02/05/2024 lúc 16:59 (GMT+7)
Breaking News

Xây dựng nền tư pháp Việt Nam liêm chính

Trong điều kiện nước ta đang thực hiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vấn đề xây dựng một nền tư pháp liêm chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, có ý nghĩa vô cùng quan trọng và là một yêu cầu cấp thiết.

Đây là vấn đề không chỉ nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước, mà cũng luôn là sự quan tâm lớn của các tầng lớp nhân dân, của toàn xã hội. 

Khái niệm và bản chất nền tư pháp nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Tư pháp – theo nghĩa rộng, là toàn bộ hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét xử các vụ án theo quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và pháp chế xã hội chủ nghĩa; Theo nghĩa hẹp, đó là hoạt động xét xử của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhằm giải quyết các vụ án theo quy định của pháp luật. 

Là một trong ba cơ quan quan trọng của chính quyền (trong đó có lập pháp và hành pháp), tư pháp là cơ quan thực thi pháp luật; là nơi giải quyết tranh chấp pháp lý; là cơ quan bảo vệ quyền lợi của công dân; là nơi xây dựng và phát triển pháp luật. Vai trò quan trọng của cơ quan tư pháp còn được thể hiện ở các chức năng: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức; Bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và pháp chế xã hội chủ nghĩa; Đảm bảo công bằng, công lý, trật tự kỷ cương xã hội. 

Trong các cơ quan tư pháp:  Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp; Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.

Nói về những khái niệm cơ bản của một nền tư pháp, không thể không nói đến bản chấtcủa nền tư pháp đó. Nền tư pháp trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thể hiện ở những góc độ sau: (1) Nền tư pháp nước ta được xây dựng trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với mục đích là  bảo đảm hoạt động của các cơ quan tư pháp theo đúng đường lối chính trị, kiên định đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân… (2) Nền tư pháp ở nước ta được xây dựng, vận hành trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật. (3) Nền tư pháp được xây dựng chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. (4) Nền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được vận hành trên nguyên tắc bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. (5) Nền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tôn trọng và bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Nắm vững bản chất của nền tư pháp Việt Nam sẽ giúp cho quá trình tổ chức, xây dựng tư pháp được thực hiện đúng hướng, đúng mục tiêu được xác lập. 

Xây dựng nền tư pháp liêm chính

Nền tư pháp liêm chính là một nền tư pháp trong sạch, minh bạch và tiến tới loại bỏ tham nhũng. Điều đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ ngành Tư pháp không chỉ có đủ năng lực, tính chuyên nghiệp, mà phải thực thi chính xác các yêu cầu của pháp luật, nhằm tăng cường tính trung thực và tư cách đạo đức của các cán bộ tư pháp trong thừa hành công việc cùng với phương pháp làm việc hiệu quả vì lợi ích chung. 

Nhưng để bảo đảm một nền tư pháp liêm chính, rất cần bảo đảm tính độc lập của hoạt động tư pháp; bảo đảm điều kiện tiếp cận công lý của người dân nhằm thúc đẩy trách nhiệm của cơ quan tư pháp trong thực thi nhiệm vụ; có cơ chế giám sát hoạt động của cơ quan tư pháp và cải cách tố tụng hình sự để tăng cường tranh tụng bình đẳng.

Chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính là mục tiêu xây dựng nền tư pháp nước ta. Bởi chỉ có như vậy mới đảm bảo xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Xuất phát từ yêu cầu thực tế như vậy, ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ra Nghị quyết số 27-NQ/TW về vấn đề quan trọng này. Những nội dung cơ bản được nêu lên trong Nghị quyết bao gồm: (1) Đảm bảo Đặc trưng của quyền tư pháp trong giai đoạn mới – Đó là đảm bảo tính thống nhất của quyền lực nhà nước; đảm bảo Tòa án là cơ quan được phân công thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý trên cơ sở được bảo đảm sự độc lập trong hoạt động xét xử, trên cơ sở sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp khác với vai trò trung tâm của Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án và các thiết chế bổ trợ tư pháp; Quyền tư pháp của Tòa án nhân dân được đảm bảo tính phối hợp chặt chẽ và tính kiểm soát hiệu quả… (2) Phải phấn đấu để đạt Mục tiêu xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. (3) Đối với các cơ quan tư pháp,hướng đến giải quyết các vấn đề cốt lõi của nền tư pháp nước ta, lấy sửa đổi thể chế là cơ sở nền tảng, đồng thời đặt ra những điều kiện bảo đảm sự vận hành đúng đắn của các “module” tạo nên nền tư pháp đó. Trong đó, trung tâm của quá trình xây dựng nền tư pháp là Tòa án nhân dân. Bên cạnh đó, Viện kiểm sát nhân dân phải thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Cơ quan điều tra được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện tổ chức của thiết chế này theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả.

Nghị quyết số 27-NQ/TW đồng thời đặt mục tiêu tiếp tục hoàn thiện thể chế bảo đảm cho các cơ quan tư pháp thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong thực thi nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Đội ngũ cán bộ chuyên môn cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi về kỹ năng hành nghề, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Không ngừng nâng cao vai trò, tính chuyên nghiệp và chất lượng trợ giúp pháp lý, nhất là trong hoạt động tố tụng tư pháp; hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống trợ giúp pháp lý; mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý phù hợp với điều kiện của đất nước.

Như vậy, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương chính là đảm bảo cho việc xây dựng một nền tư pháp liêm chính; một nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh. 

Một số giải pháp xây dựng nền tư pháp liêm chính trong giai đoạn mới

Để xây dựng thành công một nền tư pháp liêm chính, không thể chỉ nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng đã là đủ, mà trong quá trình thực hiện chủ trương đó, rất cần phải có những biện pháp, giải pháp cụ thể; như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi". 

Theo tinh thần đó, xin được nêu một số giải pháp cụ thể: 

  1. Trước hết, cần tạo được  nhận thức thống nhất về các giá trị công lý, công bằng,

dân chủ, để từ đó có cách tiếp cận đúng đắn dựa trên quyền con người, quyền tư pháp, cũng  để thấy rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan,  từ đó đề xuất những cách giải quyết vấn đề  phù hợp. Ở đây, những giá trị công bằng, độc lập, tự do, chân chính phải được thể hiện trong nội dung pháp luật. Trách nhiệm của Nhà nước là tạo ra những khuôn mẫu, chuẩn mực để công dân lựa chọn hành vi của mình sao cho phù hợp với lẽ phải, bảo đảm công bằng, tự do và trật tự xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Pháp luật là của nhân dân và để phục vụ nhân dân. Mọi quyền hạn, công lý đều ở nơi dân”. Cho nên, bảo đảm nguyên tắc thượng tôn pháp luật, tăng cường tính công khai, minh bạch, vô tư, độc lập, bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân… là những đòi hỏi cần phải được  thực thi đầy đủ. 

  1. Nắm vững chủ trương, đường lối và đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong quá

trình  thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nền tư pháp là một giải pháp quan trọng không được phép xem nhẹ. Không những vậy, cần nghiên cứu hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng về công tác tư pháp theo hướng “Đảng lãnh đạo chặt chẽ hoạt động tư pháp và các cơ quan tư pháp về chính trị”... Đồng thời tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức, lối sống, đề cao vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ trong các cơ quan tư pháp.

  1. Tiếp tục thực hiện tốt việc cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII

của Đảng, nhằm  hoàn thiện vị trí pháp lý, chức năng, thẩm quyền của các thiết chế tư pháp đã được xác lập. 

  1. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến tư pháp, bao

gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về hình sự, tạo lập đầy đủ cơ sở pháp lý để phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; Hoàn thiện pháp luật về dân sự, bảo đảm phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nền kinh tế số; Hoàn thiện pháp luật tố tụng tư pháp, bảo đảm tính dân chủ, công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch; Hoàn thiện pháp luật thi hành án, nghiên cứu xây dựng Bộ luật thi hành án; đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành án; Hoàn thiện pháp luật về bổ trợ tư pháp đồng bộ với pháp luật về tố tụng tư pháp…

   5. Tập trung xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh,uy tín, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

 Xây dựng đủ và đảm bảo chất lượng nguồn lực cho các cơ quan tư pháp; thực hiện nghiêm quy tắc đạo đức nghề nghiệp các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp./. 

Những nội dung được trình bày ở trên có thể chưa bao quát đầy đủ được toàn bộ những nội dung liên quan, nhưng đó là những vấn đề cơ bản về xây dựng một nền tư pháp Việt Nam liêm chính, hiện đại, nghiêm minh./.

Nhà báo Đoàn Mạnh Phương

Phó Viện trưởng Thường trực Viện Chính sách Pháp luật và Quản lý 

...