25/11/2024 lúc 13:29 (GMT+7)
Breaking News

Không để người dân và doanh nghiệp phải lo lắng về điện

Phát biểu kết luận, Thủ tướng nhấn mạnh và chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp với từng khâu trong việc bảo đảm cung ứng điện, gồm: Nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện. Không để người dân và doanh nghiệp phải lo lắng về điện.

Ngày 20/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về bảo đảm cung ứng điện năm 2024 và thời gian tới, nhất là trong mùa cao điểm nắng nóng 2024.

Cùng tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, lãnh đạo các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, sản xuất, kinh doanh đang trên đà phục hồi, thời tiết đang chuẩn bị bước vào cao điểm nắng nóng, kéo theo nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao.

Nhắc lại tình trạng thiếu điện cục bộ trong năm 2023, Thủ tướng nhấn mạnh trong năm nay phải tập trung cho công tác điều hành và củng cố năng lực truyền tải điện; tăng cường rà soát, kiểm tra, đôn đốc, không để tình trạng "nước đến chân mới nhảy".

Các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp đánh giá thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực đã liên tục chỉ đạo đồng bộ, tổng thể, toàn diện, yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan, các địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm cung ứng đủ điện; Thủ tướng Chính phủ cũng đã trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc triển khai nhiều công trình, dự án nguồn điện, lưới điện.

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ điện trong thời gian mùa khô (tháng 5 đến tháng 7) được dự báo tăng trưởng rất cao (lên đến 13%, cao hơn nhiều so với kế hoạch khoảng 9,6%), riêng miền Bắc dự kiến tăng kỷ lục 17% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh diễn biến thủy văn 3 tháng đầu năm không thuận lợi, để thực hiện mục tiêu tiết kiệm tối đa nước hồ thủy điện, các nguồn nhiệt điện, nhất là nhiệt điện than đã được huy động cao để đáp ứng nhu cầu phụ tải; đồng thời tăng cường truyền tải điện từ miền Nam, miền Trung ra miền Bắc.

Mặc dù nhu cầu điện tăng cao hơn so với dự báo, tuy nhiên, hệ thống điện quốc gia đã đáp ứng nhu cầu sử dụng điện thực tế 3 tháng đầu năm, đặc biệt là các dịp nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Quý I/2024, sản lượng điện luỹ kế đạt 69,34 tỷ kWh, tăng 11,77% so cùng kỳ năm 2023; sản lượng điện bình quân ngày đạt 762 triệu kWh, tăng 10,4% so cùng kỳ năm 2023.

Để bảo đảm cung ứng điện năm 2024, đặc biệt là cao điểm mùa khô, ngay từ tháng 11/2023, Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các bộ, ngành, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch cung ứng điện cho năm 2024; xây dựng các phương án phân phối điện; kịch bản cân đối sản lượng điện; cân bằng công suất các nhà máy điện; thực hiện các giải pháp về vận hành các nhà máy điện; thúc đẩy các dự án đầu tư xây dựng các công trình điện.

Bộ Công Thương đã ban hành các Quyết định phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2024; biểu đồ cấp than cho phát điện; kế hoạch cấp khí cho phát điện; đặc biệt, phê duyệt riêng kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2024.

Cùng với đó, thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình cung cấp nhiên liệu than, khí cho phát điện; tổ chức các đoàn công tác rà soát việc chuẩn bị cung ứng điện mùa khô tại các đơn vị phát điện, truyền tải, phân phối điện; thúc đẩy tiến độ công trình đường dây 500 kV Quảng Trạch – Phố Nối để kịp phục vụ cung ứng điện vào tháng cao điểm.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương khẳng định, việc cung ứng điện cho năm 2024 về cơ bản sẽ được bảo đảm.

Những năm tới, sau khi đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối được đi vào vận hành với đầy đủ các điều kiện kỹ thuật cần thiết, hệ thống điện miền Bắc sẽ được bổ sung tăng cường công suất/điện năng từ miền Trung và miền Nam.

Tuy nhiên, với tỷ trọng nguồn thủy điện chiếm hơn 32%, cung-cầu nội miền của khu vực miền Bắc nhiều thời điểm sẽ xuất hiện tình trạng mất cân đối trong trường hợp tình hình thủy văn bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự cố các tổ máy nhiệt điện than. Do đó, việc bổ sung sớm nguồn điện mới, đặc biệt là các nguồn điện chạy nền cho miền Bắc là hết sức cần thiết…

Cũng tại cuộc họp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam đã báo cáo về tình hình hoạt động các nhà máy điện, các biện pháp bảo đảm các nhà máy vận hành ổn định, đặc biệt không bố trí lịch bảo dưỡng, sửa chữa trong các tháng mùa khô, nắng nóng. Các tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực dầu, khí, than cũng cam kết bảo đảm cung ứng đủ nhiên liệu cho sản xuất điện.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng tăng lên, đây là điều đáng mừng vì vừa cho thấy kinh tế - xã hội phát triển, vừa góp phần cho tăng trưởng.

