05/12/2024 lúc 23:14 (GMT+7)
Breaking News

Xây dựng văn hóa công sở tỉnh Quảng Nam hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh qua tác phẩm Đời sống mới

Nhận thức rõ vị trí, vai trò của văn hóa công sở, kế thừa những di sản về văn hóa công sở trong tác phẩm Đời sống mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thời gian qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã quan tâm, lãnh chỉ đạo, ban hành nghị quyết, đề án, chương trình, triển khai chuyên đề về phát triển văn hóa con người Quảng Nam năm 202416, văn hóa công sở, cải cách thủ tục hành chính…để chỉ đạo đến toàn thể các tổ chức đảng, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh.

Với bí danh Tân Sinh, cách đây 77 năm (1947-2024), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Đời sống mới, với câu từ giản dị, dễ hiểu, gắn với từng công việc cụ thể, thiết thực với từng đối tượng. Theo Người, Đời sống mới phải thấm sâu vào từng người, từng gia đình, từng làng, công sở, trường học, bộ đội, nhà máy.., từ sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại đến cách làm việc. Trong đó, Người đặt lên hàng đầu nhiệm vụ rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, sửa đổi tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên trong các cơ quan, đơn vị. Những chỉ dẫn của Người trong tác phẩm Đời sống mới tạo tiền đề, nền móng xây dựng nền văn hóa công sở cả nước nói chung, tỉnh Quảng Nam nói riêng.

1. Quan điểm Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa công sở trong tác phẩm Đời sống mới

Văn hóa là phạm trù rất rộng được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau, cách tiếp cận khác nhau, đến nay trên thế giới có khoản 200 khái niệm về văn hóa. Tháng 8 năm 1943, trong tập thơ Nhật ký trong tù, Hồ Chí Minh đưa ra định nghĩa văn hóa: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng với nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn1. Từ khái niệm văn hóa 1943, Hội nghị văn hóa toàn quốc 1946 đến tác phẩm Đời sống mới 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã suy ngẫm và viết nhiều bài liên quan đến thực hành đời sống mới như: Nhân tài và kiến quốc (11/1945), gương sáng suốt của đời sống mới”2. Đặc biệt, để chuẩn bị cho việc thành lập Ủy ban vận động đời sống mới Trung ương (3/4/1946), Người viết bài Gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp tết sắp đến (1-1946) đề cập đến việc thực hành đời sống mới với các nội dung “hăng hái, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ. Phải siêng học, phải siêng làm, phải tiết kiệm… Năm mới chúng ta thực hành đời sống mới để trở nên những công dân mới, xứng đáng với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”3. Sắc lệnh số 76/SL ban hành Quy chế công chức Việt Nam Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 20/5/1950 ở điều 2 khẳng định: Công chức Việt Nam phải phục vụ nhân dân, trung thành với Chính phủ, tôn trọng kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm và tránh làm những việc có hại đến thanh danh công chức. Đây là văn bản đầu tiên có nội dung về xây dựng văn hóa công sở, không chỉ là nguyên tắc bất biến, mà còn là chuẩn mực của văn hóa công sở. Trung thành với Tổ quốc, tận tụy phục vụ nhân dân là điều cốt lõi trong văn hóa công sở hiện nay.

Xây dựng văn hóa công sở trong tác phẩm Đời sống mới gồm những nội dung sau:

