27/04/2024 lúc 02:16 (GMT+7)
Breaking News

Hòa Bình: Tập trung làm tốt quy hoạch một số đồ án trọng điểm để thu hút đầu tư

Vừa qua, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình đã có buổi làm việc nghe báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch và các dự án nằm trong quy hoạch chung khu vực đường Hòa Lạc – thành phố Hòa Bình và khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình.

Vừa qua, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình đã có buổi làm việc nghe báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch và các dự án nằm trong quy hoạch chung khu vực đường Hòa Lạc – thành phố Hòa Bình và khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình.

Tham dự buổi làm việc còn có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; cùng lãnh đạo một số sở, huyện trên địa bàn.

Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã báo cáo làm rõ thêm về tình hình thu hút đầu tư các dự án; tình hình giải phóng mặt bằng và những vướng mắc liên quan đến việc nhận chuyển nhượng đất giữa các doanh nghiệp và các hộ dân để thực hiện các dự án nằm trong quy hoạch chung…Phần lớn các dự án chậm tiến độ hiện đang gặp phải vướng mắc về thủ tục hành chính; về đền bù, giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân là do một số nhà đầu tư không tích cực, không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đã cam kết; lập dự án đầu tư chưa phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành; công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương còn chưa kịp thời; hệ thống giao thông chưa đồng bộ…Từ đó, đề xuất các giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình đánh giá tỉnh đang có rất nhiều tiềm năng, điều kiện thuận lợi để phát huy tốt những lợi thế. Đặc biệt, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác quy hoạch, đây được coi là một trong 4 đột phá biến lược thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Quy hoạch đòi hỏi phải có tầm nhìn dài hạn, chất lượng, công khai, minh bạch. Quản lý chặt chẽ quy hoạch, đồng thời làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng và phù hợp với quy hoạch.

Được biết, đồ án quy hoạch chung dọc hai bên tuyến đường Hòa Lạc thành phố Hòa Bình được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1194/QĐ-UBND ngày 06/7/2017 với quy mô 11.106,6ha, dân số hiện trạng 17.307 người. Đồ án được lập nhằm đáp ứng mục tiêu thúc đẩy phát triển khu vực dọc hai bên tuyến đường Hòa Lạc – thành phố Hòa Bình, khớp nối liên kết khu vực Hà Nội và Hòa Bình, kết nối quy hoạch chung các xã thông qua tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình, nhằm khống chế các khoảng lùi, chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng và nâng cấp lên đường cao tốc đủ điều kiện. Theo quy hoạch, có 18 dự án nhà ở với tổng diện tích khoảng 2.877,9ha; 04 dự án công nghiệp, nhà máy, diện tích khoảng 536ha; 06 dự án sân golf; 09 dự án phát triển du lịch với tổng diện tích khoảng 680 ha; 03 dự án mỏ đá làm vật liệu xây dựng, diện tích 73ha.

Còn đối với Quy hoạch chung khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình, đến nay đã được Bộ Xây dựng thẩm định trình Thủ tướng phê duyệt tại Báo cáo số 22/BC-BDX ngày 02/3/2021 với quy mô 52.200ha. Phạm vi của Đồ án trên địa bàn thành phố Hòa Bình và 04 huyện (Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu). Quy hoạch gồm 6 phân khu: Phân khu phát triển du lịch mang tính chất động và gắn với đô thị Hòa Bình, gắn kết hệ thống cảng Ba Cấp, Bích Hạ là khu vực phát triển đô thị, trung tâm dịch vụ hỗn hợp gắn với phát triển du lịch; Khu phát triển du lịch tập trung Hiền Lương, Bình Thanh – Vầy Nưa là khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, vui chơi giải trí, thể dục thể thao gắn với mặt hồ nước, khu dân cư mới huyện Đà Bắc; Khu phát triển du lịch sinh thái, tự nhiên hoang dã phía Bắc hệ sinh thái hồ Hòa Bình là khu vực bảo tồn hệ sinh thái rừng, phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, nghiên cứu khoa học; Phân khu du lịch vịnh Ngòi Hoa – Thung Nai – Suối Hoa là khu trung tâm dịch vụ du lịch của khu du lịch hồ Hòa Bình, trung tâm văn hóa – lễ hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc miền núi phía Bắc, là trung tâm du lịch tâm linh với đền Thác Bờ; Phân khu dịch vụ tại xã Phúc Sạn là trung tâm dịch vụ hậu cần cảng Bãi Sang, khu nghỉ dưỡng sinh thái núi mang văn hóa dân tộc đặc trưng đồng thời cũng là khu vực gắn với khu du lịch Mai Châu; Phân khu du lịch thiên nhiên hoang dã sinh thái tự nhiên gắn với bảo vệ và phát triển rừng.