay, ngoài nguyên nhân về nhận thức, ý thức và trách nhiệm của người sử dụng như đã nêu ở trên, thì công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cũng như tập huấn sử dụng thuốc đúng cách, đặc biệt là đi sâu tuyên truyền tới người dân những tác hại cả trước mắt và lâu dài khi lạm dụng  thuốc, cần phải được nâng cao và thực hiện thường xuyên, liên tục, có chiều sâu và có minh chứng cụ thể.

Cùng với đó, đã đến lúc cần phải có chế tài, quy định cụ thể, nhằm tăng cường quản lý hoạt động sử dụng thuốc diệt cỏ nói riêng, thuốc BVTV nói chung, đưa người sử dụng thuốc vào "nền nếp" một cách tự giác trên cơ sở những nhận thức đúng. Có như vậy, thuốc BVTV mới không bị lạm dụng và sử dụng bừa bãi như hiện nay./.