Bán hàng đa kênh, đa phương tiện, vừa online (trực tuyến) vừa offline (trực tiếp tại điểm bán lẻ) hiện đang là một trong những xu hướng mua sắm mới của ngành bán lẻ giữa bối cảnh dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp. Các kênh mua sắm từ app (ứng dụng) đi chợ hộ, mạng xã hội, thương mại điện tử, kể cả tổng đài chăm sóc khách hàng của các siêu thị đều vận hành hết công suất trong thời gian qua. Ðiều này đã tạo động lực tăng trưởng cho các nhà bán lẻ, chuỗi cung ứng hàng hóa, cũng như giúp người tiêu dùng (NTD) hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp xúc trực tiếp, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Phát triển chuỗi bán lẻ đa kênh
Dịch Covid-19 đang khiến NTD quan tâm hơn đến an toàn sức khỏe. Ðiều này đã tạo ra thay đổi đáng kể trong xu hướng tiêu dùng theo hướng an toàn, tăng cường mua sắm online qua nền tảng thương mại điện tử (TMÐT). Từ khi mạng in-tơ-nét phát triển, chỉ cần ngồi ở nhà, thông qua các website, mạng xã hội như facebook, zalo hay các sàn TMÐT,… đều có thể mua sắm và xu hướng này đang dần trở thành thói quen mới của NTD Việt Nam và trong tương lai có thể thay đổi vĩnh viễn thói quen mua sắm thời hậu Covid. Chính vì vậy, việc phát triển bán hàng đa kênh vừa trực tuyến vừa trực tiếp đang là nhu cầu thiết yếu của ngành bán lẻ Việt Nam.
Nhân viên giao hàng mua sắm trực tuyến cho khách hàng. Ảnh: LÊ HẢO
Trên thực tế, vài năm trở lại đây, một số các doanh nghiệp (DN) bán lẻ tại Việt Nam đã đẩy mạnh áp dụng mô hình bán lẻ đa kênh để đáp ứng nhu cầu của NTD, giúp hành trình mua sắm không bị gián đoạn. Công ty VinCommerce, quản lý chuỗi siêu thị VinMart và VinMart+ đã rất thành công trong việc tạo thói quen mua sắm các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu hằng ngày cho NTD thông qua app VinID. Với danh mục hàng hóa mua sắm đa dạng, từ nhu yếu phẩm thiết yếu như: rau, quả, thịt tươi sống, đồ khô… lấy từ nguồn tại các siêu thị VinMart và VinMart+, khách hàng có thể yên tâm bảo đảm nhu cầu sinh hoạt hằng ngày mà không phải trực tiếp đến siêu thị. Chỉ cần chọn tính năng "Ði chợ" trên app VinID, cập nhật địa chỉ nhận hàng, lựa chọn những món hàng cần mua và tiến hành thanh toán online thông qua tài khoản ngân hàng đã liên kết, chỉ trong thời gian ngắn, toàn bộ đơn hàng sẽ được giao ngay đến NTD. Hay siêu thị Lotte Mart cũng đã cho triển khai app Speed L, cho phép NTD có thể lựa chọn thoải mái từ 2.000 đến 3.000 mặt hàng khác nhau tại siêu thị online ngay trên smartphone. Ưu điểm của dịch vụ này là giao diện trên app thân thiện, dễ sử dụng, đồng thời, thuận tiện cho việc thanh toán cũng như giao hàng nhanh.
Ở khối sản xuất, nhiều DN cũng bắt đầu chú trọng hơn đến thương mại đa kênh, dù hầu hết đều thừa nhận kênh online gần như chưa đem lại nhiều lợi ích. Ðơn cử, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) ngay từ đầu năm 2020 đã triển khai bán hàng trên nền tảng TMÐT thông qua các đối tác như: Sendo, Grab, Now cùng việc đẩy mạnh bán hàng online thông qua hotline và website của DN với nhiều hình thức khuyến mãi, miễn phí giao hàng. Mục tiêu tăng trưởng kênh bán hàng online của DN này năm 2021 là 20%, hướng tới chiếm đến 30% tổng doanh số trong tương lai. Tương tự, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2021 của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), lãnh đạo DN này cũng cho biết, mảng TMÐT đã được chú trọng từ vài năm trở lại đây, nhưng giá trị đóng góp chưa lớn do NTD vẫn giữ thói quen tiện đâu mua đấy. Mặc dù vậy, DN vẫn đang đẩy mạnh phát triển các hệ thống cửa hàng hỗ trợ giao hàng cho kênh online vì đây là nhu cầu tất yếu trong thời điểm dịch bệnh hiện nay.
