13/01/2025 lúc 02:31 (GMT+7)
Breaking News

WB: Dịch Covid-19 tác động lớn nhưng sẽ không kéo dài

VNHN - Trong ngắn hạn, dịch Covid-19 có thể tạo ra tác động lớn cho nền kinh tế toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng; nhưng nhiều khả năng tác động sẽ không kéo dài nếu dịch bệnh được kiềm chế nhanh chóng. Đây là nhận định được các chuyên gia của WB tại Việt Nam đưa ra tại buổi họp báo trực tuyến cập nhật triển vọng kinh tế Việt Nam chiều ngày 31/3/2020.

VNHN - Trong ngắn hạn, dịch Covid-19 có thể tạo ra tác động lớn cho nền kinh tế toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng; nhưng nhiều khả năng tác động sẽ không kéo dài nếu dịch bệnh được kiềm chế nhanh chóng. Đây là nhận định được các chuyên gia của WB tại Việt Nam đưa ra tại buổi họp báo trực tuyến cập nhật triển vọng kinh tế Việt Nam chiều ngày 31/3/2020.

Ảnh minh họa - TL 

Khó khăn ngắn hạn rất lớn

Mặc dù viễn cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn thuận lợi trong trung hạn, nhưng tăng trưởng GDP năm 2020 sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 đang bùng phát trên toàn cầu. Theo ông Jacques Morisset - Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam, các ngành dịch vụ (đặc biệt là du lịch, vận tải hàng không), nông nghiệp và lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam đều chịu ảnh hưởng lớn, trong khi ngành chế biến chế tạo cũng chịu tác động tiêu cực do các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, dòng FDI vào Việt Nam giảm đi. Áp lực lạm phát dự báo sẽ tăng lên tạm thời, phản ánh bất định về giá lương thực, thực phẩm và nhiên liệu, cũng như khả năng bị gián đoạn thương mại.

Thu nhập của nhiều hộ gia đình, kể cả ở các vùng nông thôn có thể tạm thời suy giảm, làm tăng tỷ lệ nghèo trong nửa đầu năm 2020. Bội chi ngân sách được dự báo sẽ tăng lên trong năm nay do thu ngân sách thấp hơn trong khi nhiều giải pháp tài khóa phải triển khai nhằm phần nào bù đắp tác động tiêu cực của đại dịch toàn cầu với nền kinh tế Việt Nam. “Chúng tôi dự báo các xu hướng khó khăn vì dịch Covid-19 này sẽ tiếp tục trong khoảng 2 tháng tới”, ông Jacques Morisset nói.

Tăng trưởng được dự báo sẽ giảm mạnh trong khu vực

Thực tế tác động của dịch Covid-19 đến tăng trưởng kinh tế đã được thể hiện phần nào ở tăng trưởng quý I vừa qua, khi chỉ tăng ở mức 3,82%, thấp nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên theo vị chuyên gia này, đây vẫn là mức rất tốt so với nhiều nền kinh tế Đông Nam Á cũng như các quốc gia khác trên thế giới, nhờ khả năng chống chịu tốt của một số lĩnh vực, như chế biến chế tạo không bị sụt giảm tăng trưởng quá mạnh, khu vực tài chính tiền tệ khá ổn định và đầu tư công đã bắt đầu tăng tích cực trở lại.

“Theo kịch bản cơ sở của chúng tôi, tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi mạnh trở lại từ quý III và cả năm nay Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 4,9%”. Dù giảm khá mạnh so với dự báo trước đây (giảm 1,6%) nhưng vẫn là mức tăng trưởng khả quan trong bối cảnh WB đã hạ dự báo tăng trưởng chung của các quốc gia đang phát triển Đông Á và Thái Bình Dương (theo kịch bản cơ sở) chỉ còn 2,1% (giảm 3,7% so với dự báo 5,8% đưa ra trước đó).

