26/04/2024 lúc 17:33 (GMT+7)
Breaking News

Công tác kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm dịp cuối năm của Bắc Ninh

VNHN - Thời gian trở lại đây, công tác cảnh báo về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) liên tục đã phần nào tác động tới xã hội. Đặc biệt là dịp cuối năm công cuộc phòng chống thực phẩm bẩn, đảm bảo VSATTP, vì một nguồn thực phẩm sạch trong dịp nghỉ lễ đón Tết được quan tâm và đẩy mạnh thực hiện như hiện nay.

VNHN - Thời gian trở lại đây, công tác cảnh báo về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) liên tục đã phần nào tác động tới xã hội. Đặc biệt là dịp cuối năm công cuộc phòng chống thực phẩm bẩn, đảm bảo VSATTP, vì một nguồn thực phẩm sạch trong dịp nghỉ lễ đón Tết được quan tâm và đẩy mạnh thực hiện như hiện nay.

Những hệ lụy từ việc không quản lý tốt thực phẩm

Vụ việc hàng trăm trẻ em độ tuổi mầm non bị phát hiện dương tính với sán lợn tại huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) khiến cho hàng nghìn gia đình ở địa phương này hoảng loạn, phải đưa con nhỏ về Hà Nội làm xét nghiệm sán lợn và các loại ký sinh trùng khác, vẫn đang diễn biến phức tạp, dù cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc.

Tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức thanh, kiểm tra toàn diện các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm, nhất là cung cấp cho các nhà trường, tiến hành truy xuất thực phẩm đầu vào các bếp ăn trường học. Cùng đó, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cũng vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các sở Giáo dục và Ðào tạo phối hợp với sở Y tế và các cơ quan tại địa phương tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh trường học, ATTP. Phía Bộ Y tế, ngày 19-3, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã có văn bản khẩn, yêu cầu Viện Sốt rét, côn trùng và ký sinh trùng T.Ư, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư báo cáo việc người dân Bắc Ninh ồ ạt đưa trẻ về Hà Nội làm xét nghiệm sán.

Phụ huynh ăn đợi nằm chờ ở bệnh viện để xét nghiệm sán lợn cho con.

Hay vụ nghi ngộ độc thực phẩm xảy ra tại một số doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp Quế Võ và Khu công nghiệp Đại Đồng (Tiên Du, Bắc Ninh), đến trưa 31/8, tình hình sức khỏe của các công nhân đã cơ bản ổn định. Doanh nghiệp cung cấp suất ăn là Công ty TNHH BKtech Vina (xóm Núi, thôn Núi Chè, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) tạm dừng hoạt động cung cấp suất ăn công nghiệp cho đến khi có kết luận về vụ việc; đồng thời gửi xét nghiệm mẫu thực phẩm và bệnh phẩm để xác định nguyên nhân gây ngộ độc.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, tính đến trưa ngày 31/8, đã có 75 trên tổng số hơn 130 bệnh nhân nhập viện đã được ra viện, không có bệnh nhân diễn biến bệnh nặng, không có bệnh nhân tử vong. Trong đó, có 52 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Kinh Bắc (thành phố Bắc Ninh); 72 bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Y tế Quế Võ (có 67 bệnh nhân ra viện); 3 bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Y tế thị xã Từ Sơn (3 bệnh nhân ra viện); 5 bệnh nhân điều trị tại Trạm Y tế xã Hoàn Sơn (5 bệnh nhân ra viện). 

Các trường hợp ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Willtech Vina điều trị tại BVĐK huyện Quế Võ. 

Trước đó, sau bữa trưa ngày 29/8, một số công nhân Công ty TNHH Guhsung Vina (Khu công nghiệp Quế Võ) xuất hiện các triệu chứng đau bụng, buồn nôn đã đi đến phòng y tế của công ty vào khoảng 15 giờ 00 cùng ngày. Sau đó, các công nhân không điều trị gì và tiếp tục làm việc. Đến đêm 29/8, những công nhân trên có biểu hiện đau bụng nhiều, buồn nôn, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, người mệt mỏi và đến cơ sở y tế khám, điều trị. Trong sáng 30/8, có nhiều công nhân của 4 doanh nghiệp là Công ty Guhsung Vina, Công ty TNHH New Circuit Việt Nam, Công ty HongGoang (cùng ở Khu công nghiệp Quế Võ) và Công ty TNHH Motus Vina (Khu công nghiệp Đại Đồng) có các triệu chứng tương tự.

Sự vào cuộc của cơ quan chức năng

Những vụ việc trên thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về chất lượng bữa ăn học đường nói riêng và vệ sinh ATTP nói chung. Việc kiểm tra nguyên nhân, truy cứu trách nhiệm liên quan hiện vẫn được các cơ quan chức năng xác minh làm rõ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, vụ việc đã gây làn sóng phẫn nộ trong dư luận, lo lắng trong nhân dân này lẽ ra được giải quyết kịp thời, nếu như thông tin ban đầu tới người dân được cung cấp một cách minh bạch, thỏa đáng.

