Đại dịch Covid-19 đang diễn biến bất thường, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế, cũng như chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đặt ra. Trước tình hình này, doanh nghiệp (DN) cần vững tâm thế sống chung với dịch bệnh trong thực hiện nghị quyết của Quốc hội (QH).
Ảnh minh họa
Tại kỳ họp thứ nhất, QH khóa XV đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm 2021 - 2025 với mục tiêu tổng quát là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, GDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 6,5 - 7%.
Theo ông Nguyễn Văn Thân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam, nếu ở bối cảnh bình thường, mức tăng GDP bình quân cho 5 năm từ 6,5 - 7% là rất hợp lý vì đã có đà của 5 năm trước. Còn với tình hình hiện tại, đó là thách thức. Đại dịch Covid-19 đang diễn biến vô cùng bất thường, không có cách nào để khẳng định tình hình sẽ tốt lên hay xấu đi, như thế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế. Chỉ cần sang năm, tình hình chưa tốt lên thì sẽ ảnh hưởng đến cả 5 năm và con số tốc độ tăng trưởng 6,5 - 7% lại càng trở nên khó khăn hơn. Chúng ta nên đưa ra nhiều hơn một kịch bản. Mức tăng GDP bình quân từ 6,5 - 7% là kịch bản tốt nhất, bên cạnh đó, cần có thêm kịch bản tốt vừa và không tốt. Với mục tiêu tổng quát vẫn là tăng trưởng nhanh và bền vững, còn thời kỳ đầu phải ưu tiên tập trung chống dịch. Không phải một sớm một chiều mà qua được dịch, nên vẫn phải lo cho người lao động, cho DN, cho người dân vượt qua giai đoạn rất khó khăn này trước.
Ông Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh, thông điệp là chúng ta phải vững tâm thế sống chung với dịch, phải chấp nhận phương án xấu nhất là dịch bệnh chưa sớm lui. Giải pháp quan trọng nhất là có được đủ vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng, còn giãn cách chỉ là tạm thời, không phải mãi mãi. Vì thế, chúng ta cần phát huy sức mạnh tổng hợp để mua đủ vaccine cho nhân dân. Còn nếu giữa năm 2022 đạt được miễn dịch cộng đồng, từ giờ đến lúc đó cần tăng sức đề kháng cho nền kinh tế. Thực tế, DNNVV chiếm 97% tổng số DN, cũng là khu vực chịu ảnh hưởng rất lớn của đại dịch. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, có nhiều DN phải đóng cửa, cũng có một số DN tốt lên vì chuyển đổi số, nhưng số đóng cửa chiếm tỷ lệ nhiều hơn. Đa số vẫn cố cầm cự nhờ được vay vốn lãi suất thấp, khoanh nợ, giãn nợ, giảm lao động, cho nghỉ tạm thời... nhưng còn phụ thuộc rất nhiều vào ứng xử của từng địa phương khi dịch bệnh các nơi không giống nhau. Kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam đến nay, cộng đồng DN vẫn nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh. Đối với cộng đồng DN, khó càng thêm khó, đặc biệt, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn bởi có chuỗi cung ứng và chuỗi liên kết liên quan tới rất nhiều ngành.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho rằng, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư này có đặc điểm rất khác. Riêng về mặt kinh tế, tác động nguy hiểm khác với lần dịch trước là ứng xử của các địa phương với dịch lần này gây ra đổ vỡ chuỗi cung ứng. Hiện, đã có biện pháp “ba tại chỗ” nhưng nó rất tốn thời gian, chi phí và điều kiện áp dụng không dễ. Thậm chí, một số DN áp dụng “ba tại chỗ” lại chính là nơi phát hiện nhiều F0, nguy cơ lây nhiễm cao. Mặt khác, các DN bắt đầu lên tiếng vì từ khi áp dụng giãn cách gần một tháng rồi, khả năng chịu đựng của DN đến giới hạn.
Ông Trần Thanh Hải cho rằng, với kinh nghiệm thực tế triển khai “ba tại chỗ” vừa qua thấy, rõ ràng không mang lại hiệu quả nhiều. Nền kinh tế yêu cầu phải nhiều DN được tạo thuận lợi duy trì sản lượng và lực lượng lao động thì chuỗi cung ứng mới quay trở lại được. Do đó, cần có một cơ chế để cho phép các DN được phép hoạt động trở lại nhưng có điều kiện ràng buộc. Không thể nói hạn chế tiếp xúc 100% nhưng các DN phải bảo đảm công tác chống dịch và duy trì sản xuất luôn song hành. Chính phủ cũng nên có cái nhìn dài hơi. Trong đó, phải có phương án nếu có dịch bệnh xuất hiện tại cơ sở sản xuất thì cũng chỉ cách ly F0, F1 liên quan và để các khu vực khác duy trì sản xuất. Nếu chúng ta xác định “sống chung với lũ”, thì khâu đào tạo để DN có hệ thống y tế tại chỗ là rất cần thiết. Khi đó, chúng ta chắc chắn phải xác định luôn chấp nhận những điều chỉnh bất ngờ có thể xảy ra. Nhờ việc đào tạo, DN sẽ không bị động nữa. Đây là việc cần làm trong thời gian tới. Mặt khác, quan điểm của Chính phủ rất rõ ràng, việc ưu tiên tiêm vaccine phải được hướng tới vùng dịch, vùng có nguy cơ cao, tức phải di bất biến, ứng vạn biến. Đối với cộng đồng DN cũng vậy, phải ưu tiên vaccine cho các DN thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao như vận tải, sản xuất, giao nhận… để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.
Tại Phiên họp toàn thể đầu tiên của Chính phủ khóa XV, ngoài việc xác định 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chủ yếu giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ, 5 yêu cầu phải đạt được, giữ vững tâm thế để vượt qua đại dịch trong thời gian tới: Thứ nhất, cương quyết giữ được lưu thông hàng hóa; Thứ hai, bảo đảm lưu thông về tài chính - tiền tệ; Thứ ba, giữ được cung ứng về nguồn lao động, không để đứt gãy thị trường này; Thứ tư, chăm lo, hỗ trợ DN; Thứ năm, bảo đảm sự chỉ huy, thống nhất từ T.Ư đến địa phương, tránh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.