Kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn phục hồi nhanh. Nhiều dự báo cho thấy, nhóm nước phát triển có tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin cao sẽ phục hồi nhanh và mạnh mẽ trong khi các nền kinh tế mới nổi, các nước đang phát triển sẽ chậm lại một nhịp, nhất là các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch và xuất khẩu. Ngay từ bây giờ, Việt Nam cần chủ động xây dựng kịch bản từng bước mở cửa nền kinh tế, chứ không thể chờ hết dịch mới làm.
"Phá băng" thận trọng
Vấn đề mở cửa nền kinh tế chính thức được đưa ra tại Ðề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021, do Bộ Kế hoạch và Ðầu tư soạn thảo trình Chính phủ cuối tháng 6/2021.
TS Nguyễn Ðức Kiên, Tổ trưởng Tư vấn của Thủ tướng cho biết, hiện nay, sẽ không ít người ngần ngại với các kế hoạch mở cửa nền kinh tế, nếu hiểu theo nghĩa đó là sự gỡ bỏ các giới hạn trong phòng, chống dịch Covid-19 đã được dựng lên từ đầu năm 2020.
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho nhân viên sân bay Nội Bài (Hà Nội)
Khái niệm mở cửa phải đặt trong sự vận hành tổng thể của nền kinh tế trong đại dịch, bắt đầu từ những nhiệm vụ trọng tâm Việt Nam đang nỗ lực thực hiện như bảo vệ bằng được hoạt động sản xuất tại khu công nghiệp; bảo đảm thông thương hàng hóa và sự đi lại thuận tiện của người dân giữa các địa phương, tổ chức luồng xanh cho hàng hóa xuất khẩu... đến xây dựng kế hoạch mở lại chuyến bay quốc tế với điều kiện tuân thủ yêu cầu ngặt nghèo về tiêu chuẩn phòng, chống dịch. "Khi các doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai tổ chức cho người lao động làm việc, ăn ở ngay tại nhà máy để vừa chống dịch, vừa duy trì được sản xuất; bố trí người lao động có cùng địa bàn sinh sống làm việc trong một dây chuyền sản xuất để tiện cho truy vết khi phát hiện F1, F0; người lao động ở tâm dịch chấp nhận các điều kiện làm việc, sinh hoạt ngặt nghèo hơn; các chính quyền địa phương tập trung chống dịch nhưng không ngăn sông cấm chợ và các kế hoạch tiếp cận và sản xuất vắc-xin được hậu thuẫn bằng các chính sách hỗ trợ theo chuẩn "thời chiến"…, đó là lúc nền kinh tế đang mở cửa một cách thận trọng, từng bước, có trọng tâm, trọng điểm. Tiếp theo mới là mở cửa cho khu vực kinh tế du lịch, dịch vụ. Tình hình càng phức tạp, khó khăn, các kịch bản cần phải được nghiên cứu đưa ra sớm, để có sự phối hợp trong thực thi", TS Nguyễn Ðức Kiên phân tích.
Nhiều nền kinh tế lớn đã tổ chức tiêm vắc-xin trên diện rộng và mở cửa trở lại bắt đầu từ mùa du lịch hè 2021. Nhờ chuẩn bị từ nhiều tháng trước về khu du lịch dành riêng cho khách quốc tế đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin nên từ ngày 1/7 vừa qua, Thái Lan đã đón 300 du khách từ Israel, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Singapore đến Phuket, và Phuket trở thành địa điểm đầu tiên ở Ðông - Nam Á đón khách du lịch trở lại. Việt Nam đã có chủ trương nghiên cứu cho thí điểm sử dụng hộ chiếu vắc-xin với khách quốc tế đến Phú Quốc. Ðể thực thi, các chuyên gia phòng, chống dịch phải trả lời được câu hỏi có áp dụng hộ chiếu vắc-xin không, du khách đã tiêm phòng, có kết quả xét nghiệm âm tính chỉ được ở trong khuôn viên resort hay được đi ra ngoài cộng đồng…
Theo TS Nguyễn Ðức Kiên, xét về mặt khoa học, số lượng bệnh nhân Covid-19 của Việt Nam trên tổng số dân vẫn ở tỷ lệ thấp, ca bệnh nặng không nhiều và ngành y tế vẫn có điều kiện sử dụng các phương pháp điều trị phức tạp. Thực tế trên cho thấy, chúng ta có thể đẩy mạnh hoạt động kinh tế khi đang đứng trên thành quả của ba lần chống dịch trước.
