Để tiếp nối những thành công và vượt chỉ tiêu thu hút từ 2,0-2,5 tỷ USD vốn FDI, 20-25 nghìn tỷ đồng vốn DDI trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, triển khai có hiệu quả các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư.
Như các ngành, lĩnh vực khác, từ đầu năm 2020 đến nay, hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh chịu tác động không nhỏ của dịch bệnh Covid-19. Nếu trước đây, mỗi năm tỉnh tổ chức từ 4-6 đoàn công tác xúc tiến đầu tư ra nước ngoài thì từ khi dịch bệnh đến nay, tỉnh chuyển hướng quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư qua kênh ngoại giao thông qua các diễn đàn, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và các tổ chức xúc tiến đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam.
Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ bằng cách chăm sóc tốt các nhà đầu tư đang sản xuất kinh doanh tại tỉnh để thành công của chính các doanh nghiệp là minh chứng, hình ảnh quảng bá môi trường đầu tư của tỉnh tốt nhất, lan tỏa đến các doanh nghiệp khác.
Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn dịch bệnh, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp về chính sách, thủ tục hành chính, thu hút lao động, xuất nhập khẩu và tạo điều kiện đưa hơn 1.800 quản lý cấp cao, chuyên gia, kỹ sư của các doanh nghiệp FDI vào tỉnh làm việc. Kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị, các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đất đai, xử lý rác thải, hạ tầng giao thông, hệ thống giao thông công cộng.
Bên cạnh đó, tăng cường hướng dẫn, chuẩn bị quỹ đất lớn và thông qua nhiều chính sách mới tạo động lực trong thu hút đầu tư như: Chế độ thưởng giải phóng mặt bằng nhanh cho người sử dụng đất và các tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn bằng cách sử dụng ngân sách tỉnh hỗ trợ trực tiếp cho khoản chênh lệch lãi suất vay mà doanh nghiệp được hỗ trợ, mức hỗ trợ cao nhất một tỷ đồng/dự án.
Thích ứng với bối cảnh dịch bệnh, năm 2021, tỉnh đang tích cực triển khai 11 giải pháp thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư, trong đó ưu tiên số một là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư vào khu công nghiệp. Hiện thực hóa những cam kết với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong việc cung cấp điện, các dịch vụ thiết yếu đến chân hàng rào các khu, cụm công nghiệp, dự án, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng sản xuất, thay đổi phương án sản xuất kinh doanh.
Với 15 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có dự án khu công nghiệp Sông Lô II, quy mô hơn 165 ha; khu công nghiệp Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa gần 150 ha và Tam Dương I - khu vực 2 quy mô 162 ha, Vĩnh Phúc đang có rất nhiều thuận lợi trong thu hút đầu tư và minh chứng rõ nhất là 4 tháng đầu năm nay, thu hút vốn FDI vào các khu công nghiệp của tỉnh đạt trên 112,5 triệu USD, cao hơn 11 triệu USD so với 6 tháng đầu năm 2020.
Dự án khu công nghiệp Sông Lô II được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư
Quyết tâm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, UBND đã giao Sở Ngoại vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án tổng thể công tác đối ngoại và xúc tiến đầu tư của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất và người, lịch sử văn hoá, những thành tựu, tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Đồng thời, ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới tiên tiến, thân thiện với môi trường. Chú trọng thu hút dự án FDI từ các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản, Hàn Quốc, đồng thời, hướng tới các đối tác tiềm năng đến từ châu Âu và Hoa Kỳ.