13/12/2024 lúc 03:09 (GMT+7)
Breaking News

Vốn ngoại tiếp tục đổ vào Việt Nam nhằm mở ra cơ hội phát triển kinh tế hội nhập

VNHN - Trong 2 tháng đầu năm 2020, ngành điện, điện lạnh và chế biến chế tạo tiếp tục dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Theo các chuyên gia kinh tế, điều này xuất phát từ lợi thế Việt Nam ký kết thành công EVFTA.

VNHN - Trong 2 tháng đầu năm 2020, ngành điện, điện lạnh và chế biến chế tạo tiếp tục dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Theo các chuyên gia kinh tế, điều này xuất phát từ lợi thế Việt Nam ký kết thành công EVFTA.

Mặt khác, làn sóng dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài đến Việt Nam vốn diễn ra từ cuối năm 2019 đang được đẩy nhanh hơn vào đầu năm 2020. Thống kê của Bộ KH-ĐT, tính từ đầu năm 2020 đến nay, nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn FDI vào các ngành sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa đạt 3.841,5 triệu USD, chiếm 68,1% tổng vốn đăng ký.

Còn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1.428,5 triệu USD, chiếm 25,3%; các ngành còn lại đạt 371,8 triệu USD, chiếm 6,6%. Hiện đã có 38 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam. Trong đó, Singapore vươn lên là nhà đầu tư lớn nhất với 4.111 triệu USD, chiếm 82,2% tổng vốn đăng ký mới. Kế đến là Trung Quốc với 418 triệu USD, chiếm 8,4%. Tính lũy kế đến năm 2019, EU là đối tác đầu tư lớn thứ 4 tại Việt Nam với trên 2.240 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là 24,67 tỷ USD, tương đương 7,6% tổng vốn FDI vào Việt Nam.

EU đã đầu tư vào 18/21 ngành theo hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân và có mặt tại 54 tỉnh, thành trên cả nước. Theo Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) Việt Nam, khảo sát của tổ chức công bố vào tháng 2 vừa qua cho thấy, Việt Nam đang là điểm đến hàng đầu của DN Nhật Bản trong năm 2020. Cụ thể, trong 122 DN được khảo sát đã trả lời rằng sẽ di chuyển địa điểm sản xuất. Trong đó, 62,7% nguồn di chuyển là Trung Quốc, còn nơi chuyển đến là Việt Nam với 42,3%. Xếp sau Việt Nam là Thái Lan (20,6%), Philippines (18,6%), Indonesia (16,5%).

Tuy nhiên, khác với các nhà đầu tư EU, nhà đầu tư Nhật Bản chọn hướng đầu tư đa dạng hơn tại Việt Nam. Theo đó, DN Nhật Bản đầu tư mạnh vào lĩnh vực chế biến, chế tạo kết hợp với hỗ trợ DN trong nước hoàn thiện năng lực để gia nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc gia tăng DN sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam sẽ giúp DN Nhật Bản gia tăng tỷ lệ cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nội địa, tạo nền tảng vững chắc cho DN sản xuất sản phẩm đầu cuối của Nhật khi tham gia vào thị trường Việt Nam.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty MTEX (Nhật Bản) trong Khu chế xuất Tân Thuận, TPHCM. Ảnh: sggp.org.vn

Ở góc độ khác, những DN sản xuất hàng tiêu dùng Nhật Bản cũng đang phủ kín sự hiện diện của mình thông qua hệ thống phân phối bán lẻ Nhật Bản, hoặc mở hàng loạt cửa hàng. Đơn cử, Aeonmall đã thay đổi chiến lược đầu tư và xác định Việt Nam là thị trường quan trọng nhất của khu vực Đông Nam Á.

Đại diện tập đoàn này khẳng định, ban đầu tập đoàn chỉ đầu tư tại TPHCM và Hà Nội, nhưng do hiệu quả kinh doanh tốt ngoài mong đợi nên sẽ phủ sóng đầu tư trung tâm thương mại trên toàn quốc. Hiện Aeonmall đã đầu tư 200 triệu USD cho mỗi trung tâm thương mại tại TPHCM, Đồng Nai, Hà Nội, Hải Phòng. Đây là một bước ngoặt lớn nằm trong chiến lược xây dựng 20 trung tâm thương mại của tập đoàn này. Hay như gần đây, Tập đoàn Fast Retailing của Nhật Bản đã khai trương và đưa vào hoạt động cửa hàng Uniiqlo tại TPHCM và Hà Nội.

Theo ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham, việc Chính phủ Việt Nam ra mắt cổng thông tin dịch vụ công quốc gia đã tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa Chính phủ, người dân và khối DN, đẩy nhanh tiến trình cải cách thủ tục hành chính. Việt Nam cần đầu tư nhanh thiết bị kiểm tra chuyên ngành hiện đại để tăng khả năng kiểm tra tự động hóa, rút ngắn thời gian thông quan. Ở lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, cần thắt chặt công tác kiểm soát hàng gian, hàng giả, nhất là hàng giả thương hiệu cao cấp. Một vấn đề quan trọng khác là thực hiện nghiêm quyền sở hữu trí tuệ.

Còn ở chiều ngược lại, các DN Việt muốn tăng thị phần xuất khẩu vào châu Âu thì phải cải tiến chất lượng hàng hóa và mẫu mã, hình thức bao bì sản phẩm. Trường hợp nhãn hiệu sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ và được châu Âu đồng chứng nhận thì sẽ có lợi thế xuất khẩu vào thị trường thế giới nói chung và EU nói riêng.

Liên quan đến vấn đề này, về phía Bộ Công thương khẳng định, hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành rà soát Luật Sở hữu trí tuệ nhằm điều chỉnh phù hợp với các cam kết sâu hơn trong EVFTA và các FTA thế hệ mới khác, nhằm đảm bảo quyền lợi tối ưu đã cam kết với các nhà đầu tư và quốc gia thành viên FTA.

Song song đó, rà soát hàng loạt đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật DN, Luật Đất đai và một số luật về thuế... để phù hợp với các quy định và tuân thủ nguyên tắc hợp tác trong khuôn khổ FTA mà Việt Nam đã ký kết. Có thể thấy, xét về chiến lược phát triển kinh tế chung ở Việt Nam, sự ổn định mà cả nước đang nhắm tới để hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại song và đa phương, sẽ tiếp tục tạo ra nhiều cơ hội cho thương mại và đầu tư trong thời gian tới.