25/01/2025 lúc 11:16 (GMT+7)
Breaking News

Vừa “đã mắt” vừa “no bụng” với những bảo tàng ẩm thực thú vị nhất thế giới

Có phải bảo tàng chỉ toàn là những tòa nhà cổ kính, im lìm, trưng bày những hiện vật chỉ được ngắm nhìn từ xa chứ không được phép chạm vào? Đúng, nhưng chưa đủ. Nhiều quốc gia trên thế giới đã sáng tạo ra một loại hình bảo tàng đặc biệt - nơi không những trưng bày hiện vật mà còn cho phép du khách được trải nghiệm không gian ẩm thực và có thể nếm thử nữa.

Có phải bảo tàng chỉ toàn là những tòa nhà cổ kính, im lìm, trưng bày những hiện vật chỉ được ngắm nhìn từ xa chứ không được phép chạm vào? Đúng, nhưng chưa đủ. Nhiều quốc gia trên thế giới đã sáng tạo ra một loại hình bảo tàng đặc biệt - nơi không những trưng bày hiện vật mà còn cho phép du khách được trải nghiệm không gian ẩm thực và có thể nếm thử nữa.

Đó chính là những bảo tàng đồ ăn - điểm đến lý tưởng cho những người vừa yêu thích lịch sử lại vừa sẵn “tâm hồn ăn uống”. Dưới đây là 5 trong số muôn vàn những bảo tàng đồ ăn thú vị ở khắp nơi trên thế giới.

1. Bảo tàng mì ăn liền Momofuku Ando (Nhật Bản)

Đúng như tên gọi của nó, bảo tàng được thành lập nhằm tôn vinh Momofuku Ando - “cha đẻ của mì ly và mì ăn liền”. Món mì ăn liền có xuất phát điểm là một món ăn rẻ và cứu đói tạm thời cho những người nghèo sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Không ngờ sau đó món ăn tiện lợi này lại được rất nhiều người yêu thích, và trở thành một phát minh có tầm ảnh hưởng trong thế kỉ XX.

“Thiên đường” của “hội mê mì ăn liền”(Ảnh: Internet)

Du khách đến bảo tàng sẽ phải sửng sốt trước bộ sưu tập hàng ngàn loại mì ăn liền khác nhau với đủ chủng loại, đến từ đủ các nước trên thế giới. Bảo tàng cũng có một phòng chiếu phim về cách Ando nảy ra ý tưởng cho món mì cũng như quy trình sản xuất mì trong nhà máy.

Tuy nhiên, điểm tham quan nổi tiếng nhất của bảo tàng là “xưởng sáng tạo”, nơi bạn có thể tạo ra cốc mì của riêng mình từ những nguyên liệu có sẵn. Bảo tàng sẽ cung cấp nước sôi miễn phí để bạn có thể thưởng thức ngay tại chỗ loại mì hấp dẫn do chính tay mình tạo ra!

“Buffet” mì ly ngon miệng tại xưởng sáng tạo của bảo tàng (nguồn: Honeyrove)

2. “Cung điện cà phê” (Brazil)

Vào đầu thế kỉ XX, cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho quốc gia Nam Mỹ này. “Cung điện cà phê” khi đó đóng vai trò như một sàn giao dịch chứng khoán thời hiện đại - là nơi những lái buôn định giá và mua bán hạt cà phê nguyên chất. Cho tới năm 1950, “sàn giao dịch” này mới ngừng hoạt động và được chuyển đổi mục đích thành một bảo tàng.

Các loại cà phê ngon nhất ở Brazil được “tụ hội” tại đây (nguồn: atlasobscura)

Sự lộng lẫy của “cung điện cà phê” phần nào phản ánh được sự thịnh vượng của ngành buôn bán cà phê tại Brazil trong thế kỉ XX. Bảo tàng gồm hai tầng: tầng trên trưng bày dụng cụ lao động và tranh ảnh mô tả hoạt động sản xuất và buôn bán cà phê, tầng dưới có một quán cà phê - nơi khách tham quan có thể nếm thử các loại cà phê ngon từ khắp đất nước Brazil.

3. Bảo tàng văn hóa bánh mì (Đức)

Bánh mì có một vị trí quan trọng trong các nền ẩm thực từ Âu sang Á, nhưng rất ít người thực sự quan tâm đến ý nghĩa lịch sử và văn hóa của món ăn này. Vì vậy, vào năm 1960, hai cha con người Đức (Willy Eiselen và Hermann Eiselen) đã quyết định thành lập một triển lãm (nay là bảo tàng lớn nhất về bánh mì trên khắp thế giới) để tôn vinh món ăn dân dã này.

Những bức họa về lịch sử phát triển của bánh mì – món ăn quen thuộc của người dân khắp nơi trên thế giới

Tuy nhiên, bảo tàng không trưng bày một chiếc bánh mì thật nào cả, bởi những người sáng lập bảo tàng tin rằng: bánh mì không nên là cổ vật trưng bày của bảo tàng mà phải một loại đồ ăn tươi mới mỗi ngày. Thay vào đó, bảo tàng lưu giữ 16.000 hiện vật liên quan đến lịch sử của bánh mì, bao gồm 6000 quyển sách mô tả khá toàn diện về các loại bánh mì trên khắp thế giới, các tác phẩm nghệ thuật (trong đó bao gồm bức tranh của Picasso) và các dụng cụ để làm bánh mì.

Bánh mì ở bảo tàng đều “chỉ mang tính chất minh họa” chứ không ăn được

Ngoài ra, bảo tàng còn cố gắng truyền tải một thông điệp ý nghĩa: ngay ở thế kỉ XXI, tình trạng thiếu lương thực và nạn đói vẫn diễn ra ở nhiều nơi thế giới. Không chỉ trưng bày hiện trạng về nạn đói, đội ngũ chăm sóc bảo tàng cũng tài trợ cho nghiên cứu về tình trạng suy dinh dưỡng của con người.
4. Bảo tàng đồ ăn tráng miệng (Philippines)
Đúng như lời “tuyên ngôn” trên website chính thức: “Không giống với bảo tàng nào mà bạn biết đâu!”, Bảo tàng đồ ăn tráng miệng tại Manila, Philippines giống một  khu triển lãm đầy màu sắc và hương vị hơn. Đây chắc chắn sẽ là điểm đến lí tưởng cho trẻ em và những người lớn “có tâm hồn trẻ thơ”, bảo tàng có rất nhiều “sân chơi mini” trong các phòng trưng bày.

Rực rỡ sắc màu trong phòng trưng bày chủ đề bánh donut (nguồn: willflyforfood)

Bảo tàng bao gồm 8 phòng trưng bày theo chủ đề bánh kẹo: bánh donut, kẹo dẻo marshmallow, kẹo mút, kem ốc quế, kẹo cao su thổi bóng,... Khi lần lượt tham quan từng phòng, du khách không chỉ được “trở về tuổi thơ” thực sự khi được chơi những trò như cầu trượt bánh donut, bơi trong biển kẹo và chạy trong rừng kẹo mút, mà còn được nếm các món tráng miệng chất lượng nữa.

Sự kết hợp giữa không gian triển lãm sáng tạo, đồ ăn ngon và những thông tin lịch sử thú vị khiến Bảo tàng đồ tráng miệng trở thành một trong những bảo tàng ẩm thực đắt khách nhất châu Á.

Phòng trang trí chủ đề kẹo bông đẹp trong truyện cổ tích (nguồn: willflyforfood)

5. Bảo tàng những món ăn kinh dị (Thụy Điển)

Thế nào là một món ăn ngon? Thế nào là một món ăn kinh dị? Mỗi nền văn hóa sẽ có một câu trả lời khác nhau. “Bảo tàng những món ăn kinh dị” là “ngôi nhà” của những món ăn gây tranh cãi như thế. Tại đây trưng bày hơn 80 loại thức ăn được coi là đặc sản ở một quốc gia, nhưng lại khiến những người ngoại quốc “khóc thét”.

Sầu riêng – một loại trái cây “gây tranh cãi” được trưng bày tại bảo tàng

Phần lớn các hiện vật là đồ ăn thật, và các du khách hoàn toàn có thể ngửi hoặc nếm thử các món ăn này, tất nhiên là nếu họ đủ dũng cảm. Những món ăn còn lại được trưng bày dưới dạng mô hình hoặc thông qua một đoạn phim ngắn.

Món trứng vịt lộn quen thuộc của người Việt cũng được “góp mặt” tại đây (ảnh: Disgusting Food Museum)

"Thực phẩm không chỉ đơn thuần là thực phẩm. Những món ăn kỳ lạ từ các nền văn hóa khác nhau luôn khiến chúng tôi mê mẩn", trang web của bảo tàng cho biết. Những người phụ trách bảo tàng cũng hy vọng sẽ thay đổi được quan niệm của mọi người về sự ghét bỏ đối với các loại thức ăn xa lạ với khẩu phần thường ngày của họ, và tôn trọng sự khác biệt về văn hóa.

Thanh Ngân