19/11/2024 lúc 01:41 (GMT+7)
Breaking News

Xử lý tận gốc các đường dây hàng giả

VNHN-“Rất nhiều vụ việc phát hiện ở địa phương này, nhưng doanh nghiệp bị xử phạt ở địa phương khác, cơ sở sản xuất cũng ở địa phương khác… tuy nhiên từ khi quản lý theo ngành dọc chúng tôi có điều kiện chỉ đạo các Cục Quản lý thị trường tại nhiều địa phương phối hợp mở rộng điều tra, truy ra từng ổ nhóm, xử lý triệt để tận gốc các đường dây làm hàng giả, hàng lậu”.

VNHN-“Rất nhiều vụ việc phát hiện ở địa phương này, nhưng doanh nghiệp bị xử phạt ở địa phương khác, cơ sở sản xuất cũng ở địa phương khác… tuy nhiên từ khi quản lý theo ngành dọc chúng tôi có điều kiện chỉ đạo các Cục Quản lý thị trường tại nhiều địa phương phối hợp mở rộng điều tra, truy ra từng ổ nhóm, xử lý triệt để tận gốc các đường dây làm hàng giả, hàng lậu”.

Đây là chia sẻ của ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) về những kết quả kể từ khi Tổng cục được thành lập, chuyển đổi mô hình theo ngành dọc thay vì rời rạc từng địa phương như trước đây.

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã có đợt ra quân kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng lậu vi phạm sở hữu trí tuệ mạnh mẽ. Xin ông cho biết kết quả của đợt kiểm tra này?

Ông Trần Hữu Linh: Năm nào cũng vậy, thời điểm Tết Nguyên đán, lực lượng QLTT đều có những đợt kiểm tra gắt gao, thực hiện theo chuyên đề. Trong cả quý I/2019, QLTT đã kiểm tra và xử phạt 14.400 vụ, xử phạt vi phạm hành chính gần 10.000 vụ, thu về Ngân sách Nhà nước gần 100 tỷ đồng. Đây là những tháng trước, trong và sau Tết nguyên đán nên lực lượng QLTT tập trung chủ yếu vào chống hàng giả, hàng thực phẩm lậu từ biên giới vào, đồ gia dụng nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là một số mặt hàng tiêu biểu trong dịp tết như pháo.

3 tháng Tết vừa qua lực lượng QLTT đã phát hiện nhiều vụ việc lớn đặc biệt liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Gần đây nhất lực lượng QLTT Lào Cai đã thu giữ được 1 xe cá tầm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ với trọng lượng gần 5 tấn; tháng 3 vừa qua Cục QLTT Hà Nội cũng thu giữ 5 tấn nội tạng động vật đang hư hỏng, bốc mùi từ biên giới đang di chuyển về Thủ đô Hà Nội…

Cục QLTT Hà Nội cũng vừa thu giữ hơn 7.000 điếu cigar có giá trị rất lớn không rõ nguồn gốc. Cục QLTT Khánh Hoà qua đợt kiểm tra toàn diện các cửa hàng trên địa bàn cũng thu giữ hơn 3.400 chiếc đồng hồ làm giả các thương hiệu lớn trên thế giới…Tất cả những vụ việc này, Tổng cục QLTT đã hoàn thiện hồ sơ gửi sang bên Công an để xem xét khởi tố.
Khi xử lý những vụ việc lớn như trên với mô hình Tổng cục QLTT quản lý theo ngành dọc có ưu điểm gì hơn so với trước đây, thưa ông?

Ông Trần Hữu Linh: Việc thành lập Tổng cục QLTT, cơ sở nâng cấp 63 Chi cục QLTT ở các địa phương lên thành Cục thuộc Tổng cục thể hiện tầm quan trọng của lưc lượng này trên mặt trận chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Sau hơn 5 tháng hoạt động, chúng ta có thể thấy rõ hiệu quả của mô hình này.

Ví dụ như trước đây do 63 chi cục độc lập ở 63 địa phương nên công tác phối hợp địa bàn và mở rộng điều tra rất hạn chế. Thậm chí có thể nói là không thực hiện được. Rất nhiều vụ việc phát hiện ở địa phương này nhưng doanh nghiệp bị xử phạt lại ở địa phương khác, cơ sở sản xuất hàng giả hàng nhái cũng ở địa phương khác. Các chi cục ở địa phương khi phát hiện vụ việc thì thực hiện xử phạt ngay và dừng vụ việc ở đó. Dẫn đến việc không xử lý được triệt để tận gốc đường dây, ổ nhóm sản xuất.

Sau khi nâng cấp lên Tổng cục QLTT, chúng tôi đã chỉ đạo các Cục tại địa phương phối hợp mở rộng điều tra, xử lý triệt để tận gốc vấn đề, truy ra các ổ nhóm, các “chân rết” ở các địa phương khác. Đây chính là hiệu quả rõ nhất trong công tác phòng, chống tội phạm buôn lậu.

