22/12/2024 lúc 22:22 (GMT+7)
Breaking News

Yên Bái - Dấu ấn phát triển đột phá từ sản phẩm OCOP

Những năm qua, Yên Bái đã tạo dấu ấn trong thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – OCOP. Chương trình đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia, mở đường đưa những sản phẩm chất lượng cao của nông dân Yên Bái đến thị trường trong và ngoài nước. Qua đó giúp nâng cao thu nhập cũng như cải thiện đời sống cho người dân.
Đồng chí Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái thăm quan các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn.

Các sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của Yên Bái có bước tiến nhanh về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm... Đặc biệt, các sản phẩm OCOP đều được thực hiện theo quy trình sản xuất sạch hơn, theo tiêu chuẩn hữu cơ và bảo vệ môi trường.

Đánh giá về quá trình phát triển sản phẩm OCOP của Yên Bái trong những năm vừa qua, ông Đinh Đăng Luận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, mặc dù dịch bệnh COVID-19 bùng phát, gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những sản phẩm đạt chuẩn OCOP, có chỉ dẫn địa lý và bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tiếp tục được tiêu thụ dễ dàng, mang lại giá trị kinh tế cao. Điều đó, khiến sản phẩm OCOP của Yên Bái liên tục được nâng cao về chất lượng, sản lượng và có bước phát triển đột phá về số lượng sản phẩm.

Theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái), đến nay toàn tỉnh Yên Bái có 227 sản phẩm OCOP được xếp hạng, trong đó có 21 sản phẩm 04 sao, 206 sản phẩm OCop 03 sao của tỉnh YênBái đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử.

Các sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái đang được hỗ trợ xúc tiến thương mại, đưa lên sàn thương mại điện tử để đến tay người tiêu dùng một cách thuận tiện nhất.

Để có được những thành công trong việc thực hiện phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái như hiện nay là nhờ những chính sách hỗ trợ thiết thực, kịp thời gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh trong bốn năm qua, các doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã tích cực phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương. Qua đó, tạo thành chuỗi giá trị, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập gắn với bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn.

Thương hiệu nhiều sản phẩm nông sản OCOP của Yên Bái đã được khẳng định, nổi tiếng thị trường trong nước và quốc tế, một số sản phẩm nông sản OCOP mang tầm thương hiệu quốc gia, như: chè Shan tuyết Suối Giàng; gạo Séng cù Mường Lò; chè Bát tiên Trấn Yên; bưởi Đại Minh; quế Trấn Yên; miến đao Quy Mông; Đại Lão Vương trà - Diệp trà Suối Giàng; măng tre Bát độ Trấn Yên...

Bên cạnh đó, những sản phẩm OCOP của Yên Bái đang là những sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp tỉnh, góp phần quan trọng giải quyết việc làm nông thôn, phát triển kinh tế các địa phương, nâng cao mức sống cho người nông dân. Đặc biệt, tạo diện mạo mới, động lực mới trong xây dựng nông thôn mới, quyết định sự phát triển khu vực nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững.

Sản phẩm OCOP tinh dầu Đại Phú An được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Vừa qua tỉnh Yên Bái cũng đã lựa chọn được 10 sản phẩm nông sản chủ lực, tiêu biểu đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu sang thị trường Anh. Cụ thể: Trà Quế của Doanh nghiệp tư nhân Phương Nhung (huyện Văn Yên); chè xanh chất lượng cao của Hợp tác xã sản xuất chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng (huyện Trấn Yên); Diệp trà và Hồng trà Shan tuyết của Hợp tác xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn); miến đao Quy Mông của Hợp tác xã Việt Hải Đăng (huyện Trấn Yên); quế điếu Hòa Cuông loại 100 gam và 500 gam của Hợp tác xã quế Khánh Thành (huyện Trấn Yên); miến đao Giới Phiên của Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh miến đao Giới Phiên (thành phố Yên Bái); gạo Séng cù Mường Lò của Hội Sản xuất và Kinh doanh Gạo Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ); Gạo nếp Tan Tú Lệ của Hợp tác xã Tú Lệ (huyện Văn Chấn). Có thể nói rằng, Chương trình OCOP được tổ chức triển khai thực hiện tại Yên Bái đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, các hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm. Đồng thời cũng đưa thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp đến người tiêu dùng, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, ngoài nước.

Thời gian tới, để Chương trình OCOP tiếp tục phát triển theo chiều sâu, lãnh đạo tỉnh Yên Bái chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức thường xuyên, liên tục gắn với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tổ chức các lớp đào tạo tập huấn cho hội đồng, tổ giúp việc, các tổ chức, cá nhân tham gia đề án phát triển các sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán sản xuất của người dân, đặc biệt là khu vực các sản phẩm chủ lực, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP; sử dụng “Quy trình xác thực chống hàng giả” vào quản trị doanh nghiệp, minh bạch quá trình hình thành và kết nối cung cầu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP, hình thành các sàn thương mại điện tử quy mô lớn, các kênh bán hàng trực tuyến… đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương.

Ngọc Giáp