26/04/2024 lúc 16:15 (GMT+7)
Breaking News

Giới thiệu sách: Lịch sử ngành Y tế Đắk Lắk (1975 - 2020)

Tháng 12-1974, Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương cùng các cán bộ chủ chốt ở chiến trường đã họp bàn về quyết tâm và kế hoạch giải phóng miền Nam trong thời gian hai năm 1975-1976.

Tháng 12-1974, Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương cùng các cán bộ chủ chốt ở chiến trường đã họp bàn về quyết tâm và kế hoạch giải phóng miền Nam trong thời gian hai năm 1975-1976.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam mở màn từ ngày 4-3-1975 bằng chiến dịch Tây Nguyên mà trận đột phá chiến lược quan trọng nhất là việc đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975. Qua những ngày chiến đấu ác liệt, ngày 24-3-1975, chiến dịch Tây Nguyên đã giành thắng lợi hoàn toàn. Quân, dân ta đánh bại cuộc phản kích của Sư đoàn 23 Việt Nam cộng hòa, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng ngụy quân từ Tây Nguyên buộc chúng rút chạy trên đường số 7, tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 2, Quân khu II, giải phóng Tây Nguyên, nhanh chóng phát triển xuống các tỉnh ven biển miền Trung. Những thắng lợi to lớn trong chiến dịch Tây Nguyên là cơ sở để Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975. Từ ngày 26-4 đến ngày 30-4-1975, lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, chiến dịch lịch sử mang tên Hồ Chí Minh diễn ra và giành toàn thắng. Sài Gòn Gia Định và miền Đông Nam Bộ quét sạch bóng quân thù. 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, Tổng thống Dương Văn Minh buộc phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện.

Đội phẫu thuật tiền phương của Ban Dân y Đắk Lắk từ căn cứ H5 (nay là huyện Cư M’gar) tiến theo đoàn quân giải phóng kịp thời phẫu thuật cứu chữa cho rất nhiều cán bộ chiến sỹ và nhân dân bị thương trong cuộc tiến công lịch sử vào thị xã Buôn Ma Thuột. Đội phẫu thuật sau khi hoàn thành nhiệm vụ cứu chữa thương binh và người dân trong chiến đấu, ngay khi vào thị xã đã tổ chức tiếp quản các cơ sở y tế của chế độ cũ, kịp thời triển khai các ca phẫu thuật nhiều giờ liền, cứu sống rất nhiều người bị thương nặng trong trận bom trả thù tàn bạo của máy bay địch ngày 15 tháng 3 năm 1975. Nhờ có kho thuốc và trang bị y tế, thuốc men và băng gạc, bông cồn còn lại ở các cơ sở y tế này, nên việc cứu chữa bệnh nhân đã được ổn định bước đầu. Ban quân quản còn kêu gọi các nhân viên y tế chế độc cũ quay lại bệnh xá tiếp tục làm việc nhiệm vụ cứu chữa các bệnh nhân, thương binh, người dân và cả những ngụy quân bị thương. Đặc biệt là sau trận ném bom của không lực ngụy vào chợ trung tâm Buôn Ma Thuột, hàng trăm người bị thương được đưa tới các bệnh xá trong thị xã cấp cứu.

Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk.

Bộ máy ngụy quyền tỉnh Đắk Lắk của địch tại thị xã Buôn Ma Thuột sau ngày 10 tháng 3 năm 1975 đã sụp đổ hoàn toàn, sau khi quân ta làm chủ hoàn toàn thị xã, tiếp tục tấn công một số vị trí địch còn co cụm lại và đánh chặn các cánh quân tiếp viện của địch từ đường 21, đường 14 hướng về thị xã. Ngay từ ngày đầu thị xã mới giải phóng, Ủy ban Nhân Dân Cách Mạng được thành lập đóng tại Đình Lạc Giao, đã chỉ đạo mọi hoạt động của quân dân tỉnh, truy quét tàn quân, ổn định xã hội và chăm lo đời sống nhân dân, làm công tác tuyên truyền chủ trương đường lối của cách mạng đối với đồng bào vùng mới giải phóng. Tiếng đạn bom vẫn chưa dứt và quân dân tỉnh Đắk Lắk đứng trước nhiều khó khăn thử thách: Các nhóm tàn quân vẫn lẩn lút cướp phá người dân và bắn lén cán bộ chiến sỹ quân giải phóng. Một bộ phận người dân lo sợ quân giải phóng “trả thù” nên tìm mọi cách trốn ra ngoài di tản theo tàn quân địch, và một số công chức nhân viên ngụy quyền không trình diện và hợp tác với chính quyền cách mạng. Bọn phản động Fulro liên tục lợi dụng tình hình Buôn Ma Thuột và Đắk Lắk mới giải phóng, đã tổ chức quấy nhiễu, lung lạc người dân chống lại chính quyền cách mạng mới được thành lập…

