27/04/2024 lúc 01:30 (GMT+7)
Breaking News

Công bố mức độ hài lòng của doanh nghiệp (DN) năm 2019 về cải cách thuế

VNHN - Ngày 18/11, Tổng cục Thuế phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo công bố: “Báo cáo đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng cả doanh nghiệp (DN) năm 2019”.

VNHN - Ngày 18/11, Tổng cục Thuế phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo công bố: “Báo cáo đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp (DN) năm 2019”.

Ảnh minh họa

Báo cáo là kết quả hợp tác giữa VCCI và Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) nhằm phản ánh những đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam về cải cách TTHC thuế cũng như ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan chức năng liên quan tới TTHC thuế trong năm 2019. Đây là lần thứ 3 Báo cáo được thực hiện sau 2 Báo cáo năm 2014 và 2016.

Trình bày kết quả khảo sát, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết: Kết quả đánh giá sự hài lòng của DN với cơ quan thuế là 7,79 điểm, tương đương gần 78%, tăng 3 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát năm 2016 và tăng 7 điểm phần trăm so với năm 2014.

Toàn cảnh Hội thảo/VGP

Kết quả đánh giá chung của DN cho thấy, việc đơn giản hóa chính sách, TTHC thuế, sửa đổi các quy trình nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ DN kê khai, nộp thuế điện tử trong 3 năm (từ 2016-2019) đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực, được cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao.

So với cuộc khảo sát năm 2016 có 3 chỉ số tăng điểm, 2 chỉ số giảm điểm, trong đó chỉ số thành phần “sự phục vụ của công chức thuế” được DN đánh giá là có tiến bộ nhất, tăng 1,5 điểm. Hai chỉ số “tiếp cận thông tin” “kết quả giải quyết công việc” có kết quả tăng lần lượt là 0,23 điểm và 0,41 điểm. Hai chỉ số thành phần còn lại giảm điểm nhẹ là “thực hiện TTHC thuế” (giảm 0,14 điểm) và “thanh tra kiểm tra thuế” (giảm 0,52 điểm).

Cụ thể, về thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) thuế, trong 9 thủ tục được khảo sát năm 2019 liệt kê, có 3 TTHC thuế được DN đánh giá là dễ và tương đối dễ dàng để thực hiện, cao nhất là nộp thuế (98%); mua, đăng ký, báo cáo sử dụng hóa đơn thuế (94%); khai thuế, khai quyết toán thuế (92%).

Về sự hỗ trợ của cơ quan thuế, có 86% DN đánh giá cơ quan thuế hỗ trợ hiệu quả và 83% đánh giá sự hỗ trợ của cơ quan thuế là kịp thời. Về công tác thanh, kiểm tra thuế, có 94% DN cho biết thời gian kiểm tra, thanh tra thuế đúng với quyết định công bố; 93% DN được giải trình với đoàn kiểm tra, thanh tra thuế về những vấn đề chưa rõ; 90% DN nhận xét thái độ của cán bộ đúng mực trong các lần làm việc; 89% DN cho rằng công tác kiểm tra, thanh tra không cảntrở hoạt động bình thường của DN và 80% DN nhận định niên độ kiểm tra, thanh tra không trùng lặp.

Với chỉ số “sự phục vụ của công chức thuế”, năm 2019 nội dung này đã được DN đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực hơn hẳn so với những cuộc khảo sát trước đây (2014 là 5,36 điểm; 2016 là 6,36 điểm; 2019 là 7,86 điểm).

Trong đó, các khía cạnh đánh giá là kỷ cương và tác phong làm việc của công chức thuế, mức độ hài lòng với công chức thuế tại từng bộ phận chức năng của cơ quan thuế và chi phí ngoài quy định trong thực hiện TTHC thuế đều thu được những phản hồi khá tích cực. Riêng chỉ số “kết quả giải quyết công việc”, năm 2019 có mức tăng điểm, tuy chưa nhiều nhưng đã phản ánh một phần những nỗ lực của ngành thuế trong việc cải cách, đơn giản hóa chính sách, TTHC, sửa đổi các quy trình nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin đẻ hỗ trợ DN khai thuế, nộp thuế điện tử.