Không thể chờ hết dịch mới làm
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải cho rằng, Việt Nam có thể mở cửa từng phần hoạt động kinh tế. Cách tổ chức thực hiện là thiết lập các khu vực an toàn với tỷ lệ dân chúng được tiêm trên 70% - tỷ lệ đạt miễn dịch cộng đồng khu vực và cho mở cửa từng bước du lịch quốc tế và nội địa (đối với người dân ngoài khu vực này đã tiêm đủ hai mũi và có xét nghiệm PCR âm tính). Các kết nối ra bên ngoài đều phải tuân thủ quy định phòng, chống dịch. Khách đến khu vực an toàn sẽ hạn chế ra bên ngoài trong ba ngày để xét nghiệm. Nếu âm tính, sẽ được tiếp xúc và sinh hoạt với cộng đồng dân cư địa phương. Ðịa điểm có thể triển khai được là Phú Quốc, Côn Ðảo, Nha Trang, đảo Lý Sơn, Nam Hội An, Cát Bà, Tuần Châu.
Ngày 15/7, Hãng hàng không Vietnam Airlines sẽ vận hành chuyến bay đầu tiên áp dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (IATA Travel Pass) để vận chuyển hành khách là chuyên gia nước ngoài và người Việt Nam từ Nhật Bản đến sân bay quốc tế Ðà Nẵng. Ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, ngay khi có chủ trương thử nghiệm cách ly bảy ngày đối với du khách tiêm đủ liều vắc-xin ở Vân Ðồn, Vietnam Airlines đã chủ động đề xuất tham gia, đồng thời tích cực đàm phán với Tổng cục Du lịch và các công ty lữ hành lớn để sẵn sàng đón khách đến Phú Quốc và Quảng Nam. "Chúng tôi liên tục xây dựng và cập nhật các kịch bản điều hành sát với diễn biến mới của nền kinh tế để có giải pháp phù hợp. Ðây là quá trình thử nghiệm cần thiết để sẵn sàng cho kế hoạch nối lại các chuyến bay quốc tế", ông Trịnh Hồng Quang chia sẻ.
Với kết quả tăng trưởng sáu tháng đầu năm thấp hơn mục tiêu, nếu không có giải pháp mạnh mẽ kiểm soát dịch và thúc đẩy tăng trưởng, mức tăng GDP cả năm 2021 có thể chỉ đạt 5,6%. Ðã có những nhận định cho rằng, Việt Nam chống dịch tốt nhưng lại "thoát" khỏi dịch chậm hơn và mở cửa chậm hơn so với thế giới. "Ngoài việc đẩy nhanh tốc độ tiêm phòng vắc-xin Covid-19, các địa phương không nên áp dụng các biện pháp chống dịch cực đoan làm ảnh hưởng đến sự đi lại của người dân. Chúng ta cũng không thể chậm hơn tốc độ mở cửa của thế giới. Ðiều này đòi hỏi Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm như Thủ tướng đã nói, chứ không thể chờ hết dịch mới làm", TS Nguyễn Ðình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư nói.
Kịch bản mở cửa nền kinh tế cần bao gồm các mốc quan trọng như: thời điểm mở cửa lại hoạt động hàng không, du lịch quốc tế; giảm thời hạn cách ly với người tiêm vắc-xin... tương ứng với tình hình kiểm soát dịch bệnh và tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin trong nước. Việc xây dựng kịch bản sẽ có ý nghĩa lớn, vừa giúp Chính phủ chủ động điều hành, khuyến khích người dân tiêm vắc-xin, vừa giúp doanh nghiệp, người dân có thể chủ động dự báo, chuẩn bị kế hoạch và phương án kinh doanh.
(Bộ Kế hoạch và Ðầu tư)