02/05/2024 lúc 04:20 (GMT+7)
Breaking News

Góc nhìn về giáo dục đào tạo hệ tại chức

VNHN-Ở nước ta, hệ tại chức là loại hình giáo dục đào tạo vừa học vừa làm, thời gian và chương trình học ngắn hơn hệ chính qui. Bậc thấp nhất là bổ túc văn hóa trong khối kiến thức phổ thông (có thời học 2 năm 3 lớp) cho đến trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và cả trên đại học. Chương trình được rút ngắn bớt một số kiến thức nhưng vẫn mang tính chất nghiên cứu của hệ chính quy.

VNHN-Ở nước ta, hệ tại chức là loại hình giáo dục đào tạo vừa học vừa làm, thời gian và chương trình học ngắn hơn hệ chính qui. Bậc thấp nhất là bổ túc văn hóa trong khối kiến thức phổ thông (có thời học 2 năm 3 lớp) cho đến trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và cả trên đại học. Chương trình được rút ngắn bớt một số kiến thức nhưng vẫn mang tính chất nghiên cứu của hệ chính quy.

Không giống như hệ chính qui là chương trình đào tạo tập trung dành cho các thí sinh đạt kết quả tốt nhất ở các kỳ thi tuyển sinh chính thức hằng năm của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp..., tham gia học tại chức (vừa làm vừa học) là những học sinh, sinh viên, những,người lao động không đủ các điều kiện về kinh tế, tuổi tác, thời gian, tình trạng sức khỏe... hoặc không có năng lực, khả năng theo học chính quy, trong diện phổ cập giáo dục, đang đi làm, muốn nâng cấp trình độ, hoàn thiện kiến thức hoặc muốn học thêm ngành khác...

Từ những thập niên 90 của thế kỷ XX trở về trước, việc học và dạy ở hệ tại chức diễn ra nghiêm túc, chất lượng tốt, nguồn nhân lực được đào tạo từ hệ tại chức đã đóng góp xứng đáng trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị trong các thời kỳ cách mạng của đất nước.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây chất lượng đào tạo của hệ tại chức có chiều hướng sa sút, ngày càng có nhiều địa phương, cơ quan tổ chức tuyển công chức, không cho những nguời có bằng cấp tại chức tham gia dự tuyển. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương yêu cầu cán bộ, công chức phải có bằng cấp chính qui và qui định thời hạn “xóa” bằng cấp tại chức bằng cách phải học tiếp để có bằng cấp cao hơn và phải học theo qui định của cơ quan đều là biểu hiện phân biệt đối xử giữa người học hệ tại chức và người học hệ chính qui, gây bức xúc trong dư luận xã hội, gây nhiều tranh cãi với nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau cả về khía cạnh luật pháp, cả về thực tế và hoàn cảnh lịch sử. Đây thực sự là tiếng chuông cảnh báo về quan điểm, nhận thức, tổ chức và chất lượng giáo dục đào tạo, đặc biệt đối với hệ tại chức.

Về mặt pháp lý, Luật công chức không cấm việc tuyển dụng những người có bằng tại chức và Luật Giáo dục không phân biệt giá trị các loại hình bằng cấp. Nhưng Luật không bắt buộc phải tuyển dụng những người có bằng tại chức và Luật cũng không qui định không phân biệt chất lượng các loại hình bằng cấp mà người  học có được. Trong thực tế lại có sự khác nhau về chất lượng giữa người tốt nghiệp hệ tại chức và người tốt nghiệp hệ chính qui. Không phải tất cả những người học tại chức là kém, cũng không phải cứ học tập trung chính qui là giỏi cả. Giỏi hay kém còn phụ thuộc trước nhất vào mục đích, động cơ và phương pháp học tập của người học, sau là phụ thuộc vào chương trình, nội dung, thời gian và phương pháp giảng dạy. Người tuyển dụng có quyền lựa chọn tuyển dụng những người có trình độ, kiến thức, năng lực làm việc có hiệu quả hơn là lẽ đương nhiên.

