VNHN - Diễn đàn về đô thị thông minh ASEAN vừa diễn ra ở Hà Nội đã thu hút sự tham dự của các đại biểu quốc tế tại 35 điểm cầu trên thế giới.
Ngày 22/10, tại Diễn đàn Cấp cao về Đô thị thông minh ASEAN 2020 (ASEAN Smart Cities Summit & Expo 2020) với chủ đề “Đô thị thông minh - hướng tới Cộng đồng, Bản sắc và Phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” đã được tổ chức.
Diễn đàn Cấp cao về Đô thị thông minh ASEAN 2020 - Ảnh: TTXVN
Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn gắn với các hoạt động chính thức của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam với sự tham gia trực tiếp của nhiều lãnh đạo cấp cao trong nước, trong khu vực ASEAN và đại diện lãnh đạo quốc tế, gần 2.000 đại biểu lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, các đối tác là cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài. Diễn đàn còn có sự tham dự của khoảng trên 60 đại biểu quốc tế dự trực tiếp và gần 50 đại biểu quốc tế tham gia trực tuyến tại 35 điểm cầu trên thế giới.
Diễn đàn nhận được nhiều ý kiến của các tổ chức, chuyên gia khu vực và quốc tế góp ý về xây dựng các đô thị thông minh của ASEAN cũng như Việt Nam.
Tham gia phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn cấp cao, ông Lim Jock Hoi, Tổng Thư ký ASEAN đã khuyến nghị: Cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để ASEAN có một nền tảng công nghệ mạnh mẽ cho các thành phố thông minh; thông qua công tác quản lý, hài hòa các quy định và thúc đẩy trao đổi dữ liệu trong nền kinh tế kỹ thuật số giữa các quốc gia thành viên ASEAN để giải quyết các thách thức đô thị và tạo ra các nguồn tăng trưởng mới.
Ông Lim Jock Hoi cho rằng, cần tăng cường chia sẻ các giải pháp thực tiễn hiệu quả để giúp giảm khoảng cách trong việc tiếp cận thông tin y tế và dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người nghèo thành thị, đầu tư vào đào tạo lại kỹ năng, nâng cao kỹ năng và học hỏi các kỹ năng mới cho lao động phi chính thức và những người làm việc trong các lĩnh vực có khả năng mất việc. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị cần hợp tác chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, khu vực công và tư nhân, thực hiện các phương pháp tiếp cận lấy người dân làm trung tâm, tăng cường quan hệ đối tác thành phố thông minh trong và ngoài khu vực.
Cũng tại Phiên báo cáo chính, ông Vivian Balarkrishnan, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Singapore đã có đã có bài phát biểu trực tuyến về “Phát triển quốc gia thông minh của chúng tôi: Kinh nghiệm của Singapore”.
Theo ông Vivian Balarkrishnan, tầm nhìn quốc gia thông minh của Singapore là xây dựng một nền tảng kỹ thuật số mạnh mẽ, qua đó cho phép sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề trong thế giới thực, tạo ra các hệ thống hiệu quả cho các doanh nghiệp và mang lại lợi ích cụ thể cho người dân theo cách thức toàn diện và lấy công dân làm trung tâm. Ông nhấn mạnh ba nguyên tắc quan trọng trong phát triển thành phố thông minh, đó là: Cơ sở hạ tầng, tính toàn diện và khả năng tương tác. Với việc đại dịch COVID-19 làm thay đổi mạnh mẽ cách chúng ta sống và làm việc, ông đã sẽ chia sẻ kinh nghiệm của Singapore trong việc áp dụng các công cụ và giải pháp kỹ thuật số để hỗ trợ cuộc chiến chống lại đại dịch và giúp người dân nước này thích nghi với cuộc sống theo cách bình thường mới.
