19/01/2025 lúc 13:25 (GMT+7)
Breaking News

Yên Bái chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Xác định mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ xuyên suốt, trong những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) tỉnh Yên Bái đã tập trung sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp; nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, nhất là chú trọng đưa các mô hình mới vào giảng dạy, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

 

Một lớp dạy chữ Thái cổ cho học sinh tiểu học tại thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái).

Xác định mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ xuyên suốt, trong những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) tỉnh Yên Bái đã tập trung sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp; nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, nhất là chú trọng đưa các mô hình mới vào giảng dạy, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Suối Giàng là một trong những trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc H’Mông, nhiều trẻ chưa thạo tiếng Việt vì gia đình sống rải rác bên các triền núi cao. Với tình yêu trẻ, cùng với kiến thức sẵn có, cô Ðỗ Thùy Quyên, giáo viên Trường mầm non Suối Giàng gắn bó bảy năm với trẻ nơi đây, đã sáng tạo ra sách công nghệ 3D theo chương trình đổi mới của Bộ GD và ÐT. Sản phẩm sách 3D của cô Quyên được chọn là một trong 50 sáng kiến lọt vào vòng chung kết cuộc thi Diễn đàn giáo dục Việt Nam - Ðổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin 2019. Bằng sách công nghệ 3D của cô, những câu chuyện giản dị, gần gũi với hình minh họa sinh động đã giúp các em học sinh tiếp thu kiến thức nhanh hơn, tạo nên sự hứng thú trong học tập, giúp cải thiện khả năng tiếng Việt cho các em học sinh người H’Mông. Cô giáo Ðỗ Thùy Quyên chia sẻ: Ðể làm được những quyển sách này cần rất nhiều thời gian, từ khâu tìm kiếm hình ảnh, xử lý hình ảnh trên máy tính, rồi sắp xếp nhân vật di chuyển. Toàn bộ quá trình cắt dán được làm thủ công bằng tay, nội dung mỗi quyển sách 3D là những câu chuyện được chọn từ chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD và ÐT. Nhờ sự kiên trì, ham học hỏi đến nay cô đã làm được hơn 10 quyển sách 3D phục vụ cho học sinh của nhiều địa phương như Hà Nội, Hải Dương, Sơn La… sử dụng trong giảng dạy. Từ những nỗ lực đổi mới, sáng tạo của cô Quyên, những học sinh dân tộc H’Mông vùng cao Suối Giàng trở nên tự tin, gần gũi với thầy, cô giáo hơn và nói tiếng Việt thành thạo hơn.

Không chỉ tập trung đổi mới phương pháp dạy học trong mỗi giáo viên, nhà trường, ngành giáo dục tỉnh Yên Bái còn tổ chức rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học theo hướng tăng số học sinh/lớp, tăng số lớp/trường, xóa điểm trường lẻ, sáp nhập các điểm trường mầm non, phổ thông có quy mô nhỏ tạo thuận lợi cho đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng. Trước khi thực hiện Ðề án "Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020", toàn tỉnh có 530 trường, 765 điểm lẻ nằm rải rác ở các thôn bản, khu dân cư. Sau khi thực hiện đề án, toàn tỉnh đã sắp xếp giảm được 130 trường và 478 điểm trường, giảm nhu cầu 1.985 người làm việc, số học sinh ra lớp tăng 20.482 học sinh, đặc biệt có hơn 10 nghìn học sinh ở bán trú được hưởng chính sách, qua đó đã giảm bớt khó khăn cho hàng chục nghìn gia đình ở vùng cao, vùng khó khăn. Hệ thống cơ sở vật chất ngành giáo dục được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục đại trà. Ðáng chú ý là tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc, học sinh dân tộc thiểu số, ngành giáo dục tỉnh Yên Bái đã tập trung quy hoạch phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) theo hướng bền vững, chất lượng và hiệu quả. Hiện, tỉnh Yên Bái có chín trường PTDTNT với 88 lớp, 2.975 học sinh; 54 trường PTDTBT và 54 trường có học sinh bán trú cấp tiểu học và trung học cơ sở. Hệ thống trường PTDTNT, PTDTBT trên địa bàn tỉnh được đặc biệt quan tâm, các trường ngày càng được phát triển mạnh mẽ về quy mô và chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân các dân tộc. Năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 2.400 phòng ở cho học sinh, 1.500 phòng ở công vụ cho giáo viên, tạo điều kiện cơ sở vật chất giúp các cán bộ, giáo viên yên tâm công tác.

Phó Giám đốc Sở GD và ÐT tỉnh Yên Bái Tô Thị Ánh cho biết: Ðể có được những kết quả tích cực nói trên chính là những nỗ lực, cố gắng của ngành giáo dục Yên Bái. Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Sở GD và ÐT tỉnh Yên Bái sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, trong đó ưu tiên các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; khắc phục các vấn đề về giáo dục mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc. Ðồng thời, thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường PTDTBT, trường PTDTNT. Bên cạnh đó, Sở GD và ÐT tỉnh Yên Bái tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, đề ra các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu phòng học, sắp xếp và điều chỉnh quy mô trường, lớp gắn với tinh giản biên chế.