Với phương châm “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc”, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư. Môi trường đầu tư được các nhà đầu tư đánh giá cao; nhiều năm liền Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn nằm trong top đầu của cả nước.
Điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư
Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng tình hình sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc vẫn cơ bản giữ được sự ổn định. Hơn nữa, đây và là năm thu hút đầu tư đạt cao nhất từ trước đến nay.
Theo đó, tính hết năm 2021, toàn tỉnh thu hút được 429 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 7,1 tỷ USD của 20 quốc gia, vùng lãnh thổ; 824 dự án DDI, tổng vốn đầu tư gần 110 nghìn tỷ đồng, tăng 421 dự án FDI và 823 dự án DDI so với năm 1998. Sự hấp dẫn của môi trường đầu tư và hiệu ứng lan tỏa từ hiệu quả kinh doanh sản xuất của các nhà đầu tư hiện có, thu hút các dự án FDI tăng mạnh cả về số dự án, số vốn đầu tư, từ 26 dự án năm 2015 tăng lên 30 dự án năm 2016, 40 dự án năm 2017, 57 dự án năm 2018, 56 dự án năm 2019. Riêng năm 2020, vượt qua khó khăn ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, toàn tỉnh thu hút mới và điều chỉnh tăng vốn cho 60 dự án FDI mới, tổng vốn trên 677 triệu USD.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cho biết: Mặc dù đã trải qua nhiều thời kỳ thu hút FDI với định hướng khác nhau, nhưng với phương châm “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc”, tỉnh đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư phù hợp với bối cảnh thực tế của địa phương. Đó là lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực để đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; giảm giá thuê đất và gia hạn nộp thuế đất; đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng...
Đồng chí Lê Duy Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc
Cụ thể, tỉnh đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi riêng đối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp như: áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 15 năm đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất phần mềm, sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20% trong thời gian 10 năm đối với những dự án sản xuất thép cao cấp, sản xuất máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tùy theo ngành nghề, các doanh nghiệp có thể được áp dụng chế độ miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 2 đến 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp từ 4 đến 9 năm tiếp theo.
Đặc biệt, để công nghiệp duy trì đà tăng trưởng ngay cả trong đại dịch Covid-19, Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thường xuyên gặp gỡ, động viên các doanh nghiệp. Kịp thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 105 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã; hỗ trợ chỗ ở cho các chuyên gia, người lao động. Đồng thời, công khai số điện thoại đường dây nóng của Tổ giúp việc Chủ tịch UBND tỉnh và số điện thoại giải quyết phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Đón thời cơ mới sau đại dịch Covid-19
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đặt mục tiêu phấn đến năm 2025 trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt 80 đến 85 triệu đồng/người/năm; kết cấu hạ tầng đô thị cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I, trong đó Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Đảo đạt tiêu chí đô thị loại IV. Đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ bản đủ các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương...
Cụ thể hóa mục tiêu này, dự kiến giai đoạn 2021-2030, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng từ 23 đến 25 khu công nghiệp với tổng quỹ đất khoảng 7.000ha. Các dự án đầu tư, khu công nghiệp mới được bố trí phát triển chủ yếu tập trung gần các đô thị lớn, có vị trí tiếp giáp với thủ đô Hà Nội; địa điểm có các điều kiện về hạ tầng tốt nhưng vẫn bảo đảm khai thác các khu công nghiệp tại các khu vực gò đồi, đất xấu và hạn chế quy hoạch chuyển đổi đất nông nghiệp.
Theo đánh giá của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, việc thực hiện theo đúng lộ trình sẽ giúp Vĩnh Phúc đến năm 2025 thu hút được 5,88 tỷ USD vốn đầu tư các dự án FDI vào các khu công nghiệp; doanh thu của các dự án đạt 5,46 tỷ USD, tăng 1,2 lần so với năm 2020; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD; nộp ngân sách đạt 3.500 tỷ đồng, tăng 1,1 lần so với năm 2020. Các doanh nghiệp FDI sẽ giải quyết việc làm cho trên 115 nghìn lao động.
Còn với các dự án DDI, nếu bình quân mỗi năm thu hút thêm 10 dự án thì đến năm 2025, các khu công nghiệp thu hút được 23.518 tỷ đồng dự án DDI; doanh thu của các dự án đạt 18.100 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2020; kim ngạch xuất khẩu đạt 90 tỷ đồng, tăng 1,5 lần; nộp ngân sách đạt 535 tỷ đồng, tăng 1,2 lần so với năm 2020 và giải quyết việc làm cho trên 7,3 nghìn lao động.
Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan trao Quyết định chủ trương đầu tư dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc cho ông Đỗ Quang Hiển, đại diện Liên danh Tập đoàn T&T Group - Tập đoàn YCH - YCH Holdings (Singapore).
Trong thời gian tới, cùng với quyết liệt phòng chống, dịch bệnh Covid-19, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp bảo đảm cho sự ổn định và phát triển. Qua đó, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế, đưa Vĩnh Phúc trở thành "địa chỉ vàng" của các nhà đầu tư.