26/04/2024 lúc 13:23 (GMT+7)
Breaking News

Hưng Yên: Hội nghị trực tuyến cùng cả nước

VNHN - Ngày 04/7/2019, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội sau nửa chặng đường của năm “bứt phá” 2019 và thảo luận các biện pháp trong thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.

VNHN - Ngày 04/7/2019, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội sau nửa chặng đường của năm “bứt phá” 2019 và thảo luận các biện pháp trong thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.

 

Phiên họp có sử dụng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), vừa được khai trương cách đây khoảng 2 tuần nhằm hướng tới Chính phủ điện tử, “phi giấy tờ”. Đây là phiên họp thứ 2 của Chính phủ sử dụng e-Cabinet sau phiên họp đầu tiên ngay tại lễ khai trương hệ thống vào ngày 24/6. Theo đó, các văn bản, tài liệu được cập nhật vào hệ thống để các thành viên Chính phủ nghiên cứu trước cũng như trong phiên họp.

Dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên có các đồng chí: Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Đỗ Xuân Tuyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Phóng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; một số đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh và các thành viên UBND tỉnh.

Đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hưng Yên

Tại Hội nghị trực tuyến lần này, theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm từ 2011-2017, trong bối cảnh 70% các nền kinh tế trên thế giới, trong đó hầu hết các nền kinh tế phát triển đều rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 745 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018.

Tại phiên họp này cũng đưa ra các vấn đề lớn thời gian qua như dịch tả lợn Châu Phi lây lan nên ngành nông nghiệp gặp khó khăn chỉ tăng 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,07% của 6 tháng năm 2018, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Thế nhưng điểm sáng của lính vực nông nghiệp là ngành thủy sản tăng trưởng khá ở mức 6,45% do nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng cao và là mức tăng trưởng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 9 năm trở lại đây. Xuất khẩu rau củ quả lần đầu tiên đạt mức hàng tỷ USD phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, bù đắp thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra.

Trong văn bản gửi các địa phương về việc chuẩn bị cho phiên họp, Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương không trình bày lại tình hình địa phương, chỉ phát biểu về các vấn đề lớn, đang có khó khăn, vướng mắc cần Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ, gồm: vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật; về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh ở cấp cơ sở; những vấn đề về phân cấp, phân quyền cho địa phương, cơ sở và giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2019.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 nên 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực.

Cụ thể, bên cạnh những điểm sáng của ngành nông nghiệp nói trên, động lực tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm tiếp tục được hỗ trợ ở cả phía cung và cầu, trong đó tiêu dùng cá nhân tăng trưởng mạnh, các ngành công nghiệp, chế biến, chế tạo, dịch vụ tiếp tục phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, lượng khách quốc tế đến nước ta đều tăng; xuất khẩu đạt 122,4 tỷ USD, xuất siêu 1,6 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 67.000 doanh nghiệp được thành lập mới, có 21.617 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân tiếp tục được bảo đảm; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thông tin và truyền thông; công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực; an ninh chính trị và trật tự xã hội ổn định…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Năm 2019 được Chính phủ xác định là năm bứt phá để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020, vì vậy các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế; năng động, quyết liệt hành động, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã  năm 2019 đã đề ra. Trong đó, đẩy mạnh cơ cấu lại các lĩnh vực, nâng cao chất lượng tăng trưởng; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng; kiểm soát lạm phát; tăng trưởng tín dụng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh; nâng cao kết quả hoạt động mở rộng thương mại quốc tế, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa; khẩn trương rà soát và cắt bỏ những thủ tục kinh doanh không cần thiết, cải cách thủ tục hành chính, xử lý nghiêm những trường hợp nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển; tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa.

Với quyết tâm xây dựng Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thủ trưởng các bộ, ngành, chính quyền các địa phương phải thể hiện trách nhiệm cao trong nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; các bộ, ngành, địa phương đề ra giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019./.