27/04/2024 lúc 06:11 (GMT+7)
Breaking News

Đổi thay trên quê hương Anh hùng Vừ A Dính

VNHNO - Trở lại Pú Nhung vào một ngày cuối tháng 8/2018, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước không khí náo nhiệt, rộn rã của xã miền núi ở phía đông bắc huyện Tuần Giáo (Điện Biên). Xen giữa mầu xanh ngút ngàn của nương lúa, nương ngô, con đường từ trung tâm xã dẫn về các bản Đề Chia, Khó Bua, Phiêng Pi, Xá Tự… còn nổi bật hơn bởi mầu đỏ rực của những lá cờ Tổ quốc.

VNHNO - Trở lại Pú Nhung vào một ngày cuối tháng 8/2018, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước không khí náo nhiệt, rộn rã của xã miền núi ở phía đông bắc huyện Tuần Giáo (Điện Biên). Xen giữa mầu xanh ngút ngàn của nương lúa, nương ngô, con đường từ trung tâm xã dẫn về các bản Đề Chia, Khó Bua, Phiêng Pi, Xá Tự… còn nổi bật hơn bởi mầu đỏ rực của những lá cờ Tổ quốc.

Người dân thu hoạch lúa ở xã Pú Nhung

Thấy chúng tôi ngạc nhiên trước khung cảnh hoàn toàn mới của xã miền núi, Bí thư Chi đoàn xã Pú Nhung Sùng A Páo tự hào khoe: Từ khi thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, cứ vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương, toàn bộ các hộ dân ở xã Pú Nhung đều treo cờ Tổ quốc ở vị trí trang trọng trong khuôn viên của gia đình.

Trước mỗi dịp ấy, cán bộ, nhân dân trong xã đều tổ chức lao động, dọn vệ sinh quanh trụ sở cơ quan, trường học và cả từng con đường dẫn về mỗi bản. Trong những buổi lao động tập thể như thế, người Pú Nhung động viên nhau cùng góp sức thực hiện các tiêu chí về môi trường, giao thông, an ninh trật tự, văn hóa để xã sớm hoàn thành mục tiêu trở thành xã nông thôn mới tiêu biểu của địa phương.

Trong khuôn viên Đài tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Vừ A Dính gần trung tâm xã Pú Nhung, rất nhiều đoàn viên, thanh niên và đội viên các trường tiểu học, THCS xã Pú Nhung mải miết quét dọn, nhổ cỏ, chăm cây. Em nào cũng lấm tấm mồ hôi, nhưng nụ cười luôn ánh lên trên từng khuôn mặt, khóe mắt. Thành tâm thắp nén nhang tại Đài tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Vừ A Dính, chúng tôi vô cùng xúc động khi lắng nghe những câu chuyện kể về tấm gương quả cảm của người thiếu niên dân tộc Mông, đã cống hiến tuổi xuân cho cách mạng.

Mở đầu cho câu chuyện về đổi thay hôm nay ở Pú Nhung, Chủ tịch UBND xã Sùng Dũng Phía không quên ôn lại truyền thống cách mạng của quê hương mình. Trung tâm hành chính xã Pú Nhung hiện đóng ở bản Đề Chia A. Bản Đề Chia (cũ) thời Vừ A Dính đánh thực dân Pháp, nằm sâu trong rừng, cách vị trí của bản Đề Chia ngày nay gần ba giờ đồng hồ đi bộ. Khu rừng ấy lúc sang xuân rực rỡ hoa đào đã chứng kiến sự hy sinh của Vừ A Dính trong tư thế người chiến thắng vào buổi chiều ngày 15/6/1949.

Khi ấy anh 15 tuổi. Mấy năm sau ngày hòa bình lập lại, trên đà thắng lợi của cuộc cải cách ruộng đất, thực hiện chủ trương của Đảng về định canh, định cư cho đồng bào các dân tộc nói chung và đồng bào Mông nói riêng, bản Đề Chia được di dời xuống một thung lũng rộng lớn và bằng phẳng chính là địa điểm hiện nay. Như vậy, trong số mười bản của xã Pú Nhung, thì Đề Chia A là bản định cư lâu đời nhất, nơi được xem là “thủ phủ” của xã vùng cao với những đóng góp rất đáng trân trọng trong kháng chiến.