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Mỗi người, mỗi đoàn thể lại phải theo công việc, nghề nghiệp của mình, mà làm đời sống mới cho hợp với hoàn cảnh.”4. Tùy theo điều kiện, vị trí công việc của mỗi người mà xác định trách nhiệm đối với Đảng, Chính phủ và nhân dân trong quá trình xây dựng đời sống mới. Mỗi người có một vị trí, vai trò khác nhau, nhưng điều tham gia vào xây dựng đời sống mới: Đối với một em nhi đồng, khi ở nhà thì siêng giúp đỡ cha mẹ, anh em, ăn ở sạch sẽ, không gặp đâu nằm đó, không gặp gì ăn nấy, không ỉa bậy, đái bậy. Lúc đến trường, thì siêng học, giữ kỷ luật..., lúc ra đường thì biết giúp đỡ gia đình các chiến sĩ, an ủi đồng bào tản cư, biết giữ bí mật, biết chú ý những kẻ lạ mặt, đề phòng Việt gian. Trong một trường học, “các thầy nên thi nhau tìm cách dạy sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, nhanh chóng và thiết thực. Các trò nên đua nhau học5. Vì vậy, việc học tập ở trong trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên, và tương lai của thanh niên tức là tương lai của nước nhà. Đối với “những bộ đội ở trước mặt trận, phải luôn luôn lo việc đánh giặc..., song những bộ đội ở hậu phương thì cần làm, và quyết làm được. Tùy theo hoàn cảnh mỗi bộ đội, hoặc làm vườn, nuôi lợn, hoặc làm giúp dân. Có lúc bộ đội chia phiên nhau, lớp đánh giặc, lớp làm ruộng làm vườn, để tự cấp tự túc”6, xác định rõ vị trí công việc của mình để tham gia đời sống mới hiệu quả nhất.

Đời sống mới theo Người là phải có tinh thần sốt sắng với việc công ích, chăm làm việc có lợi, tránh làm việc có hại cho dân, cho nước, “việc gì lợi cho nước, phải ra sức làm. Việc gì hại đến nước, phải hết sức tránh”7. Bất kỳ việc to việc nhỏ, có ích chung thì phải hăng hái làm. Thí dụ: Thấy một ngành gai nằm giữa đường, ta lấy vất đi, cho người khác khỏi dẫm phải. Thế cũng là công ích. Hy sinh tài sản giúp kháng chiến, đồng bào tản cư, di cư, cũng là công ích.

Đời sống mới là sửa đổi cách ăn, mặc, ở, đi lại đến cách làm việc, trong đó, cách sống, lối sống phải phù hợp với hoàn cảnh chung của xã hội. Giản tiện, tiết kiệm, tránh xa xỉ “những gì không cần thiết làm thì phải bớt đi, bỏ đi”, cách ăn mặc phải sạch sẽ, giản đơn, chất phác, chớ lượt thượt, xa xỉ, loè loẹt. Công sở là nơi tập trung vật liệu, của cải, tiền bạc của nhà nước tức là của nhân dân. Nếu người công sở không có ý thức tiết kiệm thì rất dễ lãng phí; ngược lại, nếu công sở tiết kiệm thì có lợi cho dân rất nhiều, “nếu một miếng giấy nhỏ đủ viết, thì chớ dùng một tờ to. Một cái phong bì có thể dùng hai ba lần. Mỗi ngày, công sở cả nước dùng hàng mấy vạn tờ giấy và phong bì. Nơi nào cũng tiết kiệm một chút, thì trong một năm đỡ được hàng vạn tấn giấy, tức là hàng triệu đồng bạc. Các vật liệu khác cũng vậy. Nhờ các công sở tiết kiệm, mà lợi cho dân rất nhiều”8. “Đàn ông không có cổ cồn, ca vát cũng không hại gì. Đàn bà không có son phấn, xuyến vòng cũng vẫn sống được. Vậy thì những thứ đó và các thứ xa xỉ khác ta phải bỏ đi”9.

Theo Người, cách làm việc phải siêng năng, có ngăn nắp, có tinh thần phụ trách, đã làm việc gì, thì làm cho kỳ được, làm đến nơi đến chốn. Chớ làm dối. Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ, về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào, nên làm xong ngày ấy, chớ để chờ ngày mai. Phải nhớ rằng: “Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”10. Mỗi người cần có kế hoạch, đặt ra các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể để hiện thực hóa các mục tiêu đó.