Các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp cho thấy nguồn điện cơ bản không thiếu, nhiên liệu được đáp ứng; song cần điều hành phù hợp, thông minh, thông suốt, hiệu quả với giải pháp tổng thể, đa dạng hóa nguồn điện, khẩn trương hoàn thành các đường dây tải điện, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc pháp lý liên quan, Thủ tướng nhấn mạnh.

Với mục tiêu không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành, Thủ tướng yêu cầu, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, chủ thể có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải xây dựng các phương án ứng phó với mọi tình huống, kể cả tình huống xấu nhất; phát huy trách nhiệm cao nhất, giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh trước khó khăn, thách thức; dự báo, đánh giá sát tình hình và khả năng đáp ứng, rà soát lại các số liệu bảo đảm chính xác; đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, hợp lý, kịp thời, hiệu quả.

Không để người dân và doanh nghiệp phải lo lắng về điện, Thủ tướng nhấn mạnh và chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp với từng khâu trong việc bảo đảm cung ứng điện, gồm: Nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện.

Về nguồn, cần tính toán bảo đảm nguồn điện cho tất cả các vùng miền, lưu ý các tháng cao điểm ở miền Bắc (tháng 5, 6, 7, đặc biệt dự kiến phụ tải tăng lên tháng 6 khoảng 2.500 MW). Đa dạng hóa các nguồn điện, rà soát lại tất cả các nguồn có thể huy động, thúc đẩy các nguồn điện lớn.

Để bảo đảm nhiên liệu (than, nước, dầu, khí) cho sản xuất điện, các nhà máy nhiệt điện than mua tối đa than sản xuất trong nước, hạn chế tối thiểu mua than nhập khẩu (điều này vừa giúp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước, vừa tạo sinh kế, việc làm cho người dân, vừa tiết kiệm ngoại tệ trong bối cảnh hiện nay, đồng thời phòng chống tiêu cực). Các tập đoàn, tổng công ty than đẩy mạnh khai thác tối đa.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan, chỉ đạo các đơn vị chủ quản các hồ chứa thủy điện, tăng cường kiểm tra, tính toán, lập kế hoạch lấy nước cụ thể từ các hồ chứa thủy điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó ưu tiên dành nguồn nước dự phòng tối đa để phát điện trong thời gian cao điểm, tăng cường các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm.

Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch đáp ứng điện từng tháng; chỉ đạo vận hành các nhà máy điện bảo đảm cân đối chung, lợi ích tổng thể, cũng như bảo đảm công suất tối thiểu của các nhà máy điện.

Về cơ chế, chính sách mua bán điện, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn; cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp tự sản, tự tiêu; cơ chế, chính sách phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi, ven bờ; chính sách với điện rác, điện sinh khối…

Về truyền tải điện, Thủ tướng yêu cầu trước mắt hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3, rà soát từng khâu, bảo đảm tiến độ, dứt khoát hoàn thành trước ngày 30/6; đề nghị lãnh đạo các tỉnh tăng cường kiểm tra, đôn đốc, động viên cán bộ, công nhân trên công trường làm xuyên ngày nghỉ, ngày lễ.

Thủ tướng chỉ đạo cụ thể một số nội dung liên quan tới thi công cột, đường dây, hành lang tuyến… của đường dây 500 kV mạch 3, đặc biệt là rà soát lại để tăng cường sử dụng sản phẩm nội địa, thúc đẩy sản xuất trong nước.

Cùng với đó, phấn đấu hoàn thành các dự án truyền tải phục vụ nhập khẩu điện từ Lào trong tháng 5 năm 2024 như Trạm cắt Đắk Oóc, đường dây 200 kV Nậm Sum – Nông Cống…

Các địa phương liên quan nhanh chóng giải phóng mặt bằng, bảo đảm hành lang cho các đường truyền tải điện.

Thủ tướng yêu cầu việc phân phối điện hợp lý, nhất là chú ý lúc cao điểm nắng nóng; sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Về giá điện, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện theo quy định, thẩm quyền, với lộ trình phù hợp, không "giật cục"; ngành điện đẩy mạnh tiết kiệm chi phí, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, tăng năng lực cạnh tranh, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. Giá điện phải phù hợp, có cạnh tranh lành mạnh và điều tiết của Nhà nước.

Các cơ quan báo chí truyền thông bố trí thời lượng phù hợp để tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, về chính sách, cách tính toán tiền điện; tiếp tục minh bạch, công khai dữ liệu, thông tin liên quan đến tình hình của ngành điện nhằm tạo ra sự đồng thuận trong xã hội.

Các bộ, ngành tăng cường công tác kiểm tra, phòng chống tiêu cực trong ngành điện nói chung, sản xuất và tiêu thụ điện nói riêng. Thủ tướng cũng yêu cầu các nhà máy điện tập trung sản xuất; các dự án điện tăng cường sử dụng sản phẩm trong nước.

Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, hoàn thiện, ban hành thông báo kết luận cuộc họp để tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả; tập hợp, phân loại các đề xuất, kiến nghị tại cuộc họp để trình Thủ tướng phân công các bộ, ngành xử lý, các Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo./.

Xuân Hòa