27/04/2024 lúc 00:12 (GMT+7)
Breaking News

Dự thảo chỉ thị mới chia thành 3 nhóm nguy cơ của dịch bệnh

VNHN - Dự thảo Chỉ thị mới về các biện pháp phòng, chống dịch covid-19 nêu cụ thể các biện pháp áp dụng cho từng nhóm nguy cơ, từ nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp.

VNHN - Dự thảo Chỉ thị mới về các biện pháp phòng, chống dịch covid-19 nêu cụ thể các biện pháp áp dụng cho từng nhóm nguy cơ, từ nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp.

Hôm nay (17/4), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Phó Thủ tướng cho biết, nội dung quan trọng của buổi họp này là lấy ý kiến các bộ ngành và địa phương cho Dự thảo chỉ thị mới để triển khai các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 mà Thủ tướng đã chỉ đạo.

Dự thảo chỉ thị mới do nhóm chuyên viên của Bộ Y tế soạn thảo. Dự kiến trong ngày mai Dự thảo sẽ được trình lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trình bày dự thảo chỉ thị mới, ông Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết chỉ thị mới này có nhiều phần lớn và những điểm chính đáng chú ý.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình Dự thảo mới về các giải pháp.

1. Các biện pháp áp dụng chung trên phạm vi toàn quốc.

Chính quyền các cấp, các bộ ngành tiếp tục thực hiện và quán triệt sâu sắc những biện pháp phòng chống dịch bệnh, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân để cùng nhau chung tay đẩy lùi Covid-19.

Mỗi người phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch ở cơ quan, công sở, đơn vị, cơ sở kinh doanh dịch vụ, cơ sở bảo trợ xã hội, công trường đang thi công. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho nhân viên khi làm việc tại cơ quan, đơn vị.

Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh “Chỉ thị này nói rõ chúng ta không phải dừng hoạt động tất cả các cơ quan hành chính, chúng ta tiếp tục cho hoạt động nhưng người đứng đầu phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn”.

Bên cạnh đó, tăng cường năng lực, tập trung xét nghiệm tại các ổ dịch, nhóm người có nguy cơ cao, xử lý triệt để các ổ dịch. Tiếp tục thực hiện tốt cách ly, hạn chế lây nhiễm tại các cơ sở cách ly tập trung.

Các cơ quan chức năng phải đảm bảo việc khám chữa bệnh cho nhân dân, tổ chức phân luồng phân tuyến hợp lý, tuân thủ qui định về chống dịch ở các cơ sở y tế ngay khâu tiếp đón, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện, khám chữa bệnh từ xa và khám tại nhà, đảm bảo an toàn cho đội ngũ y tế, chuẩn bị đầy đủ những điều kiện cần thiết để sẵn sàng các tình huống dịch bệnh.

Tuân thủ qui định về chống dịch ở các cơ sở y tế ngay khâu tiếp đón.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ vào sản xuất sinh phẩm, trang thiết bị y tế. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân. Yêu cầu mọi người tiếp tục đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách tối thiểu khi tiếp xúc và không tập trung đông người.

Phát khẩu trang và hướng dẫn người dân bảo vệ an toàn bản thân.

Người đứng đầu cơ quan đơn vị, doanh nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức làm việc do cơ quan đơn vị một cách phù hợp, không để chậm chễ công việc, nhất là công việc có thời hạn, thời hiện theo qui định của pháp luật và các dịch vụ công.

Hoạt động vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu, xe phục vụ cho phòng chống dịch, xe ngoại giao, xe đưa đón công nhân, xe chuyên gia, xe chở công chức viên chức, xe chở người cách ly, xe phục vụ môi trường, phải được kiểm tra rõ ràng theo quy định của bộ y tế để phòng tránh tạo ra những “ổ dịch mới” trong cộng đồng.

2. Các biện pháp áp dụng cho từng nhóm nguy cơ.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phân loại theo 3 nhóm: nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp. Tất cả các địa phương thuộc 3 nhóm trên đều phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo các điểm chính trên và một số biện pháp sau quy định riêng đối với từng nhóm:

Nhóm nguy cơ cao: Tập trung kiểm soát tình hình, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thực sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm, hàng hóa và các dịch vụ thiết yếu khác.

Tuyên truyền người dân hạn chế ra tiếp xúc gần.

Đối với nhóm có nguy cơ: Hạn chế người dân ra ngoài, không tập trung quá 10 người, khi ra ngoài phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn như quy định ở trên; giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi tiếp xúc, hạn chế vận chuyển hành khách công cộng, vận chuyển liên tỉnh.

Đối với nhóm nguy cơ thấp: khuyến khích người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết, tuyệt đối cấm tập trung quá 20 người nơi công cộng, giữ khoảng cách tối thiếu 2 mét khi tiếp xúc.

Địa phương mỗi tỉnh phải tích cực tuyên truyền người dân hạn chế vận chuyển hành khách công cộng, vận chuyển hành khách liên tỉnh, khuyến khích không mở cửa hàng phục vụ các mặt hàng, dịch vụ không thiết yếu và các hình thức kinh doanh, lao động tự do tự làm việc cũng phải đảm bảo các biện pháp phòng tránh lây nhiễm.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Quy định cụ thể việc thực hiện cách ly xã hội và các biện pháp áp dụng trên địa bàn một cách phù hợp theo từng nhóm nguy cơ. Đối với nhóm có nguy cơ và nguy cơ thấp có thể áp dụng mức cao hơn theo hướng dẫn nhưng phải đảm bảo việc sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các cơ quan truyền thông cần tiếp tục tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội. Bên cạnh đó, người dân phải tự có ý thức phòng bệnh cho mình cũng là phòng bệnh cho cộng đồng.

Dù diễn biến dịch bệnh trong nước đang có những dấu hiệu khả quan, nhưng không được chủ quan, lơ là, bởi thực tế trong nước đã xuất hiện các trường hợp lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng./.