Thay đổi phương thức "đi chợ" thời Covid
Có thể thấy, bên cạnh việc phát triển ngày càng nhiều các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini nằm trong xu thế tất yếu của thị trường thì với sự phát triển công nghệ, bán lẻ online được xem là một kênh tiềm năng, có nhiều điều kiện phát triển. Tại địa bàn TP Hồ Chí Minh, chuỗi siêu thị Co.op mart vừa qua đã thí điểm triển khai hình thức bán lẻ sáng tạo, phục vụ "đi chợ" hộ ngay tại siêu thị cho khách hàng. Ðây được gọi là phương thức "lựa chọn và vận chuyển" (pick & ship). Theo cách này, NTD đến mua sắm tại siêu thị không phải tiếp xúc trực tiếp với nhau như trước đây mà được phục vụ tận nơi, bố trí ngồi giãn cách ở một nơi thoáng mát để chờ nhận đồ. Ðây được xem là cách làm sáng tạo, giúp hạn chế gần
như tuyệt đối việc tụ tập đông người tại các quầy thu ngân, gian hàng, nhất là vào giờ cao điểm.
Anh Văn Tiến Hiếu, nhân viên một hãng hàng không, sinh sống tại quận 9 (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, mấy ngày trước khi đến siêu thị này để mua sắm, anh được yêu cầu phải xếp hàng, giữ khoảng cách với người khác trong các gian hàng để lựa chọn đồ. Anh Hiếu cho rằng, cách làm này không triệt để vì khách vẫn vô tình đứng sát hoặc va chạm tiếp xúc với nhau. Tuy nhiên, hôm nay đến siêu thị mua sắm như thường lệ, nhưng khá bất ngờ vì chỉ cần ngồi một chỗ là được phục vụ tận nơi. Theo đó, anh chỉ cần chọn các mặt hàng trong danh mục mua sắm được siêu thị cung cấp rồi viết vào giấy các thông tin như: mặt hàng cần mua, số lượng, thông tin tên và số điện thoại. Sau đó, nhân viên siêu thị cầm giấy vào trong lựa hàng, cân số lượng và giao cho anh. Anh Hiếu chỉ việc kiểm tra, xác nhận lại rồi thanh toán, nhận hàng ra về với thời gian chỉ từ 15 phút đến 20 phút/đơn hàng. "Mới đầu có thể bỡ ngỡ và bất tiện với một số người khi không được trực tiếp lựa hàng. Tuy nhiên, mọi người nên xem đây là giải pháp thích ứng với tình hình dịch bệnh đang diễn biến tương đối phức tạp tại TP Hồ Chí Minh hiện nay. Từ đó, giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng giữa các khách cùng đi siêu thị", anh Hiếu chia sẻ.
Thực tế trên cho thấy, ngành bán lẻ Việt Nam đang ngày càng sáng tạo, tạo thế chủ động trên thị trường. Sự thay đổi trong hình thức mua sắm của nhiều DN đã góp phần giúp tiêu thụ hàng hóa thuận lợi hơn và hạn chế lây nhiễm, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay. Do đó, bán lẻ đa kênh được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển mạnh kể cả sau khi các biện pháp cách ly, giãn cách được dỡ bỏ. Tuy nhiên hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, tiềm lực tài chính, quản trị DN vẫn là những "rào cản" với các DN bán lẻ Việt Nam.
Ðể tiếp tục đẩy mạnh phát triển bán hàng đa kênh, ứng dụng công nghệ 4.0 hiệu quả, các DN cần chú trọng nâng cao năng lực quản trị, áp dụng mạnh và nhanh chóng chuyển đổi số trong kinh doanh, giảm khâu trung gian, nâng cao năng lực cạnh tranh. Giữa sản xuất và nhà bán lẻ phải có mối quan hệ giao dịch mua bán minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh; loại bỏ hiện tượng ép giá, đưa những mức chiết khấu cao đối với hàng ký gửi đại lý, gây thiệt hại cho người sản xuất. Ðồng thời, cần tiếp tục xây dựng những thương hiệu mạnh, tạo thêm nhiều cơ hội thuận lợi để đưa hàng hóa trong nước vào các chuỗi bán lẻ, triển khai mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững ngành bán lẻ Việt Nam.
Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), tại các tỉnh phía nam, do tâm lý lo sợ dịch Covid-19 nên người dân mua hàng thực phẩm rất nhiều. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ, siêu thị đều chủ động tăng hàng cung ứng, dự trữ nên cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, giá ổn định. Cá biệt tại một số tỉnh như Ninh Thuận, Bình Phước, giá trứng, các loại thịt, rau, củ, quả tăng từ 5 đến 30%.
Tại TP Hồ Chí Minh, các siêu thị đều chủ động dự trữ và tăng cường cung ứng hàng hóa cho nên không xảy ra thiếu hàng. Tương tự, lương thực, thực phẩm tại các siêu thị của tỉnh Ðồng Nai cũng dồi dào, bảo đảm cung ứng đủ cho người dân. Tại TP Cần Thơ, sau khi có hiện tượng người dân đổ xô mua thịt lợn vào ngày 11 và 12/7, đến sáng 13/7, lượng người đi mua sắm thực phẩm đã giảm mạnh, hàng trong siêu thị bảo đảm đầy đủ để cung ứng.