VNHN - Tháng 11 có một ngày lễ đặc biệt – đó là ngày 20/11, ngày tri ân thầy cô, những người “lái đò” thầm lặng đưa bao lớp trẻ “sang sông”. Không có một chuẩn mực nào quyết định cách thức bày tỏ lòng biết ơn đến thầy cô giáo, nhưng sẽ có một chuẩn mực tình cảm nhất định xuất phát từ tâm hồn học trò với những tình cảm chân thật và trân quý nhất.
Cô Lý Khánh Hoa là tác giả sách tự nhiên xã hội lớp 1, 2 bộ sách chân trời sáng tạo. (Cô Hoa đạt giải I Giáo viên giỏi cấp Thành phố, đạt giải Võ Trường Toản – Tấm gương sáng của một nhà giáo tận tụy, tận tâm).
“Công cha nghĩa mẹ ơn thầy. Ngày sau khôn lớn ơn dày biển sâu”, từ lâu vai trò người thầy được đặt gần như ngang hàng với công lao của đấng sinh thành. Bởi cha mẹ là người tạo nên hình hài, nhưng thầy chính là người tạo nét chữ, nết người.
Ngay từ những ngày đầu cắp sách đến trường, các em đã được thầy cô cầm tay nắn nót từng con chữ, dạy từng lời ăn tiếng nói sao cho đúng đạo làm người. Tình yêu thương của mỗi người thầy dành cho học trò của mình cũng giống như tình cảm cha mẹ dành cho con cái. Thầy cô sẽ luôn bên cạnh an ủi, động viên khi các con thất bại hay vấp ngã. Dù đi đâu, về đâu, dù là người bình thường hay có địa vị trong xã hội, các em vẫn là những người học trò cần được nâng đỡ, chỉ dẫn. Còn với các học trò, sự biết ơn và kính trọng các thầy, các cô là vô bờ bến. Thầy cô đã chắp cho chúng em đôi cánh, cho chúng em bay cao, bay xa. Biết nói làm sao hết sự biết ơn này!
Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Quận 11) cùng các thầy cô tổ chức Hội thi làm đèn trung thu trước đợt dịch covid -19
Đôn-ki-xtôi đã có câu nói nổi tiếng là “Dưới ánh hào quang của ánh sáng mặt trời, không có nghề nào cao quý bằng nghề dạy học”. Bác Hồ đã khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Nhiệm vụ của thầy cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”, và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng toả hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời”. Nghề nào cũng “bạc”, nhưng có lẽ nghề giáo “bạc” hơn, bởi lớp bụi phấn thời gian làm bạc mái đầu. Nhưng chắc chắn một điều, dù mái tóc thầy có bạc trắng theo năm tháng, nhưng sự tâm huyết muốn đem đến tri thức và những bài học quý giá cho các học trò của mình thì sẽ mãi không thay đổi!
Cái “Tết” của ngành giáo dục năm 2021 này lại đặc biệt hơn. Khởi nguồn từ việc dạy và học trực tuyến để phòng chống dịch covid -19, thì có lẽ ngày lễ 20/11/2021 này cũng sẽ diễn ra “online” là chính. Có dạy, có học online mới thấy được cái khó của cả thầy lẫn trò. Khoảng thời gian học tập trực tuyến này thật sự là một hành trình gian nan. Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay dù thầy cô và học sinh chỉ được gặp nhau qua màn hình, nhưng chắc chắn điều đó không làm vơi đi ý nghĩa của tình thầy – trò, càng là động lực để mỗi người thêm tin yêu và lạc quan vào hành trình phía trước.
Lời cảm ơn sâu sắc kính gửi đến quý thầy, cô nhân ngày 20/11 năm nay được các em lớp 1 trường TH Hiệp Tân (Quận Tân Phú) thể hiện bằng tạo hình trái tim đáng yêu qua màn hình học online.
Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu nên vị trí của người thầy càng được tôn vinh. Người thầy trong xã hội, trải qua nhiều thời kỳ của đất nước, nghề dạy học luôn được xã hội và nhân dân ta kính trọng. Truyền thống tôn sư trọng đạo của nhân dân ta từ xưa và mãi mãi sau này chắc chắn sẽ không thay đổi – nhưng những yêu cầu của xã hội đổi mới đối với nhà giáo, cả về phẩm chất và năng lực thì lại tăng lên rất nhiều. Điều đó đòi hỏi bản lĩnh của mỗi nhà giáo, vừa giữ được phẩm chất truyền thống tốt đẹp của nghề nghiệp cao quý này, lại vẫn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tri thức, về kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. Qua bao khó khăn, nhọc nhằn của cuộc sống đời thường, của “nghề cầm phấn”, nhưng người thầy vẫn sáng lên trong ánh mắt một niềm tin, một tình yêu đối với nghề vô bờ bến!
Sự trưởng thành của các em học sinh chính là niềm vui của các thầy cô
Đã có không ít lần tôi xao xuyến trước những tà áo dài bay bay trên bục giảng, xúc động khi thấy dáng thầy gầy gò run run cầm viên phấn viết trên tấm bảng đen. Và cũng đã có vô số lần tôi nhận ra, sau bao thế hệ học trò trưởng thành cũng là biết bao thế hệ nghề giáo nối tiếp nhau; chắc chắn rằng người thầy ở thời đại nào cũng vậy, chẳng cần những món quà xa xỉ, đắt tiền, mà chỉ cần sự chăm ngoan, học giỏi của các em học sinh trong việc học tập, nỗ lực tiếp bước cha anh dựng xây đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh. Nhân tháng 11 này, tôi lại xin được một lần nữa được thốt lên lời tri ân sâu sắc đến với những “người lái đò” thầm lặng! Kính chúc quý thầy cô sẽ mãi khỏe mạnh, tràn đầy nhiệt huyết để sống mãi với nghề “lái đò” đưa người “sang sông”./.