26/04/2024 lúc 18:48 (GMT+7)
Breaking News

Hiệp định ‘siêu khu vực’ vẽ lại bản đồ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

VNHN - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực - RCEP sẽ trở thành hiệp định thương mại quan trọng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

VNHN - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực - RCEP sẽ trở thành hiệp định thương mại quan trọng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tác giả Jeffrey Wilson thuộc Trung tâm Nghiên cứu PerthUSA đã có một bài viết đăng trên trang của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) về những lợi thế mà RCEP sẽ mang lại cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo tác giả này, trong bối cảnh nhiều cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra trong năm 2020, tiến độ hướng tới việc ký kết Hiệp định RCEP không nhận được nhiều sự chú ý. Tuy nhiên, hiệp định thương mại tự do “siêu khu vực” này vẫn có ý nghĩa to lớn đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo đó, nếu được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh tháng 11 tới, RCEP sẽ thiết lập lại bản đồ kinh tế và chiến lược của khu vực.

Hiệp định thương mại tự do “siêu khu vực” RCEP vẫn có ý nghĩa to lớn đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (Nguồn: Alamy)

 

Hiệp định thương mại khu vực quan trọng

RCEP là một hiệp định thương mại đa phương bao gồm 15 quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và 10 quốc gia thành viên ASEAN.

Mục tiêu của RCEP là hài hòa mạng lưới các Hiệp định thương mại tự do (FTA) “ASEAN+1” hiện có thành một hiệp định thống nhất, tạo ra một bộ quy tắc thương mại thống nhất và duy nhất cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

RCEP cũng bao gồm các điều khoản quản lý đối với nhiều vấn đề thương mại của thế kỷ 21, bao gồm dịch vụ, đầu tư, thương mại điện tử, viễn thông và sở hữu trí tuệ.

 

Với một nhóm các quốc gia tham gia đa dạng về kinh tế và chính trị như vậy, các cuộc đàm phán RCEP là những nỗ lực to lớn. Kể từ khi thỏa thuận được đề cập lần đầu tiên vào năm 2011, các bên đã trải qua 31 vòng đàm phán và 18 cuộc họp cấp Bộ trưởng. “Văn bản” - bao gồm nội dung các quy định, đã được thống nhất vào cuối năm 2019 và các điều khoản tiếp cận thị trường đã được hoàn thiện trong năm nay.

RCEP cũng đã tồn tại ổn định giữa khủng hoảng Covid-19 và hầu như không bị tổn hại, với việc các cuộc đàm phán chuyển sang phương thức trực tuyến từ tháng 4/2020.

Các thành viên dự định sẽ ký kết thỏa thuận sau hội nghị cấp cao ASEAN 2020, dự kiến vào đầu tháng 11 tới. Trên nhiều khía cạnh, RCEP sẽ là một trong những hiệp định thương mại khu vực quan trọng nhất từng được ký kết.

Theo quy mô dân số và kinh tế, RCEP sẽ là khối khu vực lớn nhất còn tồn tại, chiếm gần 1/3 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn thế giới và sẽ sớm vượt qua châu Âu khi các nền kinh tế tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhanh chóng tăng cường định hướng thương mại.

Thành tựu ngoại giao lịch sử

Thực tế là RCEP trong quá trình tiến tới sự thống nhất giữa các quốc gia thành viên đã là một thành tựu ngoại giao lịch sử. Kể từ khi khởi động dự án hơn một thập kỷ trước, các cuộc đàm phán đã diễn ra bền bỉ, bất chấp một loạt các sóng gió chính trị, bao gồm cả việc toàn cầu chuyển hướng sang chủ nghĩa bảo hộ, vốn đã khiến các chính phủ chuyển sang kiềm chế hơn là tự do hóa các thiết lập chính sách thương mại.

RCEP cũng phải đối mặt với những quyết đoán ngoại giao ngày càng tăng từ phía Trung Quốc, điều này đã dẫn đến sự xấu đi trong mối quan hệ chính trị giữa Bắc Kinh và nhiều quốc gia trong khu vực.