Phát biểu trực tuyến, bà Keren Dunn Kelley, Thứ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã có bài trình bày về “Chương trình hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trong phát triển đô thị thông minh”. Bà khẳng định lại cam kết của Chính phủ Hoa Kỳ và khu vực tư nhân với các quốc gia châu Á để tiếp tục hợp tác cùng nhau trong các hoạt động hướng tới các thành phố thông minh, bền vững và phát triển.
Bà đề nghị các bên tăng cường nỗ lực để cùng nhau thông qua Quan hệ đối tác thành phố thông minh Hoa Kỳ - ASEAN, đặc biệt tại Việt Nam trong thời gian tới, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ tổ chức ba sự kiện đối thoại giữa Hoa Kỳ - Đà Nẵng về Hệ thống giao thông thông minh, Hoa Kỳ - Quảng Nam về Chính phủ điện tử và Hoa Kỳ - Thành phố Hồ Chí Minh về Trung tâm điều hành thông minh và Hệ thống liên lạc khẩn cấp tích hợp. Trên cơ sở đánh giá về tác động của các sự kiện năm 2020 đến tăng trưởng kinh tế và các sáng kiến quy hoạch thành phố thông minh, mức độ liên quan và tầm quan trọng ngày càng tăng của quan hệ đối tác, bà Keren thông báo rằng Hoa Kỳ cam kết hợp tác lâu dài với các quốc gia thành viên ASEAN không chỉ về thành phố thông minh và rộng hơn nữa là công nhận vai trò trung tâm của ASEAN đối với Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, về mặt kinh tế sẽ gắn kết với những ưu tiên về cơ sở hạ tầng, năng lượng và hợp tác kỹ thuật số.
Bà cho rằng, Hoa Kỳ có đội ngũ nhân viên đáng tin cậy ở tất cả mười quốc gia thành viên ASEAN và mong muốn tiếp tục trao đổi ý kiến về cách hỗ trợ tốt nhất cho các chiến lược thành phố thông minh của ASEAN, đồng thời sẽ tiếp tục nỗ lực để kết nối ASEAN với các bên liên quan của Hoa Kỳ.
Đưa ra các giải pháp để phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, ông Koh Siong Lim, Giám đốc phụ trách Giải pháp dành cho khối Chính phủ, HPE khu vực châu Á- Thái Bình Dương cho biết, ở địa phương, do có nguồn lực hạn chế, nên các giải pháp công nghệ cần được ưu tiên chọn lựa, tập trung giải quyết một vấn đề dữ liệu nhất định của giải pháp đó trong giao thông hoặc thủ tục hành chính, nhưng phải ảnh hưởng lớn tới quá trình chuyển đổi số của địa phương đó. Ngoài ra, cần định vị trước các giá trị, lợi ích có được trước khi tập trung phát triển nền tảng số, sau đó dần mở rộng thành hệ sinh thái chuyển đổi số.
Các hạ tầng thông minh được triển khai bao gồm chính quyền số, y tế số, giao thông thông minh và bảo mật. Với tốc độ đô thị hóa hiện nay, dự báo đến 2050 sẽ có hơn 70% dân số trên toàn thế giới sống trong các đô thị. Xu hướng chuyển đổi số đô thị, xây dựng thành phố thông minh trở thành một điều tất yếu.
Ông Alfonso Vegara, người sáng lập Fundacion Metropoli cho rằng: Cơ sở hạ tầng của thành phố thông minh cần phải được kết nối số. Việt Nam thu hút khá nhiều đầu tư nước ngoài và đây là thời gian để thúc đẩy hàm lượng sáng tạo của Việt Nam để phát triển các khu công nghiệp thông minh, đô thị thông minh.
Theo các diễn giả, Việt Nam đã có sẵn nền tảng công nghệ được đánh giá là vào hàng đầu, do vậy, việc xây dựng và triển khai các chương trình chuyển đổi số đô thị và thành phố thông minh dựa trên 4 khía cạnh chính: Hoạch định chiến lược, xây dựng cấu trúc thể chế, chính sách và quan trọng nhất là phát triển nền tảng công nghệ.