27/11/2024 lúc 03:41 (GMT+7)
Breaking News

Xuất bản trong Cách mạng công nghiệp 4.0: Chủ động để phát triển

VNHN - Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành xuất bản Việt Nam cần sớm nhận ra những cơ hội và thách thức, giải quyết những yêu cầu đặt ra về cơ sở hạ tầng, công nghệ, nhân lực... để nắm chắc cơ hội, chủ động bắt kịp xu hướng phát triển của xuất bản thế giới.

VNHN - Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành xuất bản Việt Nam cần sớm nhận ra những cơ hội và thách thức, giải quyết những yêu cầu đặt ra về cơ sở hạ tầng, công nghệ, nhân lực... để nắm chắc cơ hội, chủ động bắt kịp xu hướng phát triển của xuất bản thế giới.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Chí Thành, Quyền Giám đốc-Tổng biên tập Nhà xuất bản (NXB) Chính trị quốc gia Sự thật, xung quanh chủ đề này.

Phóng viên (PV): Thưa ông, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 khi xuất bản điện tử phát triển, các tập đoàn lớn bắt đầu tham gia vào lĩnh vực xuất bản, NXB Chính trị quốc gia Sự thật đã có những chuẩn bị vào cuộc như thế nào?

Ông Phạm Chí Thành: Trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp Thủ đô 2018 đầu tháng 11 vừa qua, NXB Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp-Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò của chuyển giao khoa học công nghệ với phát triển kinh tế tư nhân”.

Trước đó, chúng tôi cũng cùng Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ biên tập, xuất bản trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0”… Đó là hai trong số nhiều hội thảo nằm trong hoạt động nghiên cứu khoa học được NXB đẩy mạnh trong thời gian qua. Ngoài ra, hoạt động đối ngoại của NXB cũng được đẩy mạnh với một số NXB của Trung Quốc, Lào… Đây là những hoạt động tạo tiền đề cho sự phát triển của NXB. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú ý hơn vào tổ chức quản lý hoạt động của NXB và đã mang lại những kết quả nhất định, ví dụ, năm 2017 đã tiết kiệm gần 5 tỷ đồng tiền quản lý phí. Nhìn chung, chúng tôi cố gắng sử dụng thiết thực, hiệu quả nhất những gì mình đang có từ vốn, con người, cơ sở vật chất…

Nhiều năm nay, NXB Chính trị quốc gia Sự thật vẫn luôn quan tâm việc phát triển các ấn phẩm điện tử. Từ năm 2001, NXB đã tổ chức xuất bản và phát hành cuốn sách điện tử đầu tiên, đó là “CD-ROM Hồ Chí Minh toàn tập” và đến cuối năm 2012 đã được xuất bản lần thứ ba. Trung bình mỗi năm, NXB đã xuất bản 3-4 CD-ROM và DVD-ROM các bộ sách lớn như: “Văn kiện Đảng toàn tập” (2 CD), “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “C.Mác và Ph.Ăng-ghen toàn tập”, “Lịch sử quân sự Việt Nam”... Đây là những ấn phẩm điện tử với nhiều tiện ích trong việc tra cứu thông tin, tri thức, phục vụ công tác nghiên cứu, học tập, cũng như công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về lý luận chính trị, pháp luật và tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Đối với việc xuất bản và phát hành sách trên mạng internet, NXB Chính trị quốc gia Sự thật đang triển khai dự án số hóa và xuất bản, phát hành sách điện tử trực tuyến. Hy vọng trong năm tới, chúng tôi sẽ có những ấn phẩm điện tử được ra mắt bạn đọc trên website của NXB.

Ông Phạm Chí Thành - Quyền Giám đốc-Tổng biên tập Nhà xuất bản (NXB) Chính trị quốc gia Sự thật

PV: Từ thực tế đơn vị mình, ông nhận định thế nào về thuận lợi, thách thức của ngành xuất bản Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?

Ông Phạm Chí Thành: Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự kết hợp các công nghệ và thông tin số hóa, internet kết nối vạn vật, trí thông minh nhân tạo, robot, in 3D… đã và đang tạo ra sự thay đổi đột biến trong toàn bộ công tác xuất bản, trong đó có bước nhảy vọt về tốc độ sản xuất, chia sẻ và lan tỏa xuất bản phẩm.

Ngành xuất bản từ môi trường thực tế bị giới hạn về không gian và thời gian dần chuyển sang môi trường internet di động, công nghệ số để ấn phẩm đến được tay độc giả nhanh nhất, nhiều nhất, tiện ích nhất. Các giao dịch mua bán, chuyển nhượng sách và bản quyền trên phạm vi toàn cầu cũng thuận tiện, nhanh gọn hơn...

Những thay đổi này đem lại nhiều cơ hội và tiền đề thuận lợi cho sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của ngành công nghiệp văn hóa-xuất bản Việt Nam. Song, nó cũng tạo áp lực lớn buộc các chủ thể của ngành phải thay đổi về tư duy, cách thức làm việc trong các hoạt động xuất bản, in và phát hành.

Trong bối cảnh đó, những NXB truyền thống nếu không thích nghi, kịp thời ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ cùng những lợi thế của xu hướng xuất bản số, xuất bản điện tử vào quy trình xuất bản; không có điều kiện về nguồn vốn để thay thế máy móc, trang thiết bị hiện đại; không đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý và cơ chế, cách thức hoạt động... sẽ trở nên yếu thế trong cuộc cạnh tranh quyết liệt của thị trường.

Trong điều kiện bùng nổ thông tin nhanh, đa chiều cả ở trong nước và quốc tế hiện nay, đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản, đặc biệt là các biên tập viên phải có kiến thức chuyên môn sâu, bản lĩnh chính trị, có khả năng chọn lọc và xử lý trước những nguồn thông tin chưa được kiểm chứng; phải có kiến thức, kỹ năng để có thể tiếp cận và ứng dụng những công nghệ mới trong hoạt động quản lý và chuyên môn tương ứng với phương thức xuất bản mới.

Cùng với đó, công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản của các cơ quan chức năng và của bản thân các NXB cũng phải nhanh chóng đổi mới theo kịp những đòi hỏi mới trong thực tiễn hoạt động xuất bản; cần nhận thức đúng về vị trí, vai trò, tính đặc thù của hoạt động xuất bản theo hướng gắn kết chặt chẽ hai yếu tố tư tưởng-văn hóa và kinh tế-công nghệ, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, mang lại hiệu quả cao (cả về chính trị-xã hội và kinh tế) cho hoạt động xuất bản.

Ngoài ra, các cơ sở đào tạo ngành xuất bản cũng phải tập trung nghiên cứu, xây dựng và đổi mới chương trình đào tạo gắn lý luận với thực tiễn; phát triển đội ngũ giảng viên theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường với các đơn vị làm công tác xuất bản nhằm bảo đảm về chất lượng, số lượng để đáp ứng yêu cầu của ngành xuất bản nói chung, xuất bản điện tử nói riêng.

Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng người dùng internet và điện thoại thông minh lớn, việc đẩy mạnh xuất bản sách điện tử (ebook) được cho là xu hướng tất yếu của ngành xuất bản. Để có thể bắt kịp xu thế, hòa nhập với thị trường xuất bản điện tử thế giới đòi hỏi ngành xuất bản Việt Nam cần tuân thủ theo các quy chuẩn của quốc tế.

Đặc biệt, cần quan tâm tới vấn đề bản quyền, bởi có một thực tế là trong khi vấn đề bản quyền sách gần như được tuyệt đối tôn trọng ở các nước phát triển thì tại Việt Nam, đây vẫn là vấn đề nan giải, nhất là với mảng sách điện tử.

PV: Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đòi hỏi nguồn nhân lực 4.0. Ông đánh giá thế nào về thực trạng và những điều cần chú trọng trong công tác đào tạo nhân lực cho ngành xuất bản ở nước ta hiện nay?

Ông Phạm Chí Thành: Vấn đề đào tạo nhân lực cho ngành xuất bản hiện nay đã được quan tâm nhiều hơn, chất lượng đầu ra cũng có tiến triển hơn. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những cán bộ xuất bản thiếu kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn và khả năng nhạy bén chính trị. Theo tôi, để có đội ngũ cán bộ xuất bản đáp ứng được yêu cầu mới thì: Trước hết, phải thay đổi cách thức giáo dục để tạo ra những thế hệ có tư duy khoa học mở, sáng tạo mở. Muốn vậy, trong chương trình giáo dục cần tăng thực hành, kiến thức thực tế, kiến thức về ngoại ngữ, tin học, giảm tải lý thuyết.

Thứ hai, có sự phối hợp liên kết giữa những đơn vị đào tạo và các NXB, đơn vị phát hành để tìm ra nguồn cung ứng nhân lực phù hợp, để các em sinh viên được tiếp cận với thực tế công việc nhiều hơn, thích nghi dần với môi trường xuất bản số.

Thứ ba, dù là sử dụng biện pháp nào, phương thức nào thì yếu tố quyết định vẫn là con người. Do vậy, hơn bao giờ hết, bản thân những người làm việc trong ngành xuất bản cần nỗ lực học tập, có tính chủ động, sáng tạo nắm bắt thành tựu công nghệ, kỹ năng ngoại ngữ để theo kịp xu thế phát triển.

Thứ tư, yếu tố mang tính điều kiện then chốt cho sự thành công của công tác đào tạo chính là có đội ngũ cán bộ quản lý giỏi và giảng viên trình độ cao.

PV: Vậy theo ông, để phát triển ngành xuất bản, chúng ta cần làm gì?

Ông Phạm Chí Thành: Hơn 10 năm trước, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25-8-2004 về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, đã đặt vấn đề xuất bản điện tử, trong đó nhấn mạnh một trong những giải pháp chủ yếu nhằm xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế-công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc là: “Đổi mới, nâng cấp và từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất-kỹ thuật và công nghệ xuất bản”.

Tới năm 2016, thông báo Kết luận số 19-TB/TW của Ban  Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, chỉ đạo: “Xây dựng đề án chương trình sách quốc gia, đề án phát triển xuất bản điện tử, đề án quảng bá xuất bản phẩm Việt Nam ra nước ngoài; đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại.” Do vậy, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương về tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển xuất bản.

Với xuất bản điện tử, để bắt kịp cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi trước hết là xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Theo đó, toàn bộ quy trình xuất bản từ tổ chức bản thảo, biên tập, xuất bản và phát hành đều tham gia thông qua cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, dựa trên nền tảng internet.

Để thực hiện việc này đòi hỏi các NXB phải có nguồn lực ban đầu rất lớn, cùng với nguồn nhân lực chất lượng mới đáp ứng được yêu cầu của sự chuyển đổi này. Chính vì vậy, cùng với việc rà soát, sắp xếp lại hệ thống các NXB, Nhà nước cần xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về xuất bản số để đầu tư có trọng điểm cho các NXB về trang bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và đào tạo đội ngũ cán bộ; tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về thuế, tiền thuê nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước, đầu tư và bổ sung vốn cho các NXB, sách đặt hàng hằng năm... làm cơ sở để phát triển và quản lý hoạt động xuất bản điện tử;

Tăng cường công tác quản lý thị trường xuất bản điện tử nhằm khắc phục có hiệu quả nạn vi phạm bản quyền, trốn thuế, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho tất cả các NXB, đơn vị, tổ chức tham gia xuất bản, liên kết xuất bản và phát hành sách điện tử.

Và để bắt kịp sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong xuất bản, các NXB cần chủ động chuẩn bị đầy đủ điều kiện và năng lực đáp ứng yêu cầu mới để xây dựng cho mình thương hiệu riêng bằng việc không ngừng nâng cao chất lượng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Qdnd.vn