Trong quá trình đàm phán RCEP, một số thành viên, đặc biệt là Australia, Nhật Bản và Việt Nam, đã san sẻ sự quan tâm khi tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà sau đó trở thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trong khi đó, quyết định rút lui khỏi RCEP của Ấn Độ vào cuối năm 2019 đã buộc các thành viên phải thiết lập lại chiến lược đối với các mục tiêu đàm phán. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã khiến các nhà hoạch định chính sách mất tập trung hơn nữa và dẫn tới tình trạng các xung đột bảo hộ tăng lên.

Việc thỏa thuận thương mại khu vực lớn nhất từ trước đến nay sẽ được ký kết trong bối cảnh khó khăn này là minh chứng cho cam kết của chính phủ các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đối với hội nhập kinh tế dựa trên luật lệ.

Quan trọng không kém, RCEP cũng sẽ vẽ lại bản đồ chiến lược của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sự tồn tại của một bộ quy tắc thương mại duy nhất trên toàn khu vực sẽ thay đổi triển vọng kinh tế của các quốc gia thành viên. Với việc hạ thấp các rào cản đối với thương mại và đầu tư nội vùng, các thành viên sẽ dành ưu tiên cao hơn cho việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ kinh tế giữa các nước.

 

Định hình lại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Trong bối cảnh kinh tế Mỹ và Trung Quốc đã bị tách rời một phần, RCEP sẽ làm thay đổi tính toán của nhiều chính phủ về các phản ứng trong khu vực. Hiệp định này được cho là cũng sẽ củng cố chủ nghĩa đa phương cùng vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc kinh tế khu vực.

Mặc dù nhiều ý kiến cho rằng, RCEP là một thỏa thuận do Trung Quốc lãnh đạo, nhưng thực tế RCEP là một sáng kiến do ASEAN dẫn dắt. Hiệp định được xây dựng trên nền tảng của 6 FTA ASEAN+1 và đảm bảo vị trí của ASEAN là trung tâm của các thể chế kinh tế khu vực.

Ngoài ra, RCEP cũng góp phần ràng buộc Trung Quốc với một mô hình đa phương để tự do hóa thương mại, vốn không thích hợp với các chiến lược ngoại giao kinh tế song phương được Trung Quốc ưu tiên trong sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI).

Sự hiện diện của các nước phát triển (Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc) và các nước lớn đang phát triển (Indonesia và Việt Nam) cũng tạo ra một hàng rào tập thể nhằm chống lại nguy cơ về sự thống trị kinh tế của Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc Ấn Độ rút lui khỏi RCEP sẽ khiến nước này bị loại khỏi cấu trúc kinh tế khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Lý do của việc rút lui khỏi RCEP là vì Ấn Độ không thể đáp ứng cam kết tiếp cận thị trường của các thành viên khác.

Điều này phản ánh các thiết lập chính sách thương mại mang tính bảo hộ hơn của Ấn Độ, cùng tuyên bố về sự lo ngại đối với “xu hướng gia tăng nhập khẩu của Trung Quốc” nếu nước này tham gia thỏa thuận như được đề xuất. Tuy nhiên, điều này báo hiệu khó khăn cho sự hội nhập kinh tế của Ấn Độ với các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vốn đã ở mức rất thấp do các thiết lập chính sách ít cởi mở của Ấn Độ.

Các chuyên gia cho rằng, RCEP sẽ cung cấp một giải pháp cho các nỗ lực phục hồi hậu Covid-19 cho khu vực. Đại dịch đã làm gián đoạn nhiều chuỗi giá trị xuyên biên giới, vốn rất quan trọng đối với các nền kinh tế mở của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Bằng cách hạ thấp các rào cản thương mại - vào thời điểm mà hầu hết thế giới đang nâng lên - RCEP sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn sẵn sàng mở cửa đối với các mục tiêu kinh tế.

Và bằng cách hài hòa các thông lệ thương mại quốc gia xung quanh các tiêu chuẩn chung của khu vực, RCEP sẽ giúp việc thiết lập lại chuỗi giá trị dễ dàng và nhanh chóng hơn nhiều khi đại dịch Covid-19 dần kết thúc.

Với RCEP, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ trở lại năng động hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới.