22/12/2024 lúc 19:56 (GMT+7)
Breaking News

Báo chí với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Chỉ còn hơn một năm nữa, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV sẽ diễn ra. Những định hướng lớn trong tầm nhìn phát triển đất nước đã và đang được định hình trong các văn kiện chuẩn bị trình Đại hội. Đặc biệt, các bài viết và bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm - người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đã chỉ rõ những tư tưởng cơ bản trong con đường đi tới.

Đích đến là đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Khát vọng về một dân tộc hùng cường, xã hội văn minh, nhân dân ấm no, hạnh phúc, hướng tầm nhìn đến 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước đang dần hiện hữu.

Tổng bí thư đã chỉ rõ, để đạt mục tiêu đó, chúng ta phải nỗ lực khắc phục những điểm nghẽn, tinh giản bộ máy, theo hướng thực chất, hiệu lực, hiệu quả; phải đẩy mạnh chống lãng phí bên cạnh chống tham nhũng, tiêu cực, tạo chuyển biến thực sự mạnh mẽ, đồng bộ…

Báo chí, với sứ mệnh xung kích trên mặt trận công tác tư tưởng cũng phải vươn mình trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Hành trang của báo chí cách mạng là bề dày lịch sử, gắn bó với nhân dân, một lòng vì đất nước.

Đảng, Nhà nước luôn coi trọng vai trò của báo chí, quan tâm chỉ đạo, thúc đẩy báo chí làm tốt nhiệm vụ của mình. Nhưng đứng chân trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam, báo chí phải sáng tạo, xông pha, đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng niềm tin của công chúng. Nỗ lực tự thân ấy không ai thay được người làm báo khi đứng trước dòng chảy thông tin mỗi ngày. Viết cho ai, viết cái gì, viết để làm gì là câu hỏi thôi thúc mỗi nhà báo khi cuộc sống đang vận động rất nhanh, nhu cầu thông tin của công chúng ngày càng cao, sự cạnh tranh thông tin ngày càng quyết liệt.

Sức mạnh của báo chí là nói lên sự thật. Nhận diện đúng bản chất vấn đề là tài năng của nhà báo. Thể hiện sự thật ấy một cách thuyết phục nhất, kịp thời nhất là nhiệm vụ thôi thúc báo chí thực hiện. Nghề báo luôn cần những nhà báo bản lĩnh vững vàng, trách nhiệm chính trị rõ ràng, một lòng vì lợi ích của đất nước, của dân tộc. Nhưng tài năng cá nhân nhà báo có một vai trò rất lớn. Người làm báo có tầm nhìn, có bản sắc riêng, có cái duyên cuốn hút, thu phục niềm tin công chúng luôn là tài sản lớn của cơ quan. Phải lao tâm, khổ tứ, phải nắm chắc vấn đề, đào sâu suy nghĩ, trăn trở trên mỗi thông điệp, cẩn trọng với từng chi tiết.

Nhà báo Hữu Thọ từng chỉ ra, nghề báo 1% là năng khiếu, còn 99% là nỗ lực cá nhân, nhưng nếu không có 1% ấy thì cũng không thể thành nghề. Coi trọng năng khiếu, tố chất làm báo, đề cao sự luyện rèn, nghề báo chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng cũng chưa bao giờ thôi cuốn hút. Bài toán kinh tế báo chí đang là thách thức lớn. Các nền tảng mạng xã hội đã lấy đi trên 50% doanh thu của báo chí truyền thống. Phát hành báo in sụt giảm mạnh, lượng quảng cáo trên phát thanh, truyền hình và kể cả báo điện tử cũng không còn như trước. Nguồn thu hụt hẫng khiến việc đầu tư phát triển khó hơn nhiều, trong khi yêu cầu đổi mới công nghệ đặt ra cấp thiết.

Hơn lúc nào hết, báo chí phải tự vươn lên, tự làm mới mình, theo kịp dòng chảy của cuộc sống và thời đại. Không thể để nhịp thời gian trễ nải, đừng mong công chúng phải chờ những dòng tin muộn màng hay những bài viết đơn điệu như báo cáo. Phải có những sản phẩm độc đáo, những thông tin nhanh, kịp thời đi vào trái tim công chúng.

Người làm báo hạnh phúc vì luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, công chúng động viên, ghi nhận. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết hàng nghìn bài báo, từng trực tiếp làm chủ bút báo Người cùng khổ bằng tiếng Pháp, báo Thanh Niên xuất bản ở Quảng Tây (Trung Quốc) để tuyên truyền cách mạng. Trong muôn vàn bận rộn của người đứng đầu Đảng, đứng đầu đất nước, Bác vẫn giữ chuyên mục "Nói mà nghe" trên báo Nhân dân. Khi vị lãnh tụ của dân tộc trực tiếp cầm bút viết báo, đối thoại với độc giả trên báo Đảng, nhịp chảy cuộc sống dường như đã thêm gắn chặt hơn giữa Đảng với dân, chung lo sự nghiệp chung.

Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh với chuyên mục "Những việc cần làm ngay" đã định danh một phong cách lãnh đạo "Nói và làm" như cách ông giải thích về bút danh N.V.L nổi tiếng thời đầu đổi mới. Bao nhiêu trăn trở, băn khoăn, bao nhiêu vướng mắc cần tháo gỡ, bao nhiêu rào cản phải dỡ bỏ. Người đứng đầu Đảng ta giãi bày trên những bài báo ngắn gọn ở trang nhất báo Nhân Dân. Thông điệp ấy đã được sự cộng hưởng của giới báo chí bằng các bài viết "Hưởng ứng những việc cần làm ngay". Những thay đổi mạnh mẽ, dứt khoát của công cuộc đổi mới có vai trò không thể thay thế của báo chí thời kỳ đổi mới.

Báo chí trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc càng phải sống trong hơi thở của dân tộc, gắn với từng suy nghĩ, trăn trở của người dân. Văn hóa Việt Nam là nguồn lực lớn lao, là tài sản vô giá phải giữ gìn. Công nghệ đổi mới, hiện đại nhưng tố chất Việt Nam, bản sắc Việt Nam phải thấm đậm trên mỗi bài viết, mỗi trang báo, mỗi sản phẩm báo chí hàng ngày, hàng giờ xuất bản.

Báo chí trong kỷ nguyên mới phải có tầm nhìn mới. Thế giới đang biến chuyển khó lường. Kim chỉ nam là cái gì có lợi cho đất nước thì dứt khoát làm, cái gì có hại cho đất nước thì dứt khoát tránh. Cân nhắc kỹ lợi hại, mài sắc tư duy và thúc đẩy thêm những kênh chuyển tải phù hợp, báo chí chỉ có sức sống khi thuyết phục được công chúng. Kiên quyết chống thông tin xấu, độc, chặn đứng các luận điệu thù địch, khích lệ tinh thần đổi mới. Báo chí kỷ nguyên mới phải là dòng chảy chủ lưu, xây đắp thêm niềm tin và sức sống vươn lên.

Đổi mới là việc không dễ dàng. Cơ quan báo nặng về biên chế, nặng về hành chính khó xoay xở trong dòng chảy thông tin đã đành, ngay việc chuyển dịch, ý chí vươn lên trong nội bộ cũng sẽ có khó khăn. Chọn người đứng mũi chịu sào cho đúng việc, đúng tầm. Tháo gỡ cơ chế cho báo chí phát triển, khơi thông cơ chế đặt hàng, đơn giá hợp lý, định mức rõ ràng để thực hiện hiệu quả. Đặc biệt, cần sự quan tâm, tạo điều kiện của các cơ quan chỉ đạo, quản lý trong cung cấp, định hướng thông tin để báo chí phát huy được vai trò chủ lực, xung kích trên mặt trận tư tưởng như Đảng đã đặt ra.

Báo chí trong kỷ nguyên mới phải hội nhập mạnh mẽ. Trong thế giới phẳng hiện nay, sức mạnh truyền thông nhiều khi không nằm ở chỗ lắm của nhiều tiền mà ở ý tưởng và sức sáng tạo. Nắm chắc công nghệ, đầu tư hợp lý, chắc chắn, đào tạo và trọng dụng người giỏi, báo chí sẽ đủ sức vươn mình cùng sự vươn mình của dân tộc. Hơn thế, báo chí phải tiên phong, đi trước, chủ động xung trận như giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng luôn thể hiện.

Những thay đổi lớn đang diễn ra trên bình diện toàn cầu. Đất nước đứng trước cơ hội lịch sử để bứt phá, vươn mình. Chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đổi mới hệ thống chính trị theo hướng thực chất, tinh giản, hiệu lực, hiệu quả. Gỡ bỏ ba điểm nghẽn, tạo ba đột phá về thể chế, hạ tầng và nhân lực… Nhiệm vụ đặt ra cấp thiết và đều là việc khó, nhưng muốn phát triển thì không thể không làm.

Tầm nhìn và những thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm đang truyền cảm hứng phát triển mạnh mẽ đến mọi cấp, mọi ngành, từng đảng viên, cử tri và người dân cả nước.

Báo chí cần xung trận, sáng tạo, định hướng dư luận, làm tốt công tác tư tưởng, tạo môi trường thuận lợi cho đất nước vươn mình. Bản thân mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo cũng phải vươn lên, nỗ lực cao hơn, phấn đấu nhiều hơn, hoàn thiện phẩm chất, năng lực nghề nghiệp để đóng góp tốt hơn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Làm được điều đó, báo chí mới xứng đáng với truyền thống báo chí cách mạng, mới giữ vững giá trị cốt lõi và thực sự là xung kích trên con đường phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới đang mở ra trước mắt!

PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa

Tác giả: Ông Đỗ Chí Nghĩa là PGS.TS chuyên ngành báo chí; từng có nhiều năm công tác tại Học viện Báo chí Tuyên truyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Bên cạnh nghề giáo, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa cũng từng giữ chức Tổng biên tập Thời báo Doanh nhân, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân. Hiện PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa là đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục.