27/04/2024 lúc 19:46 (GMT+7)
Breaking News

Vượt kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020

VNHN – Tới hết tháng 6/2019, đã có 50,1% tổng số xã trên toàn quốc đạt chuẩn theo Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020  vượt trước 18 tháng so với yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ là cả nước phải có 50% tổng số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới vào năm 2020.

VNHN – Tới hết tháng 6/2019, đã có 50,1% tổng số xã trên toàn quốc đạt chuẩn theo Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2016 - 2020  vượt trước 18 tháng so với yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ là cả nước phải có 50% tổng số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) vào năm 2020.

 

Thông tin được Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Thành Thống khẳng định tại phiên họp đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm 2019 của Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG, diễn ra vào sáng nay 25/7.

Theo đó, cả nước đã có 5.458 xã đạt chuẩn xã NTM với 19 tiêu chí cụ thể, tăng 620 xã (tương đương 6,96%) so với cuối năm 2018; 82/644 đơn vị cấp huyện thuộc 36 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM (chiếm 11,6% tổng số huyện của cả nước).

Bình quân các xã trên cả nước đạt 15,26 tiêu chí và không còn xã nào dưới 5 tiêu chí. Không chỉ vậy, 8 chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí quốc gia về NTM cũng đã đạt và vượt kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 như tiêu chí về hạ tầng kinh tế-xã hội, tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất và các tiêu chí về văn hoá, xã hội, môi trường..

Đặc biệt, 3 địa phương có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM là Đồng Nai, Nam Định và Đà Nẵng. Đồng thời, có một số địa phương công nhận số xã đạt chuẩn NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí do tỉnh ban hành.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG, các địa phương trên cả nước tiếp tục phát triển thành quả và giá trị của NTM, vì mục tiêu nâng cao đời sống người dân nông thôn. Nhiều địa phương đã có nhiều sáng kiến quan trọng triển khai như xây dựng NTM kiểu mẫu ở Hà Tĩnh, xây dựng NTM ở cấp thôn, bản để phù hợp với nguồn lực đầu tư và tập quán sinh hoạt của người dân (ở Thanh Hoá, Nghệ An), khai thác tiềm năng du lịch nông thôn (Lai Châu và nhiều tỉnh miền núi phía Bắc)...

Sau khi triển khai Đề án hỗ trợ thôn, bản khó khăn xây dựng NTM, cả nước đã có 762 thôn, bản được UBND của các tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 43 địa phương ban hành bộ tiêu chí NTM nâng cao, 15 địa phương ban hành tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu...

Tới nay, nợ đọng trong xây dựng NTM đã được xử lý dứt điểm và hoàn thành tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 32/2016/QH14.

Tuy nhiên, tiến độ thực hiện chương trình của một số địa phương, vùng còn chậm và thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung của cả nước. Khoảng cách chênh lệch khá lớn về kết quả thực hiện giữa các vùng, miền, cụ thể: Vùng đồng bằng sông Hồng (82,74%), Đông Nam Bộ (70%), miền núi phía Bắc (26,45%), Tây Nguyên (37,73%), đồng bằng sông Cửu Long (42,77%), duyên hải Nam Trung Bộ (45,82%).

Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2019 còn chậm. Đến hết tháng 6/2019, tỷ lệ giải ngân đạt trên 35%, trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển mới đạt khoảng 24% so với kế hoạch.

Hội thảo lý luận và thực tiễn xây dựng Nông thôn mới ở Việt nam tại Nam Định

Trước đó, tại Hội thảo Lý luận và thực tiễn trong xây dựng NTM ở Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Chương trình MTQG xây dựng NTM có thời điểm bị nhiều người hoài nghi vì để xây dựng, hoàn thiện hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống; thay đổi phương thức sản xuất; củng cố thiết chế văn hóa cần một nguồn lực rất lớn. Hơn nữa, vào thời điểm năm 2010, Việt Nam chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.

Trong bối cảnh đó, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể cùng tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt của các địa phương; sự tham gia đóng góp tích cực của người dân, doanh nghiệp, sau gần 10 năm toàn bộ các mục tiêu đặt ra cho cả giai đoạn 2010-2020 đã cơ bản đạt được.

Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 thu nhập bình quân ở vùng nông thôn tăng gấp 2,5 lần so với năm 2008. Tính đến hết năm 2018, mức thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn đạt 34 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3-3,7 lần.