Ngày 1 tháng 6 năm 2024 vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã tròn 35 tuổi, một con số thật đẹp. Nhân dịp này, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã ôn lại những kỷ niệm, chia sẻ với chúng ta về lịch sử hình thành và phát triển của Viettel – một tập đoàn viễn thông và công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam. Giống như chia sẻ trước đây của Tướng Hiệu về sự thành công của Tân Cảng Sài Gòn nhờ tầm nhìn và chiến lược phát triển, trong bài viết này, ông cũng muốn dành lời ca ngợi đến tầm nhìn và chiến lược phát triển của Quân uỷ Trung ương và Bộ quốc phòng (trong quá trình này gồm có Đại tướng Đoàn Khuê và Thượng tướng Đào Đình Luyện – Tổng Tham mưu trưởng). Những vị lãnh đạo này đã sớm có nhận thức, kế hoạch và tầm nhìn chiến lược xuất sắc, góp phần đưa Viettel đạt được những thành tựu như ngày hôm nay