Phát huy truyền thống ấy, trong công cuộc xây dựng hôm nay, cán bộ, nhân dân luôn kiên tâm với mục tiêu xây dựng xã Pú Nhung ngày càng giàu đẹp, ấm no, hạnh phúc. Trong bước đường dựng xây, Pú Nhung hôm nay đã hoàn thành cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm; tất cả học sinh trong độ tuổi đều đến trường; toàn bộ các gia đình ở Pú Nhung đều đăng ký xây dựng gia đình văn hóa; tình hình chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội ổn định và giữ vững. 

Theo ông Sùng Dũng Phía, cán bộ và nhân dân Pú Nhung luôn ghi nhớ quá khứ gian khó mà oai hùng để thấy hết giá trị của sự đổi mới hôm nay - những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Pú Nhung chung sức đồng lòng đạt được. Đứng trên hành lang tầng hai trụ sở UBND xã, nhìn sang ngôi trường tiểu học gianh tre cũ nát hôm nào, giờ là ngôi trường hai tầng khang trang. Cùng với đó, trạm phát lại truyền hình, điện lưới quốc gia, bưu điện văn hóa, trạm y tế, trung tâm học tập cộng đồng... lần lượt mọc lên trong nỗ lực xây dựng nông thôn mới của cán bộ và nhân dân Pú Nhung.

Những năm qua, rất nhiều chương trình, dự án của Chính phủ và của các cấp, các ngành được triển khai nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở Pú Nhung. Đây hiện là một trong những địa phương điển hình về nhiều mặt trong tỉnh Điện Biên. Hỏi Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Pú Nhung Vừ Chờ Lềnh về “bí quyết” của Đảng bộ trong phương hướng lãnh đạo, đồng chí trả lời: Bí quyết gì cũng không nằm ngoài ý Đảng - lòng dân. 

Được nhân dân tin tưởng và triệt để chấp hành, tự nó trở thành “bí quyết”, “phương châm” lãnh đạo. Ví như cuộc vận động “không trồng, không buôn bán và không sử dụng thuốc phiện”, Pú Nhung cũng làm như mọi nơi khác, các đoàn thể cùng nhập cuộc, tổ chức tuyên truyền pháp luật và phân tích tác hại của ma túy. Tuy nhiên, do được người dân hết lòng ủng hộ, cuộc vận động đã thu được kết quả ngoài mong đợi. Tình trạng nghiện hút, buôn bán ma túy đã giảm đáng kể.

Trong phát triển kinh tế, tuy còn nhiều khó khăn do địa hình, địa chất, nhưng ngoài các loại cây truyền thống, người Pú Nhung còn chịu khó tìm hiểu, trồng thêm nhiều loại cây mới mang thương hiệu Pú Nhung, như cây mía “xương đen”, cây dứa... Là người chứng kiến đổi thay ở Pú Nhung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Giàng A Kỷ cho biết: Hội Nông dân xã tích cực vận động hội viên, nông dân chuyển đổi nếp nghĩ, cách làm. 

Không chỉ đưa nhiều loại cây vào gieo trồng, người nông dân Pú Nhung còn biết áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng. Cứ như thế, mùa nối mùa, năm tiếp năm, người Pú Nhung tìm thấy hạnh phúc, ấm no ngay trên đồng đất quê hương mình. Gia đình các ông Sùng Vả Hồ (bản Phiêng Pi), Sùng Dũng Thào (bản Khó Pua), Ly A Sùng (bản Tinh Lá)... là những tấm gương cán bộ, đảng viên vừa giỏi việc xã, việc bản, vừa năng động phát triển kinh tế hộ bằng những mô hình vườn - ao - chuồng - ruộng cho hiệu quả cao./.

Theo Nhandan.com.vn