16/01/2025 lúc 11:57 (GMT+7)
Breaking News

Xây dựng cơ sở dữ liệu, lập bản đồ tìm kiếm, quy tập

Tập trung hoàn thành công tác rà soát, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ và tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; triển khai kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm, quy tập (TKQT) hài cốt liệt sĩ (HCLS) trên phạm vi toàn quốc, được xem là bước đi có tính đột phá nhằm hướng tới mục tiêu kết luận rõ địa bàn, khu vực, tạo cơ sở khoa học, đẩy nhanh tiến độ TKQT HCLS.

Tập trung hoàn thành công tác rà soát, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ và tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; triển khai kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm, quy tập (TKQT) hài cốt liệt sĩ (HCLS) trên phạm vi toàn quốc, được xem là bước đi có tính đột phá nhằm hướng tới mục tiêu kết luận rõ địa bàn, khu vực, tạo cơ sở khoa học, đẩy nhanh tiến độ TKQT HCLS.

Phát phiếu thu thập thông tin đến từng hộ dân

Triển khai thực hiện công tác thu thập thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, Ban Chỉ đạo (BCĐ) 515 tỉnh Nghệ An chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, tổ chức họp thôn, xóm, khối phố lấy ý kiến cán bộ, nhân dân về thông tin liệt sĩ, mộ liệt sĩ; phát phiếu cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ đến từng hộ gia đình. Từ cách làm đó, toàn tỉnh Nghệ An đã thu được 1.615 phiếu có thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; trong đó có 1.527 phiếu có thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ đã được quản lý và 88 thông tin phần mộ liệt sĩ chưa được quy tập.

Ban chỉ đạo 515 Quân khu 4 kiểm tra việc thực hiện lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: LÊ SÁU

Đồng chí Nguyễn Văn Đức, Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường Hưng Dũng (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) cho biết: “Trong quá trình rà soát hồ sơ liệt sĩ, phường nhận được 16 phiếu có thông tin về mộ liệt sĩ, trong đó phiếu của ông Nguyễn Sỹ Giáp, khối Xuân Tiến, phường Hưng Dũng cung cấp thông tin ở khu vực nghĩa trang phường có những ngôi mộ chưa xác định được là liệt sĩ hay không. Qua kiểm tra thực địa, chúng tôi phát hiện 8 ngôi mộ, trong đó có 6 ngôi trùng khớp thông tin. Trước mắt đã tiến hành phát quang cây cối, cử người thắp hương và sẽ tổ chức xác minh, kết luận và cất bốc, an táng trong thời gian tới”.

Tại huyện Lộc Ninh (Bình Phước), cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai cho 100% xã, thị trấn phát phiếu cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ đến từng hộ gia đình; cử cán bộ đến gặp gỡ, tranh thủ ý kiến của cán bộ lão thành cách mạng, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, người cao tuổi, dân quân du kích trước đây từng chôn cất liệt sĩ để xác định, đối chiếu vị trí, khu vực an táng ban đầu, làm cơ sở cho việc kết luận địa bàn, lập bản đồ TKQT HCLS. Ông Hồ Quang Khánh, Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh cho biết: “Căn cứ vào danh sách liệt sĩ do Bộ CHQS tỉnh cung cấp, chúng tôi tổ chức đối chiếu, kiểm tra toàn bộ thông tin liên quan, phối hợp giữa nhân chứng và phát hiện của nhân dân để bổ sung thông tin cần thiết. Ngoài việc chỉ đạo phát phiếu cho từng hộ dân, chúng tôi còn tổ chức gặp gỡ những người sinh sống lâu năm trên địa bàn nhằm xác định phiên hiệu đơn vị, danh tính liệt sĩ... để thu thập thông tin liên quan, phục vụ công tác TKQT HCLS”.

Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của BCĐ quốc gia 515 và các cơ quan chức năng để thu thập thông tin, rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ; kết luận địa bàn, lập bản đồ TKQT HCLS với nhiều biện pháp thiết thực như: Tổ chức hội thảo; khảo cứu lịch sử, truyền thống; khai thác, sử dụng kết quả giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh; dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ của ngành lao động, thương binh và xã hội; cử cán bộ đi xác minh, đối chiếu từng danh sách, hồ sơ liệt sĩ; thành lập các tổ công tác nhập dữ liệu, đối chiếu, chuẩn hóa thông tin về liệt sĩ... Đến nay, nhiều đơn vị, địa phương đã cơ bản hoàn thành việc nhập dữ liệu; phân tách, chuyển giao danh sách liệt sĩ về các địa phương theo quê quán, địa bàn nơi hy sinh, nơi an táng ban đầu để phục vụ công tác xác minh, kết luận địa bàn, lập bản đồ và tổ chức TKQT HCLS, cung cấp thông tin cho thân nhân, gia đình liệt sĩ.

Kết luận rõ địa bàn, khoanh vùng tìm kiếm, quy tập

BCĐ quốc gia 515 ban hành hướng dẫn lập bản đồ TKQT HCLS; tổ chức tập huấn triển khai thực hiện đến cấp xã, phường. Đến nay, các địa phương trên toàn quốc cơ bản hoàn thành công tác kết luận địa bàn; một số địa phương lập được bản đồ TKQT HCLS ở 3 cấp (xã, huyện, tỉnh). Từ kết quả công tác rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ, kết luận địa bàn, lập bản đồ TKQT HCLS, nhiều địa phương, đơn vị tổ chức TKQT HCLS đạt hiệu quả.

