26/04/2024 lúc 12:48 (GMT+7)
Breaking News

Học sinh Bắc Ninh giành Huy chương Vàng về Phát minh sáng chế thế giới INFOINVENT 2019

VNHN - Tại Cộng hòa Moldova, đoàn học sinh Bắc Ninh với Dự án “Thiết bị trợ giúp đa năng dành cho người khiếm thị” đã vinh dự giành Huy chương Vàng tại cuộc thi KHKT về Phát minh sáng chế thế giới INFOINVENT lần thứ 17 năm 2019, tổ chức cuối tháng 11 vừa qua. 

VNHN - Tại Cộng hòa Moldova, đoàn học sinh Bắc Ninh với Dự án “Thiết bị trợ giúp đa năng dành cho người khiếm thị” đã vinh dự giành Huy chương Vàng tại cuộc thi KHKT về Phát minh sáng chế thế giới INFOINVENT lần thứ 17 năm 2019, tổ chức cuối tháng 11 vừa qua. 

Cuộc thi có sự tham dự của hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 400 dự án. Ngay khi đoàn vừa về nước, chúng tôi đã có buổi tiếp xúc để tìm hiểu kỹ hơn về cuộc thi, dự án và cả những nhân tố đã làm nên vinh quang ấy. Cuộc thi KHKT về Phát minh sáng chế thế giới INFOINVENT là nơi gặp gỡ các nhà sáng chế trẻ tuổi. Ở lần thứ 17 tổ chức tại Cộng hòa Moldova năm 2019, cuộc thi thu hút khoảng 1.000 học sinh, sinh viên đến từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây là lần đầu tiên Bắc Ninh có đoàn tham dự cuộc thi với sự kết nối, tuyển chọn của Viện Kỹ thuật Nhiệt đới (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam).

Thầy, trò đoàn Bắc Ninh rạng rỡ sau khi đoạt Huy chương Vàng tại nước Cộng hòa Moldova.

Không ai khác mà chính thầy giáo Ngô Văn Tiến, Bí thư Đoàn Trường THPT Hàn Thuyên, người được biết đến với vai trò định hướng, tư vấn và dẫn dắt nhiều dự án của học sinh Bắc Ninh đoạt giải cao tại các cuộc thi KHKT cấp Quốc gia tiếp tục là “nhạc trưởng” khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho các em học sinh trong cuộc thi lần này. Thầy Tiến chia sẻ: “Vì dự án quy tụ 5 em học sinh đến từ 3 trường: THPT Hàn Thuyên, THPT Chuyên Bắc Ninh, THCS Nguyễn Đăng Đạo (thành phố Bắc Ninh) nên việc sắp xếp thời gian, “phân vai” làm sao phát huy được sở trường, phù hợp năng lực các em phải tính toán kỹ.

Ví dụ đơn giản như các em Phùng Phương Linh (THPT Hàn Thuyên) và Nguyễn Hoàng Tùng (THCS Nguyễn Đăng Đạo) giỏi tiếng Anh được phân công thuyết trình thuần thục bài thuyết minh và hiểu cặn kẽ về sản phẩm để có thể trả lời câu hỏi phản biện của các giám khảo. Trong khi đó, em Nguyễn Đức Anh (THPT Chuyên Bắc Ninh) phụ trách phần lập trình và các em Phạm Quang Anh (THPT Hàn Thuyên), Trần Ngọc Tùng (THPT Chuyên Bắc Ninh) phụ trách thiết kế mạch phần cứng”. Kinh nghiệm trong lần đưa học sinh tham gia cuộc thi KHKT tại Mỹ trước đây cũng giúp thầy Tiến có định hướng cụ thể hơn cho cả đội trong lần này.