Thời kỳ nền kinh tế đất nước từ kế hoạch hóa tập trung bao cấp chuyển sang vận hành theo cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, cơ chế giáo dục và đào tạo ngày càng mở rộng cả về quy mô, loại hình, đối tượng và phương thức thì đồng thời cũng bị tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường. Nhiều trường, nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng hệ tại chức, coi hệ tại chức là “nồi cơm”, sự tồn tại của hệ tại chức là “nguồn thu” là “sự sống” của các trường. Địa phương nào cũng có hệ tại chức thậm chí tới 2-3 cơ sở... Có nhiều người học không vì hoàn thiện, nâng cao kiến thức, trình độ để làm tốt hơn công việc, nghề nghiệp của mình, họ “học giả” mà lại kiếm được bằng thật, “bằng thật, chất lượng giả” ai cũng biết, nhưng vẫn tăng lương, thăng chức, cơ cấu vào ban này cấp nọ vì có đủ “gọng vó” theo “qui định tiêu chuẩn cán bộ” của địa phương, cơ quan đơn vị. Yêu cầu “đầu vào” của hệ tại chức thấp hơn hệ chính quy; chương trình lại rút ngắn tới 1/3 thời lượng dạy và học; lượng kiến thức trong các môn học được giản lược bớt để phù hợp với thời gian; không có tiêu chuẩn đánh giá “đầu ra” như hệ chính quy; các cơ sở đào tạo tại chức được tự chủ trong tuyển sinh các ngành học, được xây dựng chương trình học và thi riêng, được mở lớp và liên kết mở lớp không chịu sự chi phối của ngành. Công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát, chân chính… đối với hệ tại chức bị buông lỏng trong thời gian dài. Triết lý giáo dục đào tạo hệ tại chức chưa rõ… Đây chính là những nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục, đào tạo hệ tại chức không thể bằng hệ chính quy là một thực tế tất yếu. Một số địa phương, cơ quan đơn vị không muốn tuyển dụng người có bằng cấp hệ tại chức cũng là điều dễ hiểu.

Học tập nâng cao trình độ, kiến thức, tay nghề… là quyền và nghĩa vụ của mọi công dân, của mọi cán bộ, công chức. Học gì, học bao giờ, hình thức nào, học ở đâu, học thế nào, học để làm gì… là do người học xác định, lựa chọn và phải phù hợp với quy định của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Việc tổ chức tuyển chọn chính xác người có năng lực, đúng yêu cầu công việc là việc cần thiết của cơ quan, đơn vị. Song, phải tuân thủ các quy định của pháp luật: “Bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật” đồng thời “Bảo đảm tính cạnh tranh” (Khoản 2, Điều 38 - Luật cán bộ công chức). Để được công nhận trở thành công chức, những người dự tuyển phải dự thi và phải “Có điểm của mỗi bài thi đạt từ 50 điểm trở lên; có kết quả thi tuyển cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu tuyển dụng của từng vị trí việc làm” (điểm b, c khoản 1, điều 11 Nghị định 24/2010/NĐ-CP). Sau đó, phải trải qua thời kỳ tập sự, phải được người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức đánh giá nếu đạt kết quả thì được cơ quan quản lý công chức ra quyết định bổ nhiệm và xếp lương. Trường hợp qua thời kỳ tập sự không đạt kết quả thì người trúng tuyển không trở thành công chức (điều 24 Nghị định 24/2010/NĐ-CP).

Việc công khai “từ chối tại chức” và thông báo “thẳng thừng” không cho những người có bằng cấp tại chức tham gia dự tuyển như một chính sách, một chủ trương ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị đã làm vừa qua là không đúng quy định của pháp luật, là phân biệt đối xử với những người học tại chức, gây bức xúc dư luận xã hội. Những địa phương có chủ trương “chính quy hóa” bằng cấp, yêu cầu cán bộ, công chức phải có thời hạn “xóa” bằng cấp tại chức bằng cách này cách khác (cũng có nghĩa như là “xóa” luôn hệ tại chức) nên cân nhắc thận trọng, vì cả nước đã và đang tích cực thực hiện chủ trương, chính sách xã hội hóa giáo dục đào tạo, xây dựng xã hội học tập của Đảng và Nhà nước. Nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có giải pháp nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo hệ tại chức. Các địa phương, cơ quan, đơn vị cần có quy hoạch, quy định, lộ trình, chương trình, kế hoạch, tiêu chuẩn cụ thể về tuyển dụng, đào tạo, quản lý và sử dụng đối với từng chức danh cán bộ, công chức đang làm việc, những người vừa được tuyển dụng, sẽ tuyển dụng. Có như vậy thì chủ trương, mục đích xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức mới được cán bộ, công chức và cả xã hội đồng tình hưởng ứng và tích cực thực hiện đạt kết quả tốt.