16/01/2025 lúc 20:18 (GMT+7)
Breaking News

Vĩnh Phúc đẩy mạnh phát triển các làng nghề truyền thống

Vĩnh Phúc có 19 làng nghề truyền thống được công nhận và hàng chục làng có nghề tiểu thủ công nghiệp sản xuất nhiều mặt hàng đặc thù của địa phương. Những năm qua, nhờ duy trì, phát triển tốt hoạt động làng nghề, các địa phương không chỉ giải quyết được bài toán việc làm cho lao động, nâng cao mức sống cho người dân mà còn đưa cơ cấu kinh tế - xã hội chuyển dịch đúng hướng.

Vĩnh Phúc có 19 làng nghề truyền thống được công nhận và hàng chục làng có nghề tiểu thủ công nghiệp sản xuất nhiều mặt hàng đặc thù của địa phương. Những năm qua, nhờ duy trì, phát triển tốt hoạt động làng nghề, các địa phương không chỉ giải quyết được bài toán việc làm cho lao động, nâng cao mức sống cho người dân mà còn đưa cơ cấu kinh tế - xã hội chuyển dịch đúng hướng.

Ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, 3 tháng gần đây hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ dân làm nghề mộc ở làng Lũng Hạ, xã Yên Phương, huyện Yên Lạc trầm lắng hơn mọi năm. Thế nhưng các hộ dân vẫn mài, đục, nghiên cứu, sáng tạo ra những hoa văn, mẫu án gian, kệ sập mới và chuẩn bị nguồn nguyên phục vụ nhu cầu sản xuất cuối năm, bởi theo họ, áp Tết là thời điểm hoạt động sôi động nhất của làng nghề.

Đang tỉ mẩn dùng máy mài các hoa văn án gian cho một khách hàng ở Phú Thọ, ông Lê Văn Hiện, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ nội thất và đồ thờ Hiện Ký cho biết: "Chưa khi nào hoạt động của làng nghề lại ảm đạm như 3 tháng trở lại đây. Doanh thu, đơn đặt hàng, lượng khách đến hỏi mua giảm 1/3 so với cùng kỳ các năm trước. Tuy nhiên, chúng tôi không buồn vì đó là thực trạng chung của các làng nghề do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19."

Ông Hiện hy vọng dịch bệnh Covid-19 sẽ được đẩy lùi để những sản phẩm làng nghề Lũng Hạ được tiêu thụ mạnh vào dịp cuối năm

Theo ông Hiện, đơn đặt hàng thường tăng mạnh từ tháng 10 âm lịch. Trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất và tiêu thụ khoảng 200-250 sản phẩm. Để giao đủ hàng cho khách dịp cuối năm, ngoài 8 lao động thường xuyên, gia đình ông còn thuê một số lao động mùa vụ làm tại nhà và liên kết với 3 cơ sở trong làng. Dù vất vả và bận rộn song doanh thu 3 tháng cuối năm tăng mạnh, khoảng 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/tháng, gấp đôi so với những tháng giữa năm nên người làm nghề rất hứng khởi. “Với uy tín lâu năm và chất lượng sản phẩm tốt, mẫu mã đa dạng, chúng tôi không lo sản phẩm đầu ra, chỉ mong sao dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi cả nước được đẩy lùi để việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa thuận lợi, vì hiện nay, các sản phẩm làng nghề Lũng Hạ đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước”- ông Hiện nói.

Vừa cẩn thận chuyển lên ô tô chiếc sập được sản xuất theo lối mai thọ và tứ linh với giá hơn 40 triệu đồng cho khách hàng ở Tuyên Quang, ông Nguyễn Văn Thọ, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ và đồ thờ Truyền Thọ cho biết, đây là chiếc sập thứ 2 gia đình ông bán được trong tháng 6. 5 năm trở lại đây, nghề mộc ở Lũng Hạ có nhiều khởi sắc, các xưởng quanh năm có đơn đặt hàng nhưng sôi động nhất là từ tháng 10 âm lịch hằng năm. Ở đây, người làm mộc không giấu nghề, họ thường xuyên trao đổi, chia sẻ với nhau về kỹ thuật sản xuất, xu hướng mẫu mã mới, thậm chí là cả thị trường tiêu thụ sản phẩm, thị trường mua nguyên liệu, bởi để làng nghề tồn tại, phát triển, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường thì những người làm nghề đều phải có ý thức gìn giữ, phát huy được những giá trị tốt đẹp của nghề truyền thống và cùng nắm bắt được các xu hướng, nhu cầu sử dụng sản phẩm của khách hàng.

Ông Đào Văn Sông, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phương cho biết, hiện toàn xã có trên 300 hộ làm mộc, tập trung chủ yếu ở làng Lũng Hạ. Nghề mộc phát triển không chỉ giải quyết việc làm tại chỗ cho gần 600 lao động, với mức lương bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, đạt và vượt các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Đặc biệt, nhờ có công việc, thu nhập ổn định từ làm nghề mộc, nhiều thanh niên trong xã đã gắn bó, phát triển, mở rộng quy mô hoạt động của làng nghề, tránh xa các tệ nạn xã hội, giúp Yên Phương nhiều năm liền là điểm sáng của tỉnh không có người nghiện ma túy.

Được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2006, những năm qua, nhờ chất lượng sản phẩm tốt, các sản phẩm của làng rèn Lý Nhân đã tạo dựng được thương hiệu riêng và được tiêu thụ ở nhiều tỉnh núi phía bắc, đồng bằng sông Cửu Long và được xuất khẩu sang thị trường một số nước như Lào, Campuchia, Trung Quốc …

Nhiều công đoạn làm ra các sản phẩm ở làng rèn vẫn được làm thủ công

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trọng cho biết, làm nghề rèn không hề đơn giản vì ngoài sức khỏe, người thợ cần có kinh nghiệm, đôi bàn tay khéo léo, khối óc sáng tạo. Ngày nay, nhờ khoa học công nghệ phát triển, phần lớn các hộ dân trong làng đã đầu tư mua máy cán thép, máy dập, máy cắt gọt kim loại, máy phau, máy mài…vào sử dụng nhưng không có nghĩa tất cả các công đoạn đều được thay thế bằng máy móc; nhiều công đoạn, người thợ vẫn phải làm thủ công mới có thể làm ra một sản phẩm tốt, chất lượng.

Theo ông Trọng, trong các khâu sản xuất, người thợ phải đặc biệt chú ý đến việc tôi thép vì tôi thép già hay non một chút là sản phẩm sẽ không đạt chất lượng. Non quá thì dao, búa dễ bị quăn lưỡi, già quá sẽ bị mẻ hoặc rạn. Các thợ lành nghề ở Lý Nhân khi sản xuất ra các sản phẩm thường dựa vào kinh nghiệm. Họ chỉ cần nhìn vào hoa lửa bắn ra hoặc nghe tiếng máy kêu là biết được sản phẩm hoàn thiện hay chưa, vật rèn vào lò nung đang ở trạng thái nào, độ phát sáng ra sao, tôi vào lúc nào, ủ như thế nào…

Ông Trần Hoàng Hà, cán bộ khuyến nông xã Lý Nhân cho biết, hiện toàn xã có 671 hộ làm nghề rèn với trên 1.400 lao động làm nghề, thu nhập bình quân từ 5,5-6 triệu đồng/người/tháng. Để duy trì, phát triển làng nghề, những năm qua, xã Lý Nhân đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật; tăng cường các hoạt động hỗ trợ, giúp các hộ dân tiếp cận được với các nguồn vốn vay ưu đãi, mở rộng quy mô sản xuất và thành lập Hiệp hội làng nghề giúp nhau cùng phát triển.

Đến nay, toàn xã có trên 3.600 máy búa, máy cán, máy dập phôi…phục vụ nghề rèn, giúp giải phóng bớt sức lao động của người thợ. Nhờ đó, năng suất, chất lượng sản phẩm làng nghề ngày càng tăng. Trung bình mỗi tháng, mỗi người thợ có thể làm ra từ 2.000-3.000 sản phẩm, chủ lực là dao, cuốc, xẻng, liềm, rìu, rựa.

Đặc biệt, 6 tháng đầu năm, vượt qua khó khăn, ảnh hưởng của dịch Covid-19, Lý Nhân đã đưa hàng triệu sản phẩm đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu sang Lào, Trung Quốc, Campuchia với tổng doanh thu gần 80 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. "Trong cuộc sống hiện đại, các sản phẩm của Lý Nhân có chỗ đứng trên thị trường không phải bởi sự lâu năm của lịch sử làng nghề mà là chất lượng của nó và chừng nào nghề nông còn tồn tại thì chừng đó còn cần đến sản phẩm làng rèn Lý Nhân” – ông Hà nói.

Nằm sâu trong một con ngõ nhỏ của thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, hàng chục hộ làm gốm vẫn đang miệt mài sáng tạo ra các dòng gốm mỹ nghệ, gốm phong thủ, gốm trang trí nội, ngoại thất với nhiều kiểu dáng hóa văn mới lạ, độc đáo nhằm đáp ứng theo từng mục đích, gu thẩm mỹ riêng của khách hàng.

Dưới đôi bàn tay khéo léo của anh Quang, những lọ hoa, bình gốm mỹ thuật ngày càng được người tiêu dùng ưu thích

Anh Nguyễn Hồng Quang, một trong bốn nghệ nhân ở làng gốm Hương Canh cho biết, gia đình anh đã gắn bó với nghề được ba đời. Trước sự cạnh tranh và xu thế của thị trường, anh đã đi học và chuyển sang làm gốm mỹ thuật. Từ những chum, vại đựng tương, cà, mắm, muối, anh đã biến hóa, cách điệu để có những chiếc bình, chiếc lọ, những đĩa treo tường, gạch ốp, phù điêu...được người tiêu dùng ưa thích.

Theo anh Quang, hiện cả làng có gần chục hộ theo nghề. Sự khác biệt của gốm Hương Canh với những sản phẩm gốm khác ở chỗ: Đất làm gốm phải là đất sét xanh và đất sét nâu trộn theo tỷ lệ 40% - 60%. Hai loại đất này đều là đất sét mịn nhất lắng đọng lại từ các dòng chảy ở Bình Xuyên. Đất sét nâu tầng trên tạo cho gốm tiếng kêu rất vang, thanh; đất sét xanh tầng dưới kết hợp với đất nâu tạo độ mịn, láng. Gốm được nung ở nhiệt độ 1.200 độ trong 40 tiếng để các phân tử kết hợp với nhau tạo thành kết cấu tốt, bền vững, đem lại tỷ lệ thành phẩm là 100%.

Từ những vật dụng nhỏ như bộ ấm chén, bình hoa đến những cái chum, vại hay những chiếc bình đều rất tinh xảo và đẹp mắt, đặc biệt, chúng có tiếng vang rất trong và thanh, khác biệt với những sản phẩm gốm khác. Đến nay, các sản phẩm gốm của anh đã hướng mạnh đến thị trường xuất khẩu, có nhiều khách hành, đơn hàng từ Hàn Quốc, Canada, Đức…tìm đến đặt mua.

Theo thống kê, hiện Vĩnh Phúc có 27 làng nghề, trong đó có 19 làng nghề truyền thống, 8 làng nghề mới với các lĩnh vực sản xuất chủ yếu là mộc, gốm, đan lát, chế tác đá, rèn, chế biến nông, lâm, thủy sản. Các làng nghề đang giải quyết việc làm cho gần 60.000 lao động với mức lương từ 4,5-6 triệu đồng/người/tháng.

Để các làng nghề phát triển, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Phúc sẽ hình thành 24 cụm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống; ban nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các làng nghề phát triển như: Quyết định số 17/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý, tổ chức thực hiện việc học nghề và truyền nghề trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 12/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh về quy định một số nội dung thực hiện Nghị quyết số 52/2018/NQ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ về vốn, công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp - làng nghề, đưa các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp vào hoạt động, giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư. Tăng cường quảng bá sản phẩm làng nghề thông qua các hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm để mở rộng thị trường tiêu thu.

Đẩy mạnh phát triển các mô hình làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch làng nghề; triển khai các chính sách đối với nghệ nhân, thợ giỏi nghề thủ công mỹ nghệ. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền đến các đối tượng thụ hưởng chính sách liên quan đến hoạt động khuyến công, giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn kịp thời nắm bắt, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hình thành hệ thống phân phối lớn trong và ngoài nước.