26/04/2024 lúc 21:18 (GMT+7)
Breaking News

Đáp ứng thị trường lao động trong cách mạng công nghiệp 4.0

VNHN – Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động; tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia là những trọng tâm chỉ đạo điều hành của ngành LĐ-TB&XH trong năm 2020.

VNHN – Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động; tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia là những trọng tâm chỉ đạo điều hành của ngành LĐ-TB&XH trong năm 2020.

Ảnh minh họa

Năm 2019 là một năm lĩnh vực lao động, người có công và xã hội tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả vượt bậc. Ngành LĐ-TB&XH hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội giao với chất lượng được nâng lên rõ rệt: Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị khoảng 3,12%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 24%; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1,3% so với cuối năm 2018, riêng các huyện nghèo giảm gần 5%.

Năm 2019 cũng là năm thứ tư liên tiếp Bộ hoàn thành 100% Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Đặc biệt, Bộ đã chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội đã biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành 90,06%, đây là Bộ luật có nhiều nội dung lớn, phức tạp, nhạy cảm, qua đó đã nội luật hóa công ước và các cam kết quốc tế, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế ILO.

Cùng với đó, các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành đều đạt và vượt kế hoạch, có bước tiến so với năm 2018. Ước cả năm tạo việc làm trên 1,655 triệu người, đạt 103,5% kế hoạch, bằng 100,4% so với thực hiện năm 2018, trong đó: Tạo việc làm trong nước khoảng 1,508 triệu người; đưa trên 147 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tuyển sinh dạy nghề đạt trên 2,33 triệu người, là năm thứ hai liên tiếp tuyển sinh vượt kế hoạch; giảm nghèo tiếp tục đạt kết quả tích cực, tỷ lệ giảm nghèo năm 2019 giảm 1,35%, đến nay hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn dưới 4%; theo tiêu chí của Liên hợp quốc, chúng ta còn 1,45%, đáng phấn khởi là đã xuất hiện nhiều tấm gương vươn lên thoát nghèo, tự viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo tại một số địa phương.

Về lĩnh vực người có công, qua hơn 3 năm đã giải quyết chế độ hoặc giải đáp, trả lời đối với 100% số hồ sơ rà soát tại thời điểm ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH - trên 6000 hồ sơ), trong đó đã xác nhận trên 2.000 liệt sĩ, trên 2.600 thương binh. Hiện nay, đang tiếp tục xem xét theo hướng mở rộng phạm vi đến các ngành, cấp huyện, xã và trong nhân dân và theo báo cáo của các địa phương, có 8 địa phương đã giải quyết xong hồ sơ tồn đọng, 14 địa phương không có tồn đọng.

Các lĩnh vực bảo trợ xã hội; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội; hợp tác quốc tế; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, phát triển, có nhiều tiến bộ.

Tại Hội nghị tổng kết ngành năm 2019, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ghi nhận và đánh giá, ngành LĐ -TB&XH đã hoàn thành tốt 3 mục tiêu đột phá về: Xây dựng thể chế; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; và phát triển thị trường lao động.

Xây dựng thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020, việc hoàn thành toàn diện các mục tiêu đặt ra sẽ tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược 10 năm 2021 - 2030; đồng thời, là năm có nhiều ngày lễ lớn. Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Nền kinh tế nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Trong thời gian tới ngành LĐ -TB&XH sẽ phải đối mặt không ít những khó khăn, thách thức, dự báo sẽ có tác động, ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ của ngành. Đó là thị trường lao động đối mặt với nguy cơ thừa lao động với trình độ, kỹ năng thấp nhưng lại thiếu nhân lực trình độ cao cho cuộc cách mạng 4.0; xu hướng đô thị hóa và di cư của người dân tạo sức ép lớn về hạ tầng, môi trường và an sinh xã hội; già hóa dân số tốc độ nhanh tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội; chênh lệch giàu nghèo có xu hướng gia tăng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn; biến đổi khí hậu tác động đến nhiều mặt của đời sống người dân, nhất là các đối tượng yếu thế trong xã hội...

Trong bối cảnh đó, để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng khẳng định toàn ngành sẽ quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; quán triệt phương châm hành động của Chính phủ và tiếp tục phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả” với 5 trọng tâm chỉ đạo điều hành.

Cụ thể, tập trung cho công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống luật pháp về lao động, người có công và xã hội bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại, khả thi và hội nhập quốc tế.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động; tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tạo lập đầy đủ, đồng bộ các yếu tố và điều kiện cơ bản để thúc đẩy sự phát triển và hoạt động của thị trường lao động, bảo đảm đồng bộ với các loại thị trường khác trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hình thành một thị trường lao động hiện đại, thông suốt và hội nhập, nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.

Triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Thực hiện đầy đủ Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội. Với những thành tựu đạt được năm qua, cùng với những kế hoạch, giải pháp cụ thể, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục gặt hái những thành tích ấn tượng hơn trong năm 2020.