02/05/2024 lúc 04:57 (GMT+7)
Breaking News

Bầu cử Mỹ 2020: Khi tương lai hành tinh xanh phụ thuộc vào lá phiếu bầu

VNHN - Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 là thời điểm quan trọng cho những nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

VNHN - Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 là thời điểm quan trọng cho những nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Khi thảm họa cháy rừng chưa từng có bùng phát khắp miền Tây nước Mỹ vào tháng trước, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên mạng xã hội, đăng dòng trạng thái: “Việc bảo vệ hành tinh của chúng ta nằm trên lá phiếu. Hãy bỏ phiếu như thể cuộc sống của bạn phụ thuộc vào nó - bởi vì đúng là như vậy”.

Đếm ngược đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, chúng ta có thể tha thứ cho những lời hùng biện đầy màu sắc của Obama. Nhưng liệu cuộc đua vào Nhà Trắng có thực sự quan trọng đối với tương lai của hành tinh của chúng ta? Câu trả lời ngắn gọn là "có" và thực sự là như vậy.

Bầu cử Mỹ 2020 được đánh giá là một bước ngoặt quan trọng đối với tương lai của hành tinh. (Nguồn: Getty Images)

Mong manh thỏa thuận toàn cầu

Không chỉ chiếc ghế tổng thống Mỹ đang lung lay, hợp tác toàn cầu về biến đổi khí hậu cũng đang bị đe dọa. Nếu ông Trump đắc cử nhiệm kỳ hai, Mỹ sẽ rút khỏi Thỏa thuận Paris chỉ vài ngày sau khi số phiếu được kiểm, một động thái có thể “xé nát” hoàn toàn thỏa thuận.

Nếu ông Joe Biden tiếp quản Nhà Trắng, ông đã hứa không chỉ đưa Mỹ trở lại Hiệp định Paris mà còn kêu gọi các quốc gia trên toàn thế giới cam kết mạnh mẽ hơn nữa trong việc giảm lượng khí thải. Ông Biden hứa sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế lớn ở Washington trong vòng 100 ngày đầu tiên nhậm chức, để vạch ra một lộ trình chung về hành động vì khí hậu.

Nhiều người lo sợ những cảnh tượng tàn phá ở bờ Tây nước Mỹ sẽ trở thành “điều bình thường mới” - rằng mỗi mùa Hè sẽ mang đến những thảm họa mới, cho dù là cháy rừng tàn khốc, mưa lũ, lốc xoáy mạnh hơn hoặc cả ba. Nhưng đây không phải là điều bình thường mới. Đó chỉ là khởi đầu. Hành tinh đã nóng lên 1°C so với mức trung bình trong thời gian dài.

Nếu không có hành động quyết liệt để hạn chế lượng khí thải, Trái Đất sẽ nóng lên ít nhất là 3°C trong thế kỷ này, một kịch bản đại hồng thủy có thể dẫn đến sự nóng lên nhanh chóng, không thể kiểm soát và “Trái Đất nhà kính” đứng trước nguy cơ của sự tuyệt chủng hàng loạt. Nhiều nơi trên Trái Đất có thể rơi vào điều kiện không thể ở được.

Thúc đẩy Thỏa thuận Paris

Theo các điều khoản của Thỏa thuận Paris năm 2015, các nước đã nhất trí cùng hợp tác để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức “dưới 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp”. Ra đời sau nhiều thập kỷ đàm phán (và thường là khó khăn) tại Liên hợp quốc, Thỏa thuận Paris tự nó là một thành tựu ngoại giao quan trọng. Văn kiện này đã được 197 quốc gia tham gia ký và 189 quốc gia chính thức phê chuẩn.

Nhưng đó không phải là một thỏa thuận “đạt được để xếp xó”. Thay vào đó, nó cung cấp một khuôn khổ cho các quốc gia cùng hành động để giảm lượng khí thải của nền kinh tế toàn cầu. Theo Thỏa thuận Paris, cứ 5 năm một lần, các nước phải tăng mức cam kết giảm phát thải khí. Các cam kết đó được gọi là “Đóng góp do Quốc gia quyết định” (NDC).

Khi các quốc gia thực hiện các bước để giảm lượng khí thải, họ sẽ gây áp lực cho các quốc gia khác không thực hiện phần cam kết của họ và bằng cách này, thế giới sẽ tiến tới một nền kinh tế toàn cầu không phát thải ròng vào giữa thế kỷ này.