Các cán bộ y tế ban Dân y từ các căn cứ H1- H9 trong kháng chiến đã dần qui tụ về thị xã Buôn Ma Thuột, sau khi tỉnh Đắk Lắk được giải phóng hoàn toàn ngày 24 tháng 3 năm 1975, được Ban Quân quản phân công trở lại các quận huyện, trung tâm hành chính của chế độ cũ để tiếp quản cơ sở y tế đóng trên địa bàn, triển khai công tác khám chữa bệnh, xử lý môi trường, tuyên truyền các chính sách của cách mạng tới nhân dân cùng đội ngũ công chức cũ còn ở lại. Tham gia xây dựng hệ thống chính trị, hành chính mới của chính quyền cách mạng, hướng dẫn người dân vệ sinh nhà cửa chăm sóc sức khỏe, sửa chữa đường xá và ổn định lao động sản xuất, đảm bảo cuộc sống trở lại bình thường dưới chế độ mới.

Bác sỹ Nay Phi La - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk tại buổi giao ban định kỳ các cơ sở.

Với đường lối chủ chương của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Đắk Lắk và sự chỉ đạo sâu sát của Ban Quân quản, tổ chức cơ sở Đảng từ trong các căn cứ kháng chiến đã được hợp nhất và chuyển thành các Đảng bộ của các ban ngành, trong đó có ngành y tế Đắk Lắk. Đảng bộ đã thành lập các Chi bộ của ngành y tế thuộc các đơn vị: Bệnh xá Tỉnh, thành phố, đội Vệ sinh phòng dịch, Chi bộ các bệnh xá tại các quận, huyện. Hệ thống cán bộ y tế được hình thành và dần dần phát triển với trọng tâm là lực lượng cán bộ y tế từ các bệnh xá trong phân khu kháng chiến, ngoài ra được bổ sung một số lực lượng y bác sỹ từ các tỉnh duyên hải miền Trung lên tăng cường cho Tây Nguyên và Đắk Lắk.

Sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ tư, Y tế Đắk Lắk còn được chi viện thêm lực lượng bác sỹ mới ra trường của các trường Đại học y khoa của miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa. Chỉ trong thời gian ngắn, sau khi Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk được giải phóng, cơ bản hệ thống y tế tỉnh đã được hình thành khá ổn định. Sau năm 1976 hệ thống chính trị cả Nước đã thống nhất hai miền, Y tế Đắk Lắk được đổi tên là Ty Y tế Tỉnh, khẳng định vai trò, vị thế của nền y tế XHCN trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam chống quân Khmer Đỏ và truy quét bọn phản động Fulro. Tới năm 1986 cùng với sự hòa nhập của hệ thống y tế các nước trên thế giới, Ty y tế được đổi tên thành Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk.