Mặt khác, do mô hình ngành dọc thống nhất từ trung ương xuống các địa phương, đến các Cục, các Đội nên công tác đào tạo, nâng cao trình độ của cán bộ, chất lượng đội ngũ kiểm soát viên QLTT, việc rèn luyện đạo đức công vụ của cán bộ làm được tốt hơn. Chúng tôi đang có kế hoạch đào tạo chuẩn mực hoá cán bộ, cũng như sắp xếp lại bộ máy để đảm bảo đúng tiêu chuẩn, tiêu chí đề bạt bổ nhiệm.

Việc thực hiện các chủ trương lớn, các chương trình làm việc theo chuyên đề cũng được Tổng cục QLTT chỉ đạo xuyên suốt xuống các chi cục tốt hơn và nhanh chóng hơn trước. Vừa rồi khi dịch tả lợn châu Phi tràn vào, Chính phủ có chỉ đạo, Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu Tổng cục QLTT thực hiện ngay và 63 chi cục đã triển khai đồng bộ đúng kế hoạch.

Tại buổi tổng kết công tác quản lý thị trường hồi tháng 1/2019 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã đưa ra đề bài: Nếu hàng giả, hàng nhái còn tràn lan trên thị trường sẽ quy trách nhiệm người đứng đầu Tổng cục. Vậy, đơn vị đã thực hiện chỉ đạo này của Bộ trưởng thế nào?

Ông Trần Hữu Linh: Chúng tôi xác định rằng, việc kiểm tra, kiểm soát chống “vấn nạn” hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vi phạm sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ chuyên môn ưu tiên hàng đầu của Tổng cục QLTT. Vì thế, ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2019, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch hành động trong đó gắn trách nhiệm của từng đội QLTT, từng Cục QLTT tại địa phương, nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu phụ trách địa bàn.

Mặt khác, chúng tôi thực hiện quy chế kiểm tra chéo, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ trong nội bộ từ kiểm soát viên, đội trưởng, cục trưởng và ngay cả Tổng cục trưởng cũng chịu sự kiểm tra, giám sát của tất cả các cán bộ.

Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, hàng giả, hàng nhái vi phạm sở hữu trí tuệ là vấn nạn nên để giải quyết việc này cần sự phối hợp của nhiều lực lượng, đặc biệt là sự đồng lòng của người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp. Bởi người tiêu dùng nhiều khi biết là hàng giả, hàng nhái hàng kém chất lượng vẫn lựa chọn mua bởi giá rẻ. Còn doanh nghiệp nhiều khi biết thương hiệu của mình bị làm nhái nhưng sợ ảnh hưởng tới uy tín của thương hiệu nên không phối hợp với lực lượng chức năng nên công tác xử lý gặp nhiều khó khăn.

9 tháng tiếp theo của năm 2019 Tổng cục QLTT sẽ tập trung vào những chuyên đề nào?

Ông Trần Hữu Linh: Tổng cục QLTT vẫn tiếp tục tập trung vào công tác chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái vi phạm sở hữu trí tuệ bởi đây là chức năng nhiệm vụ chính của chúng tôi.

Vấn đề vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là vấn đề nhức nhối, ngay từ những tháng đầu năm đã phát hiện rất nhiều vụ việc, đặc biệt trong bối cảnh đang có dịch tả lợn châu Phi nên sắp tới vào tháng 5/2019 Tổng cục sẽ chỉ đạo các chi cục tại địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát về thực phẩm. Tăng cường kiểm tra các tụ điểm cơ sở kinh doanh giết mổ, tuyên truyền để người dân và các nhà hàng, khách sạn có ý thức hơn về an toàn thực phẩm.

Thương mại điện tử cũng là chuyên đề chúng tôi đã đăng ký kế hoạch với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia từ đầu năm và nhận được sự chỉ đạo rất cụ thể. Sở dĩ phải thực hiện chuyên đề này vì môi trường internet đang là nơi diễn ra việc quảng cáo, mua bán rất nhiều sản phẩm gian lận thương mại phổ biến.

Công tác chống buôn lậu sẽ được Tổng cục QLTT phối hợp với các lực lượng cảnh sát giao thông, công an địa phương tăng cường kiểm tra trên các tuyến quốc lộ dọc đất nước. Các đợt kiểm tra sẽ tiến hành thường xuyên và đột xuất.

Công tác xây dựng thể chế, chính sách cũng là nhiệm vụ quan trọng mà Tổng cục QLTT được giao phó. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại hơn để tạo đột phá trong công tác quản lý thị trường, ứng dụng hiện đại hoá đưa dần lực lượng này thành chính quy.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Theo VGP