Trong trung hạn, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo sẽ hồi phục mạnh mẽ, đạt mức 7,5% năm 2021 và quanh mức khoảng 6,5% từ năm 2022 nhờ sức cầu bên ngoài được cải thiện, ngành dịch vụ được củng cố và sản xuất nông nghiệp dần được khôi phục. “Nền kinh tế sẽ lại bật lên sau đại dịch Covid-19. Tỷ lệ nghèo sẽ tiếp tục giảm hơn nữa, do các điều kiện thị trường lao động dự kiến tiếp tục thuận lợi. Nỗ lực củng cố tình hình tài khóa dự kiến sẽ tiếp diễn từ năm 2021 trở đi, qua đó tiếp tục làm giảm tỷ lệ nợ công trên GDP”, ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nhận định.

Và những vấn đề cần tập trung

Các chuyên gia WB cũng đánh giá cao về các giải pháp mà Chính phủ Việt Nam đưa ra trong thời gian qua để đối phó với đại dịch Covid-19. “Các phản ứng chính sách của Chính phủ Việt Nam trong đối phó với dịch bệnh này là rất phù hợp. Đây không chỉ là nhận định của chúng tôi mà rất nhiều nhà quan sát của các tổ chức toàn cầu đã đưa ra quan điểm như vậy”. Theo đó, Việt Nam đã có những phản ứng rất tốt, hành động quyết liệt và sớm để bảo vệ sức khỏe người dân cũng như bảo vệ nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. Các hành động để bảo vệ DN trong khu vực kinh tế chính thức, ví dụ như các biện pháp hoãn, giãn nợ, giảm, giãn thuế…

Tuy nhiên theo ông Jacques Morisset, một trong những giải pháp cần tập trung thêm là hỗ trợ cho người nghèo, những đối tượng làm việc ở khu vực phi chính thức đang bị ảnh hưởng bởi dịch thông qua các hình thức giảm chi trả các dịch vụ công ích, hóa đơn tiền điện, nước, điện thoại… “Bên cạnh việc hỗ trợ cho các đối tượng, khu vực bị ảnh hưởng, Chính phủ cũng cần có biện pháp để tái khởi động nền kinh tế, tận dụng thúc đẩy kinh tế số và tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế”, Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam đề xuất.

Đồng tình với quan điểm này, ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng: “Hỗ trợ y tế và đảm bảo sức khoẻ cho người dân rõ ràng là điều quan trọng nhất hiện nay. Nhưng sau khi sức khoẻ ổn định thì Chính phủ làm sao phải có biện pháp để kích thích nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế có khả năng chống chịu để kinh tế Việt Nam có thể phục hồi nhanh chóng khi dịch bệnh qua đi”, ông nói.

Giám đốc WB tại Việt Nam cũng cho rằng, dịch bệnh này cũng tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục cải cách. “Đẩy mạnh việc hiện đại hoá, đơn giản hóa các thủ tục hành chính hơn nữa, đặc biệt là trong triển khai các dự án đầu tư công cũng như trong các dự án ODA sẽ là cơ hội để tạo thêm việc làm, kích thích tăng trưởng”, ông khuyến nghị. Về phía WB, ông cho biết tổ chức này đang xây dựng một danh mục dự án tương lai khả thi và sẽ đẩy nhanh giải ngân cho các dự án để làm sao hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế trong thời gian tới. Đồng thời, xây dựng lại danh mục các dự án, dự án nào chậm, không triển khai được sẽ loại bỏ để dành nguồn lực cho những dự án khác.

Cập nhật dự báo tăng trưởng khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của WB: Dự báo tăng trưởng chính xác là việc rất khó trong môi trường thay đổi nhanh chóng hiện nay. Vì vậy, báo cáo này trình bày cả kịch bản cơ sở và kịch bản cho tình huống kém hơn. Tăng trưởng ở các quốc gia đang phát triển Đông Á – Thái Bình Dương được dự báo theo kịch bản cơ sở sẽ giảm còn 2,1% và theo kịch bản tình huống thấp hơn sẽ giảm xuống mức âm 0,5%. Nếu xảy ra kịch bản xấu, dự báo tăng trưởng của Việt Nam chỉ ở mức 1,5% vào năm 2020, so với dự báo 5,8% vào năm 2019.