Mặc dù vậy, vẫn có những hạn chế khi DN đã phản ánh nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tế, như hệ thống chính sách còn phức tạp; văn bản được sửa đổi, bổ sung nhiều lần gây khó khăn trong việc áp dụng; việc thực hiện chính sách thuế của cơ quan thuế các địa phương đối với cùng 1 loại TTHC đôi khi còn khác nhau; thủ tục nộp thuế điện tử còn bị chậm, lỗi kỹ thuật... Trên cơ sở này, 74% DN đề xuất cơ quan thuế “tiếp tục đơn giản hóa các TTHC thuế”; 56% DN đề nghị “nâng cao chất lượng các hình thức cung cấp thông tin”, trong đó hỗ trợ chi tiết, cụ thể hơn nữa cho từng nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ.

Có 55% DN đề nghị “rút ngắn thời gian và TTHC cho các DN tuân thủ tốt pháp luật thuế”; 51% DN đề nghị “tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện TTHC thuế”.

Ngành thuế nỗ lực góp phần cải thiện môi trường kinh doanh

Đánh giá về những kết quả đã đạt được của ngành tài chính nói chung và cơ quan thuế nói riêng, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng: Trong xã hội hóa những dịch vụ công liên quan đến thuế, ngành tài chính luôn đi đầu, nhất là các dịch vụ về thuế, quản lý rủi ro trong các hoạt động thanh tra, kiểm tra về thuế. Ngành tài chính mà tiên phong là cơ quan thuế đã đi đầu và chấp nhận sự đánh giá của DN để làm căn cứ thúc đẩy cải cách. Ngành tài chính cũng là ngành đầu tiên phối hợp với VCCI để tổ chức việc khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Qua kết quả khảo sát, đại diện VCCI cũng đánh giá cao những nỗ lực của ngành thuế trong cung cấp thông tin chính sách thuế khi có đến hơn 80% DN hài lòng và đánh giá mức độ dễ tiếp cận đối với chính sách thuế.

Bên cạnh đó, dịch vụ thuế điện tử được triển khai sâu rộng đến DN. Thanh toán thuế, nộp thuế điện tử (NTĐT) là chỉ số có những tiến bộ rõ ràng và chính việc áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào thực hiện kê khai đăng ký và NTĐT là điểm sáng trong cải cách hành chính của Việt Nam và đóng góp quan trọng trong việc tăng 10 bậc về năng lực cạnh tranh của Việt Nam. 

Ông Lộc cũng cho rằng vấn đề thanh tra kiển tra đã có những chuyển biến tích cực khi có đến 80% DN đánh giá không trùng lặp. Đặc biệt, sự cải thiện tích cực trong phục vụ của công chức thuế và hiệu quả giải quyết công việc của công chức thuế đạt mức tốt (8,9 điểm). Điều này được cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao.

Còn bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường Kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương-CIEM) đánh giá: Cải thiện của ngành thuế  cùng với ngành điện đã có đóng góp đáng kể vào thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam, điều này đã được WB ghi nhận khách quan. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Minh Thảo lưu ý là vẫn có tới 9% DN thẳng thắn thừa nhận trả chi phí ngoài quy định, điều đó cho thấy ngành thuế cần nghiêm túc chấn chỉnh.

"Con số thực tế có thể lớn hơn, nhưng đáng ngạc nhiên là có không ít DN lại rất vui vẻ dù phải mất chi phí này", bà Nguyễn Thị Minh Thảo cho hay.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế cũng đánh giá cao những nỗ lực cải cách của ngành thuế. Tuy nhiên, nguyên lãnh đạo ngành thuế, hiện là chuyên gia hàng đầu về thuế, cũng góp ý thẳng thắn là việc sửa đổi ban hành các thông tư mới cần tính đến tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp cũng như cán bộ chi cục khi tra cứu.

“Riêng lĩnh vực thuế sau khi sửa đổi có khoảng 25 thông tư, tôi đôi khi còn khó nhớ hết chưa nói đến các doanh nghiệp, nên tích hợp việc sửa đổi hướng dẫn vào một thông tư duy nhất”, bà Cúc khuyến nghị.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết: Ngành tài chính đã nỗ lực phấn đấu triển khai thực hiện quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế và đã đạt được một số kết quả bước đầu.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu. Ảnh:VGP.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã xây dựng trình các cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, các quy trình nghiệp vụ về thuế để cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển; qua đó đã cắt giảm được hàng trăm giờ nộp thuế cho doanh nghiệp góp phần cải thiện Chỉ số “Nộp thuế” và cải thiện môi trường kinh doanh. Đáng chú ý là năm 2019, Bộ đã trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua Luật Quản lý thuế sửa đổi số 38/2019/QH14 với nhiều nội dung mới được quy định xuất phát từ yêu cầu của cải cách hành chính, nhằm tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế; tiếp cận tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế; tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại cho công tác quản lý thuế...

Đồng thời, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế triển khai mạnh mẽ các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thu nộp thuế, giảm thời gian chi phí và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp khi làm các thủ tục về thuế. Đến nay cơ bản các thủ tục hành chính về thuế của doanh nghiệp đã được thực hiện qua phương thức điện tử với 133/304 thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến đạt mức độ 3, mức độ 4. Tính đến tháng 10/2019 đã có trên 99% doanh nghiệp tham gia khai thuế điện tử; Phối hợp với 52 Ngân hàng Thương mại triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử với trên 99% doanh nghiệp tham gia; việc hoàn thuế điện tử cũng được trên 93% số doanh nghiệp hoàn thuế tham gia.

Bộ Tài chính phê duyệt kế hoạch sắp xếp, sáp nhập Chi cục đáp ứng yêu cầu cải cách và hiện đại hoá ngành thuế và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao với mục tiêu đến đến cuối năm 2020 giảm tối thiểu 50% tổng số các Chi cục Thuế.

Theo Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới đánh giá năm 2020 thì thời gian nộp thuế của Việt Nam đã giảm 300 giờ so với năm 2014 và giảm 114 giờ so với năm 2019; số lần nộp thuế được ghi nhận giảm 15 lần so với năm 2014 và giảm 4 lần so với năm 2019; xếp hạng về chỉ số Nộp thuế tăng 64 bậc từ 2015-2019 (từ thứ 173 lên 109/190)….

Cũng tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đánh giá cao vai trò của VCCI và cộng đồng doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan thuế.

“Chúng tôi thường xuyên nhận được những ý kiến phản hồi của cộng đồng doanh nghiệp thông qua VCCI làm cầu nối trong việc tham gia xây dựng các văn bản pháp luật về thuế; tổng hợp, phản ánh những vướng mắc, bất cập về chính sách, thủ tục và việc thực thi của cơ quan thuế thông qua những hội thảo, hội nghị đối thoại doanh nghiệp… qua đó đã giúp cho cơ quan thuế/Bộ Tài chính nắm được những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đưa ra những đề xuất cải cách trình lên Chính phủ/Quốc hội phù hợp, thiết thực và hiệu quả hơn”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà chia sẻ.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết: Trong thời gian tới đây, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Tổng cục Thuế/cơ quan thuế các điạ phương tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ quản lý thu thuế, thu đúng thu đủ, chống thất thu ngân sách; đảm bảo phát hiện, ngăn chặn và phòng ngừa những trường hợp trốn thuế, tránh thuế hay làm xói mòn cơ sở thuế; đồng thời thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế, trong đó tập trung hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp”, Thứ trưởng nói.