Nói về vụ việc, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng: Việc người dân lo lắng trước thông tin thực phẩm không bảo đảm ở trường Thanh Khương (huyện Thuận Thành), sau đó tự nguyện đưa con đi xét nghiệm là lo lắng chính đáng. Song, vụ việc lẽ ra thông tin phải rất minh bạch, kịp thời, khách quan và không bao biện. Sự việc đúng như thế thì phải đương đầu và xử lý, còn nếu không đúng thì phải giải thích kịp thời, chính xác và khoa học. Tỉnh Bắc Ninh có tốc độ gia tăng dân số và gia tăng đô thị hóa mạnh, do đó, việc chủ động trong công tác giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề có ý nghĩa lớn về kinh tế xã hội, an toàn sức khỏe cộng đồng.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cũng đánh giá tỉnh Bắc Ninh đã xử lý nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế khi nhận được thông tin về thực phẩm không bảo đảm ở Trường mầm non Thanh Khương và đã đình chỉ công tác các tổ chức, cá nhân liên quan. Trước câu hỏi, việc vi phạm ATTP ở trường Thanh Khương có liên quan gì đến việc các cháu đồng loạt đi xét nghiệm sán, trong đó một số cháu có kết quả dương tính, hay không? ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng chưa có cơ sở để khẳng định.

Qua báo cáo, các mẫu thịt lợn không được lưu lại nhưng nếu thịt có sán, ấu trùng sán nhưng đã được nấu chín thì nguy cơ lây bệnh là không còn. Phải khẳng định rõ ràng không chỉ thực phẩm ăn ở trường mà còn nhiều nguồn có thể lây nhiễm sán nếu ăn uống không bảo đảm vệ sinh. Sau vụ việc này, không chỉ trường học, ngay cả người lớn, không chỉ ở Bắc Ninh mà nhiều tỉnh, thành phố đã ghi nhận có tình trạng như vậy cần tuyên truyền người dân ăn uống bảo đảm vệ sinh và chủ động trong phòng ngừa bệnh tật.

Ông Trần Ngọc Thực, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP) tỉnh Bắc Ninh - cho biết: “Ngay từ khi mới thành lập, BQL ATTP tỉnh đã chủ động tham mưu và phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND các cấp triển khai nhiều hoạt động nhằm đảm bảo ATTP trên địa bàn, an toàn sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường”. Năm 2018, tỉnh Bắc Ninh được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thành lập BQL ATTP, trên cơ sở từ một số chức năng của các đơn vị thuộc Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Sở Công Thương.

Ông Trần Ngọc Thực, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP) tỉnh Bắc Ninh.

Từ đó đến nay, BQL ATTP tỉnh Bắc Ninh đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần đảm bảo vệ sinh ATTP, tạo nên sự thống nhất trong công tác quản lý, cấp phép, thanh kiểm tra. Bên cạnh những thành tích đạt được, BQL ATTP vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập do các quy định hiện hành trong công tác quản lý ATTP còn chưa có sự thống nhất, chưa phù hợp thực tiễn, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý ATTP còn thiếu về số lượng, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn.

Để công tác ATTP có hiệu quả tốt trong những tháng cuối năm 2019, BQL ATTP tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các giải pháp để triển khai Đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm bẩn”. Đồng thời, triển khai mạnh mẽ các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi về ATTP. Thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về ATTP, tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh. Nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống giám sát, ghi nhận và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm. Tăng cường công tác chứng nhận đủ điều kiện ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Bắc Ninh đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm dịp cuối năm

Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng vệ sinh ATTP trong dịp cuối năm, về phía quản lý nhà nước, cần khắc phục tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm. Cần hướng dẫn cặn kẽ, đầy đủ, kịp thời giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển đúng định hướng, tuân thủ nghiêm quy trình và các quy định về ATTP. Cũng như tăng cường, nâng cao hiệu quả thanh, kiểm tra, giám sát ATTP, nhất là ở cấp xã/phường, huyện. Những đối tượng vi phạm cần xử lý nghiêm khắc, có như vậy mới sàng lọc, giúp những cơ sở thực sự có chất lượng tồn tại và phát triển, những cơ sở thiếu ý thức, điều kiện cần thiết buộc phải dừng hoạt động.

Đoàn công tác liên ngành kiểm tra công tác ATTP tại một cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Về phía người tiêu dùng, thiết nghĩ cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thực phẩm; chặt chẽ và thận trọng trong lựa chọn sản phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc. Kịp thời phát hiện, cung cấp thông tin, lên án, tẩy chay những cơ sở sản xuất, kinh doanh không bảo đảm ATTP, tạo sức ép lên nhà sản xuất, kinh doanh cũng như nhà quản lý nhằm bảo đảm ATTP cho cộng đồng. Ðiều quan trọng hơn, cần tạo các ưu đãi để động viên người sản xuất, chế biến tốt, hiệu quả và có chế tài xử phạt nghiêm minh nhằm răn đe các hành vi cố ý, cố tình vi phạm các quy định về vệ sinh ATTP của lực lượng này.

Với ATTP trong trường học, nhằm ngăn ngừa các vụ việc vi phạm, thiết nghĩ cần phải giao trách nhiệm và ràng buộc chặt chẽ về chất lượng bữa ăn học đường cho hiệu trưởng nhà trường. Vai trò quản lý, giám sát của lãnh đạo phòng giáo dục cũng như chính quyền địa phương cũng cần phát huy hơn nữa, bên cạnh việc nghiêm trị thích đáng đối với đơn vị cung ứng thực phẩm bẩn vào trường học.

  • Tags: