Liên quan đến vụ doanh nghiệp bỏ cọc đất đấu giá tại Thủ Thiêm, theo ý kiến của chuyên gia kinh tế, nếu các doanh nghiệp trúng đấu giá lần này đều bỏ cuộc thì đất vẫn còn đó chờ cuộc đấu giá lần sau, ngân sách Nhà nước vẫn được bổ sung thêm hàng nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp bỏ cọc lại thiệt hại rất nhiều kể cả vô hình và hữu hình.
Được biết, trước đó, Công ty Bất động sản Ngôi Sao Việt (đơn vị thuộc Tân Hoàng Minh và trực tiếp tham gia đấu giá) cũng đã có văn bản chính thức xin bỏ cọc mua bán quyền sử dụng lô đất số 3-12 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức).
Sau công ty Bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh là doanh nghiệp thứ hai có văn bản gửi đến các cơ quan liên quan, trong đó có Cục thuế TP.HCM có nội dung "xin không tiếp tục thực hiện dự án tại lô đất đã trúng đấu giá ở Thủ Thiêm", với số tiền đấu giá 5.026 tỷ đồng - gấp 6,9 lần so với giá khởi điểm.
Doanh nghiệp bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm chịu nhiều thiệt hại
Liên quan đến việc doanh nghiệp xin bỏ cọc lô đất trúng đấu giá tại Khu đô thị Thủ Thiêm (TP.HCM), tại cuộc họp báo vào cuối năm 2021, trả lời câu hỏi của phóng viên, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, việc đấu giá đất nếu diễn ra đúng quy định pháp luật thì đó là giao dịch bình thường. Nếu Tân Hoàng Minh rút lui thì sẽ mất tiền cọc, cũng là hoạt động bình thường và không có gì nghiêm trọng; việc xem xét sau này là của cơ quan quản lý.
Liên quan đến việc doanh nghiệp bỏ cọc thì sẽ chịu mất tiền đặt cọc, đó là cái thiệt mà doanh nghiệp phải chịu, trả lời báo chí, TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế cho rằng, người ta trúng đấu giá xong người ta bỏ hay xin không tiếp tục thực hiện dự án và mất cọc là chuyện bình thường. Điều đó đã được thiết kế trong quy định về đấu giá. Hay nói cách khác, khi tổ chức đấu giá và có người trúng đấu giá đã lường trước đến chuyện bỏ cọc, vì vậy mới có quy định đặt cọc.
“Không phải cứ trúng đấu giá nhưng các doanh nghiệp cùng nhau bỏ cọc thì coi vụ đấu giá đất đó như là "trò đùa" giống như suy nghĩ của một số người. Theo tôi, đó là tư duy hoàn toàn không đúng” – TS. Vũ Đình Ánh nói.
Đồng thời vị chuyên gia cũng đưa ra dự đoán, trong vụ đấu giá đất Thủ Thiêm này, theo quy chế, ngày 6/2 các doanh nghiệp phải đóng lệ phí trước bạ và 50% tiền sử dụng đất (đợt 1). Tuy nhiên, ngoài 2 doanh nghiệp là Tân Hoàng Minh và DN Bình Minh, tôi cho rằng, nhiều khả năng 2 doanh nghiệp còn lại cũng sẽ bỏ cọc.
“Giả sử cả 4 doanh nghiệp trúng đấu giá lần này đều bỏ cuộc thì đất vẫn còn đó chờ cuộc đấu giá lần sau, ngân sách Nhà nước vẫn được bổ sung thêm hơn 1.000 tỷ đồng từ tiền đặt cọc. Như vậy, dù trong trường hợp này thì Nhà nước không mất tiền, ngược lại còn được tiền, thậm chí rất nhiều tiền” – ông Ánh nói.
Về vấn đề “ai thiệt ai hơn” trong vụ đấu giá đất tại Thủ Thiêm được dư luận quan tâm nhiều nhất thời gian vừa qua, đến nay vẫn có nhiều ý kiến trái chiều. Một số ý kiến cho rằng, việc các doanh nghiệp trúng đấu giá lô đất ở Thủ Thiêm với giá “trên trời” đã khiến các nhà đầu tư đã phải bỏ cuộc vì mức giá này quá cao, không phù hợp với đơn giá và tính khả thi của dự án. Cùng với đó, sự việc trên cũng tạo ra hệ lụy khi giá đất bị đẩy lên mức quá cao so với giá trị thực ở thời điểm hiện tại sẽ ảnh hưởng xấu đến tính ổn định, bền vững của thị trường bất động sản…
Về vấn đề doanh nghiệp bỏ cọc thì doanh nghiệp được gì, mất gì, thị trường ảnh hưởng ra sao, chuyên gia Vũ Đình Ánh cũng cho hay, “Doanh nghiệp mất rất nhiều, cả vô hình và hữu hình. Thứ nhất, các doanh nghiệp này đã bỏ ra rất nhiều công sức để tham gia đấu giá như Tân Hoàng Minh hay Bình Minh,… tốn thời gian, tốn công sức. Thứ hai, những doanh nghiệp này cũng phải lo một khoản tiền lớn, như Tân Hoàng Minh là gần 600 tỷ đồng, Bình Mình đâu đó khoảng hơn 100 tỷ đồng. Thứ ba, tất cả những người đi đấu giá nghiêm túc đều mong muốn là trúng đấu giá chứ không phải không trúng và như vậy mỗi một bước giá họ đều phải tính toán chứ không phải "thích sao bỏ vậy" bởi điều này còn ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp "cực chẳng đã" mới bỏ cọc chứ nếu không doanh nghiệp nào mong muốn bỏ ra bao nhiêu công sức, tiền của nhưng bây giờ vừa mất trắng cả mấy trăm tỷ, vừa chịu cả tai tiếng,…Tóm lại, thiệt hại của doanh nghiệp là rất nhiều, kể cả vô hình và hữu hình, nên quyết định như thế là quyết định "đau đớn"” – ông Ánh nói.
Còn về ý kiến cho rằng việc doanh nghiệp đưa ra mức giá đấu thầu quá cao gây ảnh hưởng đến tính ổn định của thị trường bất động sản, ông Ánh nhìn nhận: “Cá nhân tôi cho rằng, không có bằng chứng, căn cứ gì việc đấu giá đất Thủ Thiêm như thế làm rối loạn thị trường cả. Đây là trường hợp đấu giá đặc biệt, đất Thủ Thiêm là đất đặc biệt và mảnh đất trúng đấu giá là mảnh đất đặc biệt”.
Thực tế, việc nhà đầu tư bỏ cọc sau khi đấu giá trúng thời gian qua không phải là chuyện hiếm gặp. Điều 48 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định, người trúng đấu giá có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản đấu giá cho người có tài sản đấu giá theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.
Khoản 5 Điều 68 Nghị định 43/2014/NĐ-CP sửa đổi cũng nêu rõ, trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền theo đúng phương án đấu giá quyền sử dụng đất thì UBND cấp có thẩm quyền hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Như vậy, đối chiếu các quy định trên, ngoài việc bị hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất, nhà đầu tư còn mất khoản tiền đặt trước.