VNHN - Để xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước đưa nông nghiệp phát triển quy mô lớn, mang lại giá trị kinh tế cao.
Tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ máy nông nghiệp cho các hộ dân trong sản xuất nông nghiệp
Thực hiện Nghị quyết số 202 của HĐND về chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã hình thành các vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn Vietgap, chăn nuôi gia súc tập trung. Thành lập các cơ sở chế biến nông sản thực phẩm, các chuỗi liên kết trong sản xuất – chế biến – tiêu thụ. Chính vì vậy, năng suất và giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh ngày càng tăng.
Cụ thể, từ 2016 đến 2019, tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ 1.668 máy nông nghiệp cho các hộ nông dân, với tổng kinh phí trên 32,5 tỷ đồng. Nhiều thiết bị hiện đại được sử dụng trong sản xuất, chăn nuôi thủy sản như: Máy thái cỏ, máy vắt sữa bò, máy nghiền trộn thức ăn cho gia súc, gia cầm...
Không những thế, Tỉnh đã tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại nông sản lớn và tham gia 19 hội chợ triển lãm, đưa các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: Thanh long ruột đỏ, cá thính Lập Thạch; mật ong Tam Đảo; trừng gà an toàn sinh học Tam Dương...Bên cạnh đó, để quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp, các ngành chức năng của tỉnh đã tiến hành kiểm tra, đánh giá xếp loại điều kiện vệ sinh thực phẩm đối với 1.374 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Hội chợ thanh long ruột đỏ Lập Thạch Vĩnh Phúc
Từ việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc ngày càng phát triển. Điển hình, như ngành trồng trọt, các cây trồng có giá trị kinh tế cao như: bí đỏ, bí xanh, cà chua, su su, được chú trọng sản xuất. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp sản xuất rau, củ, quả với quy mô lớn trong và ngoài tỉnh được hình thành. Đồng thời, các mô hình sản xuất rau, quả theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ phát triển mạnh.
Trong thời gian tới, để thúc đẩy ngành nông nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch để nâng cao hiệu quả sản xuất, và đa dạng hóa sản phẩm cho tiêu dùng. Tiếp tục ứng dụng công nghệ cao trong từng khâu sản xuất, giảm xuất khẩu sản phẩm thô. Song song với đó, gắn hoạt động kinh tế của các làng nghề với dịch vụ, du lịch và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Với cơ chế, chính sách phù hợp, những năm gần đây, năng suất, sản lượng nông sản của Tỉnh đều tăng. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho những nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ và người dân tỉnh Vĩnh Phúc. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao, nhân dân thêm hăng say lao động sản xuất. Từ đó, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước./.
Hương Hoàng