Quần thể danh thắng Tràng An được Tổ chức UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.
Tuyệt sắc thiên nhiên - Báu vật di sản thế giới
Ninh Bình là vùng đất cổ, nơi từng thế núi, dáng sông đều chứa đựng các lớp trầm tích lịch sử - văn hóa, dấu vết của tiền nhân. Nơi đây được tạo hóa ưu ái, ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, độc đáo và hấp dẫn, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc với các lễ hội dân gian, nghề thủ công và nghệ thuật truyền thống độc đáo, ẩm thực phong phú.
Những năm gần đây, Ninh Bình đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, được nhiều chuyên trang du lịch uy tín quốc tế bình chọn, nhắc đến như là địa phương duy nhất của Châu Á góp mặt và đứng thứ 7 trong danh sách 10 vùng đất thân thiện nhất thế giới năm 2023. Năm 2024, toàn tỉnh ước đón trên 8,7 triệu lượt khách tham quan, vượt 16% so với kế hoạch đề ra, tăng gần 30% so với năm 2023. Trong đó: khách nội địa đón 7,2 triệu lượt khách, khách quốc tế đón trên 1,5 triệu lượt khách. Doanh thu ước đạt 9.100 tỷ đồng, tăng 40,15% so với năm 2023.
Tam Cốc - Bích Động với cảnh sắc sông núi nên thơ.
Với định hướng đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch hàng đầu trong khu vực và vươn tầm thế giới, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đặc biệt quan tâm, xây dựng, định vị thương hiệu điểm đến nhằm tăng sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế địa phương. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, định hướng và cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý cho đầu tư cũng như phát triển thương hiệu du lịch. Giai đoạn 2001 – 2020, Tỉnh ủy đã ban hành 4 nghị quyết chuyên đề, trong đó, Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 về phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2045 xác định bước chuyển chiến lược phát triển từ “chiều rộng” sang “chiều sâu”, từng bước xây dựng điểm đến du lịch “An toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn”.
Từ năm 2017, Ninh Bình đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) và các chuyên gia dự án EU xây dựng Quy hoạch phát triển tổng thể du lịch Ninh Bình đến 2025 tầm nhìn 2030, sau đó đã có sự điều chỉnh phù hợp tình hình thực tiễn. Theo đó, Ninh Bình có 8 không gian du lịch theo phân khu chức năng. Nhiều sản phẩm du lịch đã được khẳng định trên thị trường trong nước và quốc tế, trở thành những sản phẩm đặc trưng, trụ cột của tỉnh, góp phần vào việc hình thành thương hiệu du lịch Ninh Bình như: khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, Vườn Quốc gia Cúc Phương; Phố cổ Hoa Lư - điểm đến vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm hấp dẫn du khách… Ninh Bình có 18 km bờ biển khu vực Kim Sơn, với Cồn Nổi rộng khoảng 500 ha, nằm cách bờ biển 5 km, không xa nữa, nơi đây sẽ là địa chỉ du lịch hết sức thú vị của Ninh Bình…
Phố cổ Hoa Lư cổ kính xinh đẹp giữa lòng Ninh Bình.
Bên cạnh đó, nhiều sự kiện, lễ hội văn hóa, ẩm thực đã được xây dựng và phát triển thành các sản phẩm du lịch nổi bật như: Lễ hội Hoa Lư, Tràng An, Tuần Du lịch Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An, Festival Tràng An Kết nối Di sản… Hình ảnh, thương hiệu của các sản phẩm này gắn liền với hình ảnh, thương hiệu du lịch Ninh Bình, bổ trợ cho nhau, tạo sức hấp dẫn với du khách. Nhờ đó, du lịch Ninh Bình ngày càng trở nên nổi bật, tạo sức hút đặc biệt với sự hội tụ của nhiều loại hình du lịch, từ du lịch tâm linh, lịch sử, văn hóa đến sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm…, nhiều sản phẩm đặc sắc liên tục được ra mắt nhằm đẩy mạnh quảng bá những giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch.
Vẻ đẹp tuyệt sắc khơi dậy tiềm năng du lịch bền vững
Năm 2024, tỉnh Ninh Bình xây dựng và từng bước định vị thương hiệu du lịch “Tuyệt sắc miền Cố đô” nhằm khẳng định giá trị văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên độc đáo, là nền tảng để phát triển du lịch bền vững, thúc đẩy kinh tế địa phương, gia tăng sức hút với du khách quốc tế và tạo ra hình ảnh đặc trưng cho Ninh Bình trong ngành du lịch Việt Nam và toàn cầu.
Thông qua việc định vị thương hiệu, Ninh Bình từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên. Đồng thời, khuyến khích các hoạt động du lịch bền vững, bảo vệ môi trường, đảm bảo lợi ích lâu dài cho cộng đồng địa phương.
Hang Múa Ninh Bình được mệnh danh là chốn bồng lai tiên cảnh nơi hạ giới.
Thương hiệu du lịch “Tuyệt sắc miền Cố đô” không chỉ làm nổi bật vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ của Ninh Bình mà còn tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa của Cố đô Hoa Lư điều này tạo sự gắn kết giữa thiên nhiên, lịch sử và văn hóa, giúp du khách dễ dàng nhận diện và ghi nhớ, qua đó nâng cao giá trị hình ảnh của Ninh Bình trong mắt du khách trong nước và quốc tế.
Với thương hiệu du lịch “Tuyệt sắc miền Cố đô”, Ninh Bình không chỉ kỳ vọng sẽ thúc đẩy ngành du lịch phát triển mạnh mẽ, tạo động lực kinh tế và văn hóa, mà còn đóng góp vào tầm nhìn chung của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình và hội nhập toàn cầu. Việc xây dựng một thương hiệu du lịch mạnh mẽ, kết hợp giữa di sản lịch sử, thiên nhiên và văn hóa, sẽ giúp Ninh Bình trở thành một điểm sáng trong phát triển du lịch của Việt Nam và khu vực.