03/01/2025 lúc 11:12 (GMT+7)
Breaking News

Xây dựng hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển

Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phát triển nhanh chóng và đang có những tác động to lớn đến mọi mặt đời sống. Việt Nam cũng đang bước đầu ứng dụng công nghệ AI vào đời sống. Một số lĩnh vực ứng dụng AI thời gian qua như ngân hàng, y tế, giáo dục, thương mại…

Đó là một trong số những nội dung quan trọng được nhấn mạnh trong bản Kế hoạch thúc đẩy phát triển nền tảng công nghệ mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt do Bộ TT&TT vừa mới ban hành.

Theo đó, mục tiêu hướng đến của việc thực hiện tốt nhiệm vụ này là Bộ TT&TT chủ trương, quyết tâm là đơn vị đi đầu, thí điểm nghiên cứu, phát triển, đưa vào ứng dụng mô hình ngôn ngữ tiếng Việt được sử dụng tri thức, dữ liệu lớn nhưng vẫn đảm bảo với chi phí thấp và do Việt Nam làm chủ, phát triển.

Đồng thời, đảm bảo việc phát triển mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt giải quyết triệt để, hiệu quả các thách thức: Thu thập, xử lý các nguồn dữ liệu tiếng Việt ở dạng thô để hình thành nên bộ dữ liệu đầy đủ tiếng Việt; bộ dữ liệu chỉ dẫn tiếng Việt (instruction dataset).

“Giải quyết tốt thách thức trên, sẽ giúp chúng ta thiết lập một hạ tầng tính toán cho phép thực hiện huấn luyện mô hình ngôn ngữ lớn”, Kế hoạch nhấn mạnh.

Cụ thể hơn về các nội dung kế hoạch, Bộ TT&TT hướng đến đạt mục tiêu năm 2025, Việt Nam đảm bảo có ít nhất 01 nền tảng công nghệ mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt, có khả năng cung cấp dịch vụ cho các nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) khác. Đặc biệt, sẽ đảm bảo 100% cơ quan nhà nước có trợ lý ảo giúp cán bộ, công chức phục vụ hoạt động của mình.

Cùng với đó, Bộ TT&TT yêu cầu việc thực hiện thu thập, tổng hợp, chuẩn hóa, cập nhật dữ liệu phải đảm bảo thường xuyên, tri thức chung trong các tài liệu, ấn phẩm chính thức chưa được công bố rộng rãi trên Internet; lựa chọn mô hình ngôn ngữ cơ sở, số lượng tham số phù hợp với quy mô bài toán ứng dụng đặt ra; chuẩn bị hạ tầng tính toán để huấn luyện mô hình; thực hiện huấn luyện mô hình ngôn ngữ tiếng Việt và đánh giá chất lượng mô hình…

Để đảm bảo đạt các mục tiêu này, Bộ TT&TT cho rằng việc xây dựng, hoàn thiện thể chế có yếu tố then chốt, quyết định, do đó trong thời gian tới, Bộ TT&TT tích cực đề xuất việc xây dựng, hoàn thiện Luật Chính phủ số để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho phát triển chính phủ số; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật triển khai Luật Giao dịch điện tử (năm 2023); từ đó hoàn thiện thể chế giúp cán bộ công chức làm việc lên môi trường số, triển khai các hoạt động dựa trên công nghệ số.

Cùng với đó đơn vị đầu mối trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này giao cho Cục Chuyển đổi số quốc gia chủ trì, đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai cụ thể từng nội dung của kế hoạch theo đúng quy định hiện hành; các đơn vị thuộc, trực thuộc bộ có trách nhiệm phối hợp thực hiện kế hoạch, xây dựng dữ liệu, triển khai sử dụng, đánh giá, nhận xét hoàn thiện sản phẩm.
Định hướng chiến lược trong Quyết định Số 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 có nêu: "Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến Trí tuệ nhân tạo; Xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật tạo hành lang pháp lý thông thoáng đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống; Phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo lấy con người và doanh nghiệp làm trung tâm, tránh lạm dụng công nghệ và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Quyết định cũng giao nhiệm vụ cho các Bộ/ngành liên quan đến việc kiện toàn hành lang pháp lý gồm:

Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới Trí tuệ nhân tạo.

Bộ Thông tin và Truyền thông, xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về giao dịch điện tử. Ngày 22/06/2023, Quốc hội đã ban hành Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các Nghị định và Thông tư liên quan.

Về xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về thiết lập và chia sẻ dữ liệu, về các khung thể chế thử nghiệm (sandbox), tạo ra một không gian thử nghiệm thuận lợi với khung chính sách pháp lý riêng để tiến hành thử nghiệm Trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực có tiềm năng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP về Quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

Liên quan đến xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật định dạng về công nghệ và sản phẩm Trí tuệ nhân tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông đã giao Cục Chuyển đổi số quốc gia chủ trì thử nghiệm triển khai Mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) và Trợ lý ảo (TLA), xây dựng bộ Benchmark (chương trình chạy đánh giá và kiểm tra tiêu chuẩn thử nghiệm trên máy tính) để đánh giá chất lượng các LLM và TLA đã triển khai, dự kiến ban hành trong năm 2024.
Trong khi đó, Bộ Công an xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư, quyền con người, về an ninh trật tự có liên quan đến hoạt động phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo và về đảm bảo an toàn an ninh mạng cho các hoạt động liên quan tới Trí tuệ nhân tạo.

Bộ Tư pháp xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan tới Trí tuệ nhân tạo.

Quan điểm xuyên suốt trong việc xây dựng quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo là: Phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo lấy con người và doanh nghiệp làm trung tâm, tránh lạm dụng công nghệ và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bộ đã làm việc với các doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp đã cam kết đồng hành trong việc xây dựng môi trường pháp lý bảo đảm quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức trên môi trường mạng nhưng không kìm hãm sự phát triển của xã hội.

Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phát triển nhanh chóng và đang có những tác động to lớn đến mọi mặt đời sống. Việt Nam cũng đang bước đầu ứng dụng công nghệ AI vào đời sống. Một số lĩnh vực ứng dụng AI thời gian qua như ngân hàng, y tế, giáo dục, thương mại… Chỉ số xếp hạng về mức độ sẵn sàng về AI của Chính phủ Việt Nam năm 2023 là 59 thế giới, thứ 5 trong ASEAN; Chỉ số Chính phủ điện tử năm 2022 là 86 (đứng thứ 5 ASEAN); Chỉ số Đổi mới sáng tạo (Innovation index 2023) là 46. Chính phủ đã có Đề án Xây dựng thành phố thông minh (QĐ số 950/QĐ-TTg), Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp 844.

Vũ Nhật