Dự án “Thiết bị trợ giúp đa năng dành cho người khiếm thị” được nhóm sáng tạo nỗ lực phối hợp hoàn thiện lập trình hoạt động ở 4 chế độ: Khảo sát không gian (xác định khoảng cách từ thiết bị tới vật cản phía trước, xác định nhiệt độ của vật đó và truyền về trung tâm xử lý để cảnh báo người dùng); Dò đường (thông tin về khoảng cách và nhiệt độ được truyền về trung tâm xử lý, nếu có dấu hiệu thay đổi địa hình như gặp hố sâu, vật cản, lên cầu thang hoặc thay đổi của nhiệt độ như vật quá nóng, quá lạnh thì thiết bị sẽ phát âm thanh cảnh báo).

Thông tin (thiết bị tự động cung cấp thông tin sau mỗi 30 phút hoặc khi ấn nút, thông tin bao gồm: Ngày, tháng, năm, giờ, phút hiện tại, độ ẩm, nhiệt độ, dự báo thời tiết); Giải trí (thiết bị hoạt động như một đài radio sóng FM hoặc một máy phát nhạc MP3). Một số thông số kỹ thuật của sản phẩm cũng rất đáng lưu ý như: Kiểu dáng nhỏ gọn (như một chiếc điều khiển tivi), khoảng cách xác định từ 1cm đến 160cm, khoảng xác định độ ẩm từ 0%-100%, dải nhiệt độ xác định từ -40% đến 100%, phương thức thông báo: Phát âm thanh MP3, số file âm thanh thông báo: 25.500, giao tiếp máy tính: Mini USB, nguồn điện: Pin Li ion 7,4V - 2.000 mAh, thời gian hoạt động liên tục 72h, chờ 15 ngày, chi phí: 880 nghìn đồng.

Các em học sinh thuyết trình và phản biện với các giám khảo cuộc thi.

Trao đổi thêm về ý tưởng khởi nguồn của dự án “Thiết bị trợ giúp đa năng dành cho người khiếm thị”, thầy Tiến cho biết thực ra ý tưởng ban đầu là thiết kế gậy thông minh, chống vật cản giúp người khiếm thị di chuyển dễ dàng hơn, song trong quá trình triển khai dự án kéo dài khoảng 4 tháng, qua nhiều lần thay đổi, điều chỉnh, cả đội khá ưng ý với sản phẩm hoàn thiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện sáng chế, cả đội gặp không ít khó khăn.

Em Nguyễn Đức Anh chia sẻ “Ngoài việc sắp xếp thời gian để nhóm làm việc tập trung, việc tìm hiểu phần cứng phù hợp để lập trình trên máy với yêu cầu sản phẩm nhỏ gọn, nhẹ, giá thành hợp lý làm tốn kém nhiều công sức”, trong khi đó em Trần Ngọc Tùng cho biết “Tìm vật liệu để làm đã khó nhưng khi sắp xếp, bố trí vị trí một cách khoa học, hợp lý còn khó hơn”.

Còn với Phùng Phương Linh - cô gái duy nhất trong nhóm dự án, ngoài việc phải tham gia cùng nhóm trong 3 tháng để học về lập trình, hiểu nguyên lý hoạt động của sản phẩm để có thể giới thiệu thuần thục về sản phẩm thì em phải luyện nói rất nhiều. Sản phẩm “Thiết bị trợ giúp đa năng dành cho người khiếm thị” nhỏ gọn, giá thành hợp lý được Ban Tổ chức, Ban Giám khảo cuộc thi đánh giá cao và hoàn toàn có thể ứng dụng trong thực tiễn, giúp đỡ cho người khiếm thị trong sinh hoạt hằng ngày. Tất nhiên, từ sản phẩm một công trình nghiên cứu đến việc trở thành sản phẩm thương mại, sẽ phải tiếp tục cải tiến mới có thể tạo ra được sản phẩm thực sự hoàn hảo.

Chưa hết mệt mỏi vì lệch múi giờ sau nhiều ngày ở châu Âu nhưng cả thầy và trò đoàn Bắc Ninh tham dự cuộc thi đều rất phấn khởi. Có thể nói, mặc dù tự tin và đặt nhiều kỳ vọng về việc đoạt Huy chương, song Huy chương Vàng là thành quả ngoài dự đoán của các thành viên đoàn Bắc Ninh.