Thực hiện lập bản đồ TKQT HCLS, theo Đại tá Nguyễn Ngọc Quang, Trưởng phòng Công tác mộ liệt sĩ, Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị), BCĐ quốc gia 515 lựa chọn hai tỉnh Hải Dương và Quảng Bình làm thí điểm. Dựa vào cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn, Bộ CHQS hai tỉnh Hải Dương và Quảng Bình phân tách, cung cấp danh sách liệt sĩ theo thông tin nơi hy sinh, an táng ban đầu về ban CHQS các huyện. Từ đó, ban CHQS các huyện phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện rà soát, đối chiếu, bóc tách danh sách liệt sĩ an táng ban đầu trên địa bàn gửi về các xã, thôn. Cùng với việc tiếp nhận danh sách liệt sĩ do ban CHQS huyện cung cấp, ban CHQS các xã chủ động phối hợp với cán bộ chính sách rà soát, đối chiếu thông tin liệt sĩ; tham mưu cho UBND xã chỉ đạo các thôn lồng ghép vào buổi sinh hoạt của các tổ chức chính trị-xã hội ở thôn, xóm để phát động phong trào, động viên nhân dân cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Đây là lần đầu tiên các phiếu thu thập thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ được phát đến từng hộ gia đình.

Từ kinh nghiệm của hai tỉnh Hải Dương và Quảng Bình, công tác kết luận địa bàn, lập bản đồ TKQT HCLS được tiến hành trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, quá trình kết luận rõ địa bàn, làm cơ sở lập bản đồ TKQT HCLS gặp không ít khó khăn, Đại tá Nguyễn Bá Duẩn, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị cho biết: “Địa bàn tỉnh Quảng Trị có nhiều lực lượng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, chịu nhiều hy sinh, mất mát do hậu quả chiến tranh để lại; việc đăng ký, quản lý, lưu trữ hồ sơ về liệt sĩ, mộ liệt sĩ chưa đầy đủ. Sau chiến tranh, nhiều đơn vị đã giải thể, sáp nhập, chia tách, việc bàn giao hồ sơ, danh sách liệt sĩ, sơ đồ mộ chí lưu trữ giữa các đơn vị, địa phương còn nhiều hạn chế. Việc đó dẫn đến một số địa phương chưa xác định chính xác được số lượng HCLS an táng trên địa bàn, gây khó khăn cho quá trình kết luận địa bàn, lập bản đồ TKQT HCLS. Song với quyết tâm chính trị cao, bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thu thập thông tin, xác minh thông tin, đối chiếu thực địa, xác định tọa độ các phần mộ liệt sĩ, các khu vực liên quan đến nơi hy sinh, chôn cất ban đầu của liệt sĩ. Tổ chức vẽ sơ đồ mộ chí, làm cơ sở để vẽ bản đồ TKQT HCLS. Đến nay 125/125 xã, phường, thị trấn; 9/9 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Quảng Trị vẽ xong bản đồ TKQT HCLS”.

Đối với tỉnh Tây Ninh, tổng số liệt sĩ thuộc đơn vị, địa phương quản lý là hơn 5.000 liệt sĩ. Toàn tỉnh hiện còn gần 2.000 HCLS ở Campuchia và hơn 5.300 HCLS trong tỉnh cần được xác minh, kết luận TKQT. BCĐ 515 tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; chủ động kết luận địa bàn và hoàn thành xong lập bản đồ TKQT HCLS ở 3 cấp (xã, huyện, tỉnh) làm cơ sở quan trọng để tiếp tục khảo sát, xác minh và tổ chức lực lượng TKQT HCLS trong thời gian tới.

Theo báo cáo từ Văn phòng BCĐ quốc gia 515, đến nay, 100% cấp thôn, xã, huyện, tỉnh, thành phố trong cả nước đã tiến hành xong kết luận địa bàn. Đối với vẽ bản đồ TKQT HCLS, cấp xã đạt 100%, cấp huyện đạt 94,03% và cấp tỉnh đạt 93,65%. “Hiệu quả việc kết luận địa bàn, lập bản đồ TKQT HCLS mang lại là kết luận rõ địa bàn từ cấp thôn trở lên trong cả nước. Trên cơ sở đó, xác định địa bàn nào còn thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ để tập trung nguồn lực, kết nối các dữ liệu phục vụ công tác tìm kiếm quy tập HCLS”, Thiếu tướng Trần Quốc Dũng, Ủy viên BCĐ quốc gia, Chánh văn phòng BCĐ quốc gia 515, Cục trưởng Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị) nhấn mạnh.

Hiện Bộ Quốc phòng đã chuyển giao hơn 800.000 bản ghi về liệt sĩ; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chuyển giao gần 1,2 triệu bản ghi về liệt sĩ, hơn 300.000 bản ghi về mộ liệt sĩ cho Bộ Thông tin và Truyền thông để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ.