VNHN - Căng thẳng vùng Vịnh không chỉ tập trung ở eo biển Ormuz mà lan tới tận Vương quốc dầu mỏ Saudi Arabia. Thế giới lại đứng trước một giai đoạn nguy hiểm mới.
Ngày 14/9 là một ngày đen tối với ngành dầu mỏ khi hai cơ sở sản xuất dầu trọng yếu của Vương quốc dầu mỏ Saudi Arabia bị tấn công. Tờ Wall Street Journal gọi đây là một “trận động đất lớn” với thiệt hại lớn hơn cả hồi năm 1991, khi chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất diễn ra.
Mắt xích không thể thiếu
Theo logic thông thường, trong ngắn hạn, giá dầu thế giới tăng do vụ tấn công vào nhà máy lọc dầu Saudi Arabia sẽ có lợi cho các quốc gia có năng lực sản xuất dư thừa, các nước xuất khẩu khác cũng có thể bán dầu với giá cao hơn. Chẳng hạn, Mỹ và Nga có thể hưởng lợi vì bán được dầu với giá cao, trong khi Saudi Arabia vẫn phải nỗ lực khắc phục thiệt hại. Tuy nhiên, hiện Saudi Arabia là nguồn sản xuất dầu lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Liệu Mỹ và các nhà sản xuất khác có thể lấp vào chỗ trống gần 6% của Saudi Arabia hay không?
Câu trả lời chắc không đơn giản. Mỹ nhờ vào dầu đá phiến nên có sản lượng dư thừa, nhưng khả năng sản xuất của Mỹ đã đạt tới mức tối đa là hơn 12 triệu thùng/ngày, theo ghi nhận vào tháng 4/2019. Từ đó tới nay, sản lượng này tương đối ổn định và không thể tăng thêm. Hơn nữa, để xuất khẩu nhiều hơn, Washington sẽ phải vượt qua một loạt hàng rào về luật pháp, điều đó đòi hỏi thời gian, bởi dầu mỏ là một vấn đề “an ninh quốc gia”. Xem xét các van dầu khác trên thế giới, khó có thể trông chờ ở Venezuela trong tình hình hiện nay. Cũng không thể nhìn vào Algeria do thiếu đầu tư từ nhiều thập niên qua, nên không thể tăng thêm thị phần.
Khói bốc lên sau vụ tấn công cơ sở lọc dầu của Saudi Aramco ở thành phố Abqaiq, Saudi Arabia, ngày 14/9.
Dầu mỏ của Iran đang bị Mỹ cấm vận. Đối với Nga, nguồn bảo đảm cho 3/4 nhu cầu của Liên minh châu Âu, cũng không còn dồi dào. Mới đây, Điện Kremlin thông báo khả năng cung cấp dầu thô có nguy cơ giảm từ năm 2021. Cuối cùng, khả năng sản xuất và cung cấp của các quốc gia Trung Á đều có giới hạn. Một thực tế khác là chất lượng dầu của Saudi Arabia thì không nơi nào có thể thay thế.
Đây là nơi duy nhất mà dầu bơm lên gần như có thể sử dụng được ngay mà không cần phải qua khâu tinh lọc. Trên thế giới cũng chỉ Riyadh có khả năng điều chỉnh giá dầu trên thị trường - điểm khiến Saudi Arabia trở thành đối tác chiến lược không thể thiếu của Washington. Chính vì là mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu, nên việc các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia bị tấn công thật sự đã làm rung chuyển thị trường thế giới.
Nguy cơ leo thang căng thẳng
Theo giới quan sát, vụ tấn công cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia mà Iran bị cáo buộc là thủ phạm chính, nhắm đến ba mục tiêu là kinh tế, quân sự và liên minh Riyadh - Washington. Riêng về mục tiêu kinh tế, vụ tấn công đánh thẳng vào túi tiền của Riyadh. Những năm gần đây, Riyadh bắt đầu gặp khó khăn về kinh tế và thâm hụt ngân sách. Từ một nước luôn trong tình trạng bội thu, Saudi Arabia đã bắt đầu đi vay nợ.
Trong khi đó, dầu mỏ vẫn chiếm khoảng 80-90% nguồn thu. Chương trình cải cách kinh tế có tầm nhìn đến 2030 của Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, đồng thời là Thái tử Abdulaziz bin Salman đề ra hai mục tiêu lớn là giảm bớt vay nợ và đa dạng hóa nguồn thu.
Ngành công nghiệp dầu mỏ Iran.
Trong đó, kế hoạch đưa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Saudi Aramco lên sàn chứng khoán vào năm 2020-2021 được coi như chìa khóa thành công. Tuy nhiên, vụ tấn công này khiến tiến trình cổ phần hóa Aramco có nguy cơ bị trì hoãn do các nhà đầu tư bắt đầu cảm thấy bất an. Điều rõ ràng nhất là thị trường dầu mỏ đã bước vào một giai đoạn mới, đầy nguy hiểm. Thái tử Salman, người đóng vai trò quan trọng trong sự can thiệp của Saudi Arabia ở Yemen, gần như chắc chắn sẽ phải có hành động đáp trả. Như vậy, sự leo thang này có thể hiểu như phản ứng của Iran trước chiến dịch gây áp lực tối đa của Mỹ, rằng nếu Tehran không thể xuất khẩu dầu thì đồng minh của Mỹ - Saudi Arabia cũng như vậy.
Do đó, trên thị trường dầu lửa, nguy cơ leo thang căng thẳng sẽ tiếp tục bao trùm. Giới phân tích cho rằng, mức độ nghiêm trọng của vấn đề sẽ còn phụ thuộc vào việc giá dầu sẽ tăng trong bao lâu. Giá dầu tăng dẫn đến giá tiêu dùng tăng cao và làm tăng nguy cơ lạm phát, từ đó kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Diễn biến này cũng sẽ làm giảm niềm tin kinh doanh và tiêu dùng, vốn đã mong manh vì chiến tranh thương mại và nhu cầu toàn cầu chậm lại.
Thái tử Salman mới đây tuyên bố, thiệt hại đã được kiểm soát, sản xuất sẽ trở lại bình thường vào cuối tháng 9. Mọi con mắt đều dõi theo Aramco, nếu chưa thấy dầu của Saudi Arabia thì giá còn tăng. Nhưng vấn đề hiện nay là dù cho dầu của Saudi Arabia tiếp tục được đưa trở lại thị trường vào tuần tới và quốc gia này mở các kho lưu trữ lớn nhất ra thì liệu căng thẳng có giảm?