Để có thể vừa song song kích cầu du lịch nội địa vừa chuẩn bị sẵn sàng mở cửa đón khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép, phương án xây dựng “Điểm đến an toàn” và tạo dựng thương hiệu “Quốc gia an toàn” được xem là điều kiện tiên quyết để đưa du lịch Việt Nam phục hồi thành công trở lại.
Ảnh minh họa
Xây dựng thương hiệu du lịch “Quốc gia an toàn”
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTT&DL) cho biết, mặc dù được ghi nhận là một trong những quốc gia phòng, chống COVID-19 hiệu quả nhất thế giới, ngành du lịch Việt Nam vẫn chịu tác động sâu sắc của dịch bệnh. Các khu/điểm du lịch, các di tích, điểm tham quan/vui chơi giải trí nhiều lần phải đóng cửa, cơ sở lưu trú du lịch hoạt động cầm chừng, doanh nghiệp lữ hành ngày càng khó khăn.
Để có thể phục hồi du lịch hiệu quả - ngay cả trong bối cảnh bình thường mới khi phải sống chung với đại dịch, Tổng cục Du lịch đã đưa ra nhiều phương án. Nói một cách tích cực, bên cạnh những thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra thì đây chính là cơ hội để ngành du lịch cùng nhìn lại và xây dựng chiến lược mang tính bền vững hơn. Việt Nam có thể xây dựng thương hiệu du lịch “Quốc gia an toàn” để thu hút khách quốc tế khi dịch bệnh đã được kiểm soát trên toàn thế giới.
Trước mắt, Tổng cục Du lịch sẽ triển khai tích cực, đồng bộ và có hiệu quả hàng loạt các giải pháp để phục hồi và tiến tới phát triển du lịch bền vững sau đại dịch COVID-19. Cụ thể, tiếp tục đề xuất các chính sách hỗ trợ ngành du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong bối cảnh bị tác động nặng nề do dịch COVID-19; ngành du lịch xây dựng kế hoạch hành động nhằm phục hồi du lịch trong tình hình mới; xây dựng kế hoạch từng bước mở cửa thị trường quốc tế khi các điều kiện an toàn cho phép; hỗ trợ các địa phương triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa...
“Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, tiêu chí “Điểm đến an toàn” là điều kiện tiên quyết để du khách nội địa tin tưởng, lựa chọn. Định hướng chung cho giai đoạn phục hồi 2021 – 2023, Tổng cục Du lịch nhận thấy cần lấy du lịch nội địa làm trọng tâm khai thác. Bên cạnh đó sẽ làm mới sản phẩm cũ, phát triển sản phẩm du lịch mới để từng bước mở cửa, tiến tới phục hồi hoàn toàn du lịch quốc tế trong bối cảnh bình thường mới”, ông Nguyễn Lê Phúc cho biết.
Chuẩn bị sẵn sàng mở cửa đón khách du lịch quốc tế
Theo ông Nguyễn Lê Phúc, “hộ chiếu vaccine” đang là một vấn đề được quan tâm trên toàn cầu. Đây là tài liệu kỹ thuật số giúp người dân lưu trữ, theo dõi và chứng minh sức khỏe cá nhân và việc tiêm chủng vaccine, trong trường hợp này là vaccine phòng COVID-19. Đối với ngành du lịch, nếu được áp dụng, “hộ chiếu vaccine” sẽ là một công cụ hiệu quả giúp phục hồi ngành du lịch một cách nhanh chóng. Việc vaccine trở thành giấy thông hành cho việc đi qua biên giới không chỉ giúp khởi động lại thị trường du lịch quốc tế mà còn giúp phục hồi lại các cơ sở dịch vụ liên quan đến du lịch như nhà hàng, rạp chiếu phim và cơ sở dịch vụ giải trí khác. Hộ chiếu vaccine giúp du khách không cần lo lắng về việc bị cách ly dài ngày, đồng thời tự do hơn trong việc di chuyển trong suốt thời gian đi du lịch.
Hiện Việt Nam đang trong quá trình xây dựng kịch bản, kế hoạch để áp dụng “hộ chiếu vaccine”. Tuy nhiên để có thể hiện thực hóa được công cụ này không chỉ cần một cơ sở hạ tầng vững chắc, đảm bảo tính bảo mật mà còn cần phối hợp chặt chẽ với các quốc gia trên thế giới.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu mở lại thị trường du lịch quốc tế trong điều kiện chống dịch COVID-19, ngành du lịch đang gấp rút nghiên cứu về kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế vào Việt Nam. Ngành du lịch đã xây dựng kế hoạch sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện để mở cửa đón khách quốc tế trở lại như: Điều kiện về thời gian, về thị trường khách (lựa chọn thị trường có lượng khách du lịch tiềm năng, đã kiểm soát tốt dịch bệnh qua các thỏa thuận song phương giữa hai quốc gia); về địa điểm (lựa chọn thí điểm đón khách du lịch quốc tế tại địa điểm có vị trí riêng biệt, khả năng lây nhiễm ra cộng đồng thấp, có hạ tầng về an ninh, y tế, giao thông, dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch quốc tế); về đối tượng khách (tập trung đến nhóm đối tượng khách du lịch chơi golf, khách nghỉ dưỡng, ít chuyển, khách đi du lịch theo hình thức chương trình du lịch trọn gói, do doanh nghiệp lữ hành quốc tế tổ chức bằng đường hàng không); đặc biệt là các điều kiện đảm bảo an toàn đối với doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, với khách, với cơ sở lưu trú...
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến hết sức phức tạp, du lịch toàn cầu cũng như du lịch Việt Nam sẽ phải còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù vậy, theo nhận định của ông Nguyễn Lê Phúc, ngành du lịch cũng có một số điều kiện thuận lợi phát triển, đó là sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ với những chính sách hỗ trợ kịp thời; các cơ chế đối thoại công – tư; mô hình liên kết hợp tác vùng, giữa các tỉnh được đẩy mạnh; các doanh nghiệp du lịch, hàng không đang làm tốt vai trò dẫn dắt thị trường.
Liên kết chính là vấn đề mấu chốt trong việc thành công của ngành du lịch trong thời gian qua. Để du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn này và tận dụng những cơ hội phát triển, hơn lúc nào hết, cần sự gắn kết hơn nữa giữa ngành du lịch và các ngành như ngoại giao, an ninh, quốc phòng, giao thông vận tải, thông tin truyền thông, y tế… để tạo điều kiện thông thoáng hơn, đẩy mạnh công tác xúc tiến, phát triển sản phẩm mới, tăng cường thu hút khách du lịch đến Việt Nam.
Ngoài ra còn rất cần sự liên kết giữa các địa phương, các điểm đến với các doanh nghiệp du lịch nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra những gói sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn cho khách du lịch trong và ngoài nước.