22/12/2024 lúc 20:36 (GMT+7)
Breaking News

Xây dựng Chính phủ số, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia

Việt Nam lần đầu phát động chương trình chuyển đổi số quốc gia vào năm 2022, nhưng đã gặt hái được rất nhiều thành công trên lĩnh vực công nghệ số. Để đạt được kết quả đó, một phần rất lớn nằm ở chiến lược chuyển đổi số đúng đắn của Chính phủ với 3 trụ cột chuyển đổi số chính: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số.

Sứ mệnh dẫn dắt của Chính phủ số

Chính phủ số là một cấu thành quan trọng của chiến lược Chuyển đổi số quốc gia, bên cạnh kinh tế số và xã hội số, tuy nhiên Chính phủ số có sứ mệnh dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, do vậy phải đi trước, đi đầu, tạo ra không gian phát triển cho kinh tế số, xã hội số.

 

Nói đến Chính phủ số cũng đã bao hàm khái niệm chính phủ điện tử. Có thể coi chính phủ điện tử là nền tảng để xây dựng chính phủ số, tuy nhiên chúng không mang tính tuần tự mà có thể thực hiện song song. Chính phủ điện tử tin học hóa quy trình đã có, cung cấp trực tuyến các dịch vụ hành chính công đã có. Trong khi chính phủ số đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ, cho phép doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ dựa trên năng lực khai thác và phân tích dữ liệu, lấy dữ liệu là trung tâm.

Việt Nam đã qua giai đoạn tin học hóa và số hóa, là giai đoạn ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa các cơ sở dữ liệu, quy trình làm việc - với đối tượng phục vụ là chính các cơ quan nhà nước. Năm 2023 được coi là giai đoạn chuyển đổi số: đưa tất cả hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường internet với đối tượng phục vụ và thụ hưởng là người dân.
Theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội, mục tiêu cơ bản đến năm 2025, Việt Nam phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động. 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử - bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm - được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc. Năm 2025 sẽ thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI), đến năm 2030 thuộc nhóm 50 quốc gia dẫn đầu về EGDI.

Liên thông dữ liệu trên toàn quốc

Thời gian qua, Đề án “phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử” được triển khai đồng bộ, quyết liệt trên cả nước đã tạo cơ sở nền tảng phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Đề án xác định các mục tiêu cụ thể đến năm 2025: tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính về cư trú, hộ tịch, xuất nhập cảnh, cấp căn cước công dân. 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được định danh và xác thực điện tử thông suốt, hợp nhất trên tất cả hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính của cá nhân được lưu trữ điện tử với số định danh cá nhân là một thông tin bắt buộc phục vụ cho kết nối, chia sẻ, tái sử dụng...

Cổng Dịch vụ công quốc gia trở thành đầu mối kết nối với các Cổng dịch vụ công, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương. Thông tin được đồng bộ, góp phần công khai, minh bạch các thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng của từng đối tượng. Từ 8 nhóm dịch vụ công được cung cấp ở thời điểm đi vào hoạt động chính thức (ngày 9/12/2019), đến cuối năm 2023, cổng Dịch vụ công quốc gia đã công khai, đồng bộ thông tin trên 6.400 thủ tục hành chính với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính từ cấp bộ đến cấp tỉnh; tích hợp, cung cấp trên 4.500 dịch vụ công trực tuyến phục vụ xác thực, định danh và đăng nhập một lần của gần 10 triệu tài khoản.

Mạng lưới kết nối thông tin giữa các cơ quan, đơn vị ngày càng mở rộng, hình thành cơ sở dữ liệu chung trong nhiều lĩnh vực quản lý, giúp chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, minh bạch hơn, hạn chế tham nhũng, kiến tạo sự phát triển cho xã hội. Đơn cử như hoạt động thanh tra, kiểm tra, thay vì tiến hành kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp theo cách truyền thống, cơ quan chức năng thực hiện thanh tra trực tuyến thông qua các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu được kết nối, vừa công khai minh bạch, vừa tiết kiệm được thời gian, công sức. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan nhà nước thực hiện từ xa trên môi trường số, phấn đầu đến năm 2030, tỷ lệ này là 70%.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, nổi bật là hệ thống một cửa hiện đại cấp huyện, xã, mô hình Trung tâm hành chính công; hệ thống xác thực hồ sơ điện tử của công dân, cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện các giao dịch hành chính. Ở cấp tỉnh, thành phố, giải pháp ứng dụng công nghệ để xây dựng chính quyền điện tử tại nhiều địa phương trong thời gian qua là xây dựng và đưa vào vận hành các Trung tâm điều hành thông minh (IOC). IOC là một hệ thống công nghệ thông tin bao gồm cơ sở hạ tầng, phần cứng, phần mềm có chức năng thu thập cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan đơn vị và xử lý, phân tích cho kết quả đầu ra đáp ứng yêu cầu chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền và các cơ quan, đơn vị. Đây được coi là hệ thống nền tảng cốt lõi quan trọng, kiểu mẫu, góp phần nâng cao công tác chỉ đạo, điều hành của các tỉnh, giúp lãnh đạo tỉnh có cái nhìn tổng quan, toàn diện về mọi mặt hoạt động kinh tế-xã hội theo thời gian thực. Từ đó, đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển bền vững.

... Theo TTXVN