26/04/2024 lúc 20:29 (GMT+7)
Breaking News

Đưa Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia vào cuộc sống

VNHN – Các địa phương đang triển khai Kế hoạch đưa Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia vào cuộc sống.

VNHN – Các địa phương đang triển khai Kế hoạch đưa Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia vào cuộc sống.

Ảnh minh họa

Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới và tỷ lệ uống rượu bia ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2010 có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu bia trong 30 ngày qua thì sau 5 năm, đến năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới. Đặc biệt, tình trạng sử dụng rượu, bia trong lứa tuổi thanh thiếu niên ngày càng diễn ra nghiêm trọng với tỷ lệ uống rượu, bia trong vị thành niên và thanh niên đã tăng gần 10% sau 5 năm. Tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại - tức là uống từ 6 đơn vị rượu trở lên trong một lần uống lên tới 44%.

Do những ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và gây ra các vấn đề xã hội nghiêm trọng nên rượu, bia là loại hàng hóa được hầu hết các quốc gia đưa vào kiểm soát chặt chẽ và không khuyến khích tiêu dùng. Tổ chức Y tế thế giới đã phê chuẩn Chiến lược toàn cầu nhằm giảm tác hại của việc sử dụng đồ uống có cồn vào năm 2010. Tại Việt Nam, ngày 12/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 244/QĐ/TTg phê duyệt Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 và Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Sau 7 năm nghiên cứu, xây dựng, ngày 14/6/2019, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được Quốc hội khóa XIV thông qua. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một luật điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh đối với vấn đề phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Để Luật này được triển khai hiệu quả, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có Công văn số 9175/VPCP-KGVX yêu cầu các Bộ ngành, địa phương triển khai các kế hoạch đưa Luật này vào cuộc sống.

Tại Hà Nội, UBND thành phố đã yêu cầu các sở, ngành, các tổ chức, đoàn thể của thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia; đồng thời, tổ chức phổ biến, tuyên truyền luật tới toàn thể cán bộ, công nhân viên chức và người lao động của đơn vị.

Riêng Sở Y tế tham mưu cho UBND thành phố thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia trên địa bàn thành phố, đồng thời thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ở các đơn vị, định kỳ báo cáo UBND thành phố và Bộ Y tế theo quy định.

Tỉnh Bình Dương cũng tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia; ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; tổ chức thực hiện nghiêm quy định về các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu bia, quản lý việc cung cấp rượu bia, giảm tác hại của rượu, bia và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu bia theo đúng quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia.

Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ được chính thức áp dụng vào ngày 1/1/2020, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của huyện triển khai thực hiện các nội dung của Luật này. Theo đó các hoạt động triển khai Luật sẽ hướng vào 3 mục tiêu chính là: Hạn chế sự có sẵn của rượu, bia; hạn chế và kiểm soát quảng cáo rượu bia; tăng thuế tiêu thụ đặc biệt vào các sản phẩm rượu bia.

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công và tình hình thực tế tại địa phương, tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; đồng thời, tổ chức rà soát các văn bản quy phạn pháp luật của địa phương hiện hành liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia.

Tỉnh yêu cầu các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm quy định về các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu bia, quản lý việc cung cấp rượu bia, giảm tác hại của rượu bia và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu bia theo đúng quy định của Luật.