VNHN - Thực tế cho thấy, các nền kinh tế đang phát triển thường trong tình trạng nhập siêu với hoạt động xuất, nhập khẩu. Đây là đặc điểm có tính quy luật, không dễ đảo ngược. Việt Nam cũng không ngoại lệ, với phần lớn các năm kế hoạch đều nhập siêu. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta đang chuyển sang xuất siêu và đây rõ ràng là chiều hướng đáng mừng.
Ảnh chú thích
Những tín hiệu tích cực
Từ đầu năm đến hết tháng 8, Việt Nam vẫn nhập siêu qua các tháng, dù ở mức thấp. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi khi số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, đến hết tháng 9-2017, nền kinh tế đã chuyển sang tình trạng xuất siêu. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt hơn 153,9 tỷ USD. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu cả nước là 154,3 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả rất tích cực, có tính vượt trội, đồng thời cao hơn so với chỉ tiêu kế hoạch. Thực tế trên là yếu tố đưa Việt Nam vươn lên, với mức xuất siêu là 328 triệu USD trong 9 tháng vừa qua. Như vậy, cán cân thương mại đang “nghiêng” về phía Việt Nam và có lợi cho nền kinh tế.
Xét về cơ cấu hàng hóa, riêng tháng 9 đã có thêm một số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu vượt hơn 1 tỷ USD, gồm máy tính, sản phẩm máy tính và linh kiện; máy móc, thiết bị và dụng cụ công nghiệp cùng điện thoại và linh kiện... Tính chung, hiện đã có 22 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Bên cạnh đó, hầu hết những thị trường trọng điểm, giàu sức mua như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN vẫn duy trì mức nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Đáng lưu ý, các doanh nghiệp thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục giữ vị thế chủ đạo trong xuất khẩu, chiếm tỷ trọng hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, đóng vai trò quyết định kết quả xuất khẩu chung của nền kinh tế...
Nỗ lực duy trì "phong độ"
Bộ Công Thương đang tập trung chỉ đạo các đơn vị, địa phương trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp, thông qua cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt là chủ động bãi bỏ những điều kiện kinh doanh bất hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp. Đơn cử, Bộ này vừa công bố bãi bỏ 675 điều kiện kinh doanh và công tác này sẽ được tiếp tục rà soát. Trong đó, vấn đề được xác định không chỉ là số lượng quy định được bãi bỏ, mà quan trọng hơn là chất lượng và lợi ích mang lại cho doanh nghiệp...
Chính quyền các địa phương cũng chủ động vào cuộc, trong thời gian "nước rút" là quý IV - thời điểm quyết định kết quả chung cuộc về xuất khẩu, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu hỗ trợ các đơn vị trong việc khai thác, tận dụng cơ hội thuận lợi hóa thương mại và giảm thuế theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký để tăng cường xuất khẩu. Ngoài ra, các đơn vị cần huy động vốn để thay đổi công nghệ, nhất là tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm trở thành vệ tinh cung cấp linh kiện cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài làm hàng xuất khẩu.
Theo Bộ Công Thương, việc xuất siêu hay nhập siêu (nếu giá trị đó không quá lớn) nhiều khi chỉ là vấn đề thời điểm, chứ không thể hiện hết năng lực cạnh tranh quốc gia. Trên thực tế tình hình có thể đảo chiều nếu thời gian tới xuất hiện một vài yếu tố bất ngờ, chẳng hạn như doanh nghiệp trong nước nhận được thêm nhiều đơn hàng gia công phục vụ xuất khẩu, từ đó gia tăng nhu cầu nhập khẩu nguyên, phụ liệu đầu vào để thực hiện. Hoặc giả, nếu năng lực cung ứng xăng dầu từ nguồn trong nước có diễn biến đột xuất, làm gián đoạn khả năng xuất hàng... Tuy nhiên, nếu tình hình diễn ra ổn định thì đây sẽ là cơ hội để nền kinh tế duy trì vị thế xuất siêu trong giao thương quốc tế./.