Mặc dù còn lâu mới được xem là hoàn hảo, nhưng Thỏa thuận Paris có thể mang lại cơ hội tốt nhất để ổn định khí hậu của hành tinh.

Năm tới, Vương quốc Anh (nền kinh tế lớn đầu tiên đưa ra luật về mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050) sẽ đăng cai tổ chức các cuộc đàm phán thường niên về khí hậu của Liên hợp quốc. Hội nghị thượng đỉnh này sẽ diễn ra vào thời điểm quan trọng, với tất cả các quốc gia được yêu cầu cam kết thực hiện các mục tiêu mạnh mẽ hơn của Thỏa thuận Paris.

Thay vì được tổ chức trong năm nay, COP26 đã bị hoãn đến năm 2021 do Covid-19, một sự chậm trễ được coi là một may mắn cho hành động khí hậu. Các nền kinh tế lớn khi lên kế hoạch phục hồi sau đại dịch sẽ hướng đến đầu tư vào năng lượng tái tạo và chính sách công nghiệp xanh.

Ví dụ, EU đã công bố “Thỏa thuận xanh”, một kế hoạch trị giá hàng nghìn tỷ USD để cắt giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030 và đạt được một nền kinh tế không carbon vào năm 2050. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tuyên bố rằng Trung Quốc - nước phát thải lượng carbon lớn nhất thế giới cũng như tiêu thụ nhiệt điện - sẽ đạt đỉnh về lượng khí thải carbon vào năm 2030 và sẽ cố gắng đạt được mức độ trung tính carbon trước năm 2060. Cả Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đã cam kết sẽ có NDC mới trước Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26.

Một nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden sẽ báo hiệu một sự thay đổi mang tính quyết định đối với quá trình khử cacbon toàn cầu. Nếu bước chân được vào Nhà Trắng, ông Biden cho biết Mỹ sẽ tham gia cùng EU và Trung Quốc và cập nhật các NDC theo Thỏa thuận Paris.

Thách thức với Canberra

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đặt ra một thách thức cho các nhà hoạch định chính sách ở Canberra. Trong khi tất cả các bang và vùng lãnh thổ của Australia (và các tập đoàn công nghiệp lớn, công đoàn và Liên đoàn Nông dân Quốc gia) đều ủng hộ mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050, Chính phủ liên bang lại từ chối đặt mục tiêu đến giữa thế kỷ.

Australia không theo đuổi việc đáp ứng mục tiêu của Thỏa thuận Paris vào năm 2030 và không có kế hoạch cập nhật các NDC. Để “đạt được” mục tiêu hiện tại, Chính phủ liên bang đang dựa vào lỗ hổng - sử dụng “mức tín dụng” còn sót lại từ Nghị định thư Kyoto trước đây để né việc phải thực hiện mức giảm phát thải hiện nay.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc năm 2019 ở Tây Ban Nha, đề xuất sử dụng “tín dụng” của Kyoto đã bị hơn 100 quốc gia phản đối. Australia cũng là nước xuất khẩu than nhiệt lớn nhất thế giới.

Nếu ông Biden đắc cử, Australia sẽ bị cô lập về chính sách khí hậu. Với việc Mỹ, EU, Trung Quốc, Anh, New Zealand và các quốc gia lân cận ở Thái Bình Dương đều cam kết thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0, sức ép sẽ tăng lên với Australia để đưa ra cam kết tương tự trước các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc vào cuối năm 2021.

Đặc biệt, Mỹ có thể được mong đợi sẽ thúc ép Australia đóng góp vào các nỗ lực toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải. Như Jake Sullivan, cố vấn cấp cao lâu năm của Biden, nói với Viện Lowy hồi tháng 9 vừa qua rằng một nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden sẽ “tập hợp các quốc gia trên thế giới, để mọi người tham gia vào sân chơi, nâng cao tham vọng của họ, làm nhiều hơn nữa”.

Nếu ông Trump tái đắc cử và chính thức rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris, các quốc gia khác vẫn sẽ tìm cách tăng cường hợp tác toàn cầu về biến đổi khí hậu và Australia nên tái khẳng định cam kết đối với cơ chế khí hậu.

Kịch bản nguy hiểm nhất sẽ là nếu các quốc gia chọn đi theo sự dẫn dắt của ông Trump và rời bỏ hợp tác toàn cầu về biến đổi khí hậu. Và nếu điều đó xảy ra, hậu quả sẽ vô cùngkhủng khiếp, không thể lường trước.

Ánh Nguyệt