Sau hơn 10 năm cùng cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh hết sức phức tạp, vừa phải chống thù trong, giặc ngoài, vừa phải khôi phục và phát triển kinh tế từ điểm xuất phát thấp, song với truyền thống kiên cường, ý chí quyết tâm cao, quân và dân Đắk Lắk từng bước vượt qua khó khăn, thử thách giành được những thành tựu bước đầu hết sức quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Đối với ngành y tế tỉnh Đắk Lắk, tới năm 1985 cơ bản hệ thống y tế từ tỉnh xuống tới huyện và các trạm y tế ở một số địa bàn trọng điểm đã hình thành theo hệ thống y tế xã hội chủ nghĩa. Ty y tế được thành lập cùng với các ban ngành của cả tỉnh, ngành y tế đã từng bước hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở, sắp xếp tổ chức nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên môn của các đơn vị y tế, đảm bảo công tác khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh cho nhân dân. Tham gia hỗ trợ hoạt động y tế cho nước bạn Campuchia vừa thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, và truy quét bọn phản động Fulro. Trong giai đoạn này một số cán bộ y tế đã hy sinh hay bị thương do Fulro tấn công khi làm nhiệm vụ xây dựng hệ thống y tế và khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh cho nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, nơi các đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Tháng 10/1986, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X được tiến hành. Với tinh thần tôn trọng sự thật, nhìn thẳng vào sự thật, Đại hội được đánh giá những thành tựu trong giai đoạn sau giải phóng tới năm 1985 là to lớn và có ý nghĩa quan trọng, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh. Với phương trâm đổi mới mọi mặt kinh tế xã hội của tỉnh là: "Nắm vững đường lối và các quan điểm cơ bản của Đảng, ra sức phấn đấu đến mức cao nhất để phát triển”... Đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chủ động cứu chữa các bệnh nhân do thương tích chiến tranh, các bệnh cấp cứu thường gặp và khám chữa bệnh kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả. Đảm bảo khống chế các bệnh phát sinh trong cộng đồng như Sốt rét, Dịch hạch và các bệnh lây nhiễm khác, bước đầu triển khai công tác tiêm chủng phòng chống dịch bệnh cho nhân dân và truyền thông phòng chống bệnh tật, vệ sinh môi trường được chú trọng. Nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu được Đảng bộ tỉnh quan tâm chỉ đạo và đầu tư hợp lý, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, xã hội toàn tỉnh và cả nước. 

 Sau hơn hai mươi năm thực hiện đường lối đổi mới, Đắk Lắk có sự chuyển mình đáng kể: Nền kinh tế có mức tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế bước đầu chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. An ninh chính trị được giữ vững, đời sống nhân dân được cái thiện. Ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đồng hành cùng sự phát triển chính trị xã hội của tỉnh nhà, kiện toàn hệ thống y tế từ tỉnh tới huyện xã và đội ngũ cán bộ y tế thôn buôn, vượt mọi thử thách thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong gian đoạn cực kỳ khó khăn chung của y tế cả nước. Trải qua các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, tới Đại hội lần thứ thứ XVI năm 2016 đã đề ra phương hướng, mục tiêu tổng quát của Đảng bộ trong 5 năm 2016-2020: Nghị quyết Đại hội đã chú trọng nhiệm vụ phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiệm vụ tăng trưởng nền kinh tế xã hội xứng tầm là tỉnh Trung tâm của khu vực Tây Nguyên. Trong đó việc phát triển ngành y tế để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, thực hiện Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng.

Lãnh đạo Bộ Y tế thăm và kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid - 19 tại bệnh viện Vùng Tây Nguyên.

Để ghi nhận lại những dấu ấn lịch sử và truyền thống của quá trình phát triển lớn mạnh không ngừng từ sau giải phóng 10/3/1975 cho tới nay của ngành y tế tỉnh Đắk Lắk. Kế tục lịch sử và truyền thống cách mạng của y tế tỉnh nhà trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (Lịch sử ngành y tế Đắk Lắk 1930-1975), thực hiện nguyện vọng của các thế hệ cán bộ y tế qua các thời kỳ, nay Sở Y Tế tỉnh Đắk Lắk tổ chức thu thập các sự kiện lịch sử, số liệu và phỏng vấn, hội thảo với các cán bộ lão thành của ngành, ghi nhận những mốc lịch sử sâu đậm trong chiều dài 45 năm y tế cách mạng, tổng hợp lại thành cuốn: “Lịch sử ngành y tế tỉnh Đắk Lắk 1975 - 2020”, với giai đoạn chuyển tiếp lịch sử quan trọng: Chuẩn bị phục vụ y tế cho chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên từ đầu năm 1975 tới khi thống nhất đất nước, tiến tới Đại hội lần thứ IV Đảng Cộng sản Việt Nam, của cán bộ ngành y tế Đắk Lắk. Và hai giai đoạn chính là: Thời kỳ 10 năm sau giải phóng 1975-1985 và thời kỳ hội nhập đổi mới tới nay 1986-2020. Tập thể lãnh đạo Sở Y Tế tỉnh Đắk Lắk và Ban biên tập xin được giới thiệu cùng cán bộ ngành y tế, tỉnh Đắk Lắk qua các thời kỳ và Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh và bạn bè đồng nghiệp cả nước cuốn tư liệu lịch sử quý báu này được phát hành trong năm 2021.

Bác sỹ Nay Phi La - Giám đốc Sở Y tế,Trưởng ban biên tập