Cách cư xử phải “thành thực, thân ái, sẵn lòng giúp đỡ”, trong một làng, nhà thì có nhà giàu, nhà vừa, nhà nghèo. Người thì có người tốt, người vừa, người kém. Học thì có kẻ thông, kẻ vừa, kẻ dốt. Hai hạng trên phải tìm cách giúp đỡ, cảm hoá hạng thứ ba. Công việc làm ăn thì có nghề làm ruộng, nghề thủ công và nghề buôn bán. Phải tìm cách giúp đỡ lẫn nhau. Tốt nhất là tổ chức hợp tác xã, thì nghề nào cũng dễ tăng gia sản xuất. Vì nhiều người đông sức, thì tốn thì giờ ít, mà kết quả nhanh hơn, nhiều hơn. Về văn hoá, phải làm cho cả làng đều biết chữ, biết đạo đức và trách nhiệm của công dân. Về phong tục, phải cấm hẳn say sưa, cờ bạc, hút xách, bợm bãi, trộm cắp. Phải tìm cách làm cho không có đánh chửi nhau, kiện cáo nhau. Làm cho làng mình thành một làng “phong thuần tục mỹ”. Về vệ sinh, đường sá phải sạch sẽ. Ao tắm giặt, giếng nước uống phải phân biệt và săn sóc cẩn thận…Trong lúc kháng chiến, làng mình có tiểu đội du kích, phải ra sức giúp việc phá hoại để ngăn địch. Phải cẩn thận đề phòng Việt gian, giúp đỡ bộ đội, giúp đỡ đồng bào tản cư, di cư. Phải tổ chức những hội quần chúng, những hội Cứu quốc, hội Liên hiệp quốc dân.

Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải có tinh thần cầu thị, ham học nâng cao kiến thức để hoàn thành ngày một tốt hơn công việc được giao, “trước hết là học chữ, học làm tính. Biết chữ, biết tính, thì làm việc gì cũng dễ dàng hơn. Một người không biết chữ, biết tính thì như nửa mù nửa quáng”11. Biết rồi, ta học thêm. Ngoài ra, còn biết bao nhiêu điều cần học. Việc thế giới rất nhiều, học không bao giờ hết. Người có học mới có tiến bộ. Càng học càng tiến bộ.

Để xây dựng đời sống mới, Hồ Chí Minh cho rằng: Cần có tinh thần liêm chính, “những người ở các công sở, từ làng cho đến Chính phủ Trung ương, đều dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc khoét đục nhân dân. Đến khi lộ ra, bị phạt, thì mất hết cả danh giá, mà của phi nghĩa đó cũng không được hưởng. Vì vậy, những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu”12, “trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ LIÊM trước, để làm kiểu mẫu cho dân”13. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng “mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con, bầu bạn, mà kéo vào chức nọ chức kia”14, việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán…. chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình. Phải trung thành với Chính phủ, với đồng bào. Chớ lên mặt làm quan cách mệnh”; chớ kiêu căng, không nịnh hót người trên, không xem khinh người dưới, không tham lam, không bủn xỉn.

Đặc biệt, Người quan tâm đến phương pháp thực hành phát huy đời sống mới: (i) không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới; (ii) Phải kiên trì thực hiện, mạnh dạn thay đổi cái cũ đã lỗi thời, không còn phù hợp; (iii) Phải tuyên truyền, giải thích, làm gương, thi đua. Phải chịu khó nói rõ cho mọi người hiểu đời sống mới có ích thế nào, cách thi hành đời sống mới thế nào. Nói một lần họ chưa hiểu thì nói nhiều lần. Nói đi, nói lại, bao giờ người ta hiểu, người ta làm mới thôi. Nói thì phải nói một cách giản đơn, thiết thực với hoàn cảnh mỗi người; nói sao cho người ta nghe rồi làm được ngay. Việc dễ, việc nhỏ làm được rồi, sẽ nói đến việc to, việc khó. Có người tuyên truyền đời sống mới mà đem nào khách quan, chủ quan, nào tích cực, tiêu cực, nào khoa học hoá và gì gì hoá. Nghe thì hay thật, nhưng chẳng mấy người hiểu là nói cái gì. Mà người nào hiểu thì có cảm tưởng rằng đời sống mới là một điều cao xa, oanh liệt, khó làm. Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước. Người này thi đua với người khác. Nhà này thi đua với nhà khác. Làng này thi đua với làng khác. Ai hơn thì được nhân dân kính trọng và Chính phủ khen thưởng. Như vậy, ai cũng hăng hái. Cán bộ của làng phải là người trong sạch, công bình, thạo việc, có thể làm gương cho dân làng; có thể hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung. Do đó, tuyên truyền đời sống mới cũng như tuyên truyền việc khác, “phải hăng hái, bền gan, chịu khó, đồng thời phải cẩn thận, khôn khéo, mềm mỏng”15.

Tác phẩm Đời sống mới chứa đựng những chỉ dẫn quý báu, có giá trị sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong xây dựng văn hóa công sở, nâng cao đạo đức, tác phong, lề lối công tác trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hướng đến xây dựng nền hành chính liêm khuyết, phục vụ, kiến tạo, đổi mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn tỉnh Quảng Nam và cả nước thời gian đến.

Ảnh minh họa - TL

 2. Thực tiễn xây dựng văn hóa công sở tỉnh Quảng Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh qua tác phẩm Đời sống mới

Nhận thức rõ vị trí, vai trò của văn hóa công sở, kế thừa những di sản về văn hóa công sở trong tác phẩm Đời sống mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thời gian qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã quan tâm, lãnh chỉ đạo, ban hành nghị quyết, đề án, chương trình, triển khai chuyên đề về phát triển văn hóa con người Quảng Nam năm 202416, văn hóa công sở, cải cách thủ tục hành chính…để chỉ đạo đến toàn thể các tổ chức đảng, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh17. Nghị quyết Đại hội XXII nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Đảng bộ tỉnh xác định, một trong nhiệm vụ trọng tâm là “nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính; tinh giản biên chế, cơ cấu lại tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”18. Thường trực Tỉnh ủy công khai hoạt động lãnh chỉ đạo; duy trì, thực hiện tốt việc đối thoại với nhân dân định kỳ, đột xuất, chuyên đề; duy trì chuyên mục tiếp nhận, trả lời, giải đáp những vấn đề người dân thắc mắc19. Cấp ủy các cấp, lãnh đạo các địa phương, đơn vị chỉ đạo, tổ chức thực hiện rà soát, xóa bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhân dân .... quy định rõ thái độ, trách nhiệm thực hiện văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử, văn hóa công sở20. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được triển khai thực hiện với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước được tăng cường; đề cao trách nhiệm người đứng đầu và tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp có bước chuyển tích cực, từng bước tiến đến xây dựng chính quyền điện tử. Qua đó, đã chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo được những chuyển biến khá rõ nét về kỷ luật, kỷ cương hành chính, tinh thần trách nhiệm, thái độ, chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được nâng lên, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh.

Kết quả: Năm 2023, công tác CCHC của tỉnh Quảng Nam ghi nhận sự nỗ lực của nhiều địa phương trong việc cải thiện chỉ số xếp hạng, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đối với cấp tỉnh đạt 99,88% tăng so với năm 2022 là 99, 8%. Theo Báo cáo số 62-BC-UBND, ngày 19/3/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam về tình hình thực hiện công tác cách hành chính quý I năm 2024 như sau: Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh: Tổng số hồ sơ TTHC đã giải quyết xong 22.235 hồ sơ, trong đó trước và đúng hạn 22.218 hồ sơ (chiếm 99,87 % tổng số hồ sơ đã giải quyết) và trễ hạn 17 hồ sơ (chiếm 0,13%). Tại UBND cấp huyện: Tổng số hồ sơ TTHC đã giải quyết xong 28.218 hồ sơ, trong đó trước và đúng hạn là 23.204 hồ sơ (chiếm 83,73% tổng hồ sơ đã giải quyết), trễ hạn 5.014 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 16,27%). Đối với cấp xã: Tổng số hồ sơ TTHC đã giải quyết xong 27.708 hồ sơ, trong đó trước và đúng hạn 27.155 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 97,81%), trễ hạn 553 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 2,19%).

Tuy nhiên, việc xây dựng văn hóa công sở trên địa bản tỉnh Quảng Nam còn nhiều tồn tại, hạn chế như:

Một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức chưa sâu sắc vị trí việc làm và xác định rõ trách nhiệm đối với công việc được giao, dẫn đến làm việc cầm chừng, không sát công việc, không phát huy hết khả năng, năng lực trong công việc, tinh thần trách nhiệm chưa cao, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả, không tích cực đề xuất các giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắt, bất cập (chiếm 77,4%).

Vẫn còn tình trạng một số cán bộ, đảng viên đặt việc cá nhân lên trên hết, trước hết, “đẩy việc” lên cấp trên hoặc “đẩy” cho các cơ quan, đơn vị và cá nhân khác (chiếm 75,6%); không ưu tiên giải quyết các công việc cấp bách; các vấn đề lớn, khó, phức tạp, các vấn đề nổi cộm, thoái thác nhiệm vụ mới, nhạy cảm…

Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu trong thực thi công vụ; chấp hành chưa nghiêm nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; sử dụng thời gian làm việc chưa hiệu quả; còn xảy ra trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết các thủ tục hành chính, không trả lời hoặc trả lời lòng vòng thiếu quan điểm rõ ràng về những nội dung trên lĩnh vực phụ trách khi được hỏi ý kiến (chiếm 74%), gây bức xúc trong nhân dân.

Vẫn còn tình trạng cán bộ, đảng viên đăng ký học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần kết luận số 01-KL/TW còn chung chung, chưa sát thực tiễn; chưa thật sự thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính; Thiếu thẳng thắn, thiếu trách nhiệm trong tự phê bình và phê bình do cả nể, ngại va chạm.

Nguyên nhân của những hạn chế: Theo Báo cáo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về kết quả điều tra dư luận xã hội, xuất phát từ các nguyên nhân chủ yếu sau:  “(i) Nhiều cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật đã khiến cho cán bộ thực thi công vụ, kể cả những người đứng đầu có tâm lý và thái độ làm việc cầm chừng với quan điểm “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm sẽ không sai”; sợ quy trách nhiệm khi xảy ra sai phạm”; (ii) Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thiếu đồng bộ, văn bản dưới luật còn chồng chéo, thiếu nhất quán, gây khó khăn trong việc áp dụng, vận dụng, (iii) Chính sách tiền lương, phụ cấp chưa đáp ứng được nhu cầu trong khi áp lực công việc lớn; (iv)Văn bản trả lời, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp trên khi được tham vấn các vấn đề còn chung chung, không dễ áp dụng vào các tình huống xảy ra trên thực tế; (v) Năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, nhất là cán bộ tham mưu chính sách; (vi) Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, không muốn làm vì không có lợi ích; (vii) Vai trò nêu gương của người đứng đầu chưa nghiêm túc”21

3. Một số giải pháp xây dựng văn hóa công sở tỉnh Quảng Nam hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh qua tác phẩm Đời sống mới

Để xây dựng văn hóa công sở tỉnh Quảng Nam đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới, cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, cán bộ, đảng viên của Đảng bộ cần phải xác định rõ vị trí việc làm và trách nhiệm cụ thể từng công việc được giao “phải theo công việc, nghề nghiệp của mình, mà làm đời sống mới cho hợp với hoàn cảnh”. Tùy theo mỗi cơ quan, đơn vị, vị trí việc làm mà cán bộ, đảng viên đảm nhận phù hợp với trình độ, năng lực được đào tạo. Khi năng lực, sở trường của từng người được bố trí đúng sẽ phát huy tốt, hiệu quả công việc trôi chảy, chất lượng cao, sẽ khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên mà Đảng ta đánh giá hiện nay.

Hai là, phải có tinh thần sốt sắng với việc công ích, “việc gì lợi cho nước, phải ra sức làm. Việc gì hại đến nước, phải hết sức tránh”. Xem cơ quan, đơn vị công tác là mái ấm, gia đình thứ hai của mình, thể hiện được tinh thần trách nhiệm với những công việc chung, đặt việc công lên trước việc tư, lấy hiệu quả công việc làm thước đo đánh giá và là cơ sở xếp thi đua hằng năm đối với cán bộ, đảng viên. Đồng thời, chấn chỉnh tình trạng tham vật úy lao, chọn việc dễ cho mình, việc khó dành cho người, hoặc chỉ muốn lợi cho mình mà thiệt cho cơ quan, đơn vị, tranh công, đổ lỗi.

Ba là, phát huy vai trò nêu gương của từng cán bộ, đảng viên trong công sở, chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý. Tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong lãnh đạo, quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị, lĩnh vực phụ trách; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, hiệu quả công tác thấp; công khai, dân chủ, khách quan, tránh tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.

Bốn là, tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016; Quyết định số 1847/QĐ-TTg, ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ; Quyết định số 733/QĐ-TTg, ngày 14/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 – 2025; Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Năm là, mỗi đảng viên phải xây dựng kế hoạch phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng để chi ủy, chi bộ kiểm tra, giám sát, làm cơ sở để kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cuối năm. Không đưa vào quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với cán bộ, công chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm. Kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm, thậm chí cho thôi chức vụ, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với những trường hợp cố tình né tránh, đùn đẩy, không dám làm, thiếu trách nhiệm, sợ trách nhiệm. Làm tốt công tác tuyển dụng, quản lý, đánh giá cán bộ, kỷ luật nghiêm minh, khen thưởng xứng đáng.

Qua những nghiên cứu các nội dung văn hóa công sở trong tác phẩm Đời sống mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng học tập, tu dưỡng đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ, sửa đổi lề lối, tác phong công tác góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh thật trong sạch, vững mạnh, cùng nhân dân trong tỉnh chung sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn, thử thách, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2024 và hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 nêu ra là: “...phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030”.

NCS. Trần Ngọc Nhiều

Khoa tư tưởng Hồ Chí Minh – Học viện Chính trị khu vực III

CHÚ THÍCH

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.458.

2,3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.163, tr.194.

4,5,6,7,8,9,10,11,12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.115, tr.120, tr.121, tr.117, tr.123, tr.115, tr.122, 117, tr.122.

13,14,15. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 6, tr.127, tr.122, tr.127.

16. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người góp phần xây dựng Quảng Nam thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.

17. Quyết định số 3510-QĐ/UBND, ngày 30/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam về ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 14/10/2021, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ năm khóa XXII về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn năm 2021 -2025, định hướng đến năm 2030; Báo cáo số 512-BC/TU, ngày 17/4/2024 của Tỉnh ủy Quảng Nam về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

18. Đảng bộ tỉnh Quảng Nam (2020), Văn kiện Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tr.174.

19. Chỉ thị số 34-CT/TU, ngày 13/12/2022 của Tỉnh ủy Quảng Nam về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân, đối toại trực tiếp với dân và xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của dân trên địa bàn tỉnh.

20. Quyết định số 1847/QĐ-TTg, ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ, Quyết định số 733/QĐ-TTg, ngày 14/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 – 2025.

21. Tỉnh ủy Quảng Nam (2024), Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người góp phần xây dựng Quảng Nam thành tình phát triển khá của cả nước vào năm 2030, Nxb. Đà Nẵng, tr.61.

22. Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 14/10/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bản tỉnh giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030.

23. Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 09/4/2024 của Ban Chấp hành Trung ương về chuẩn mực đạo đức của cán bộ đảng viên trong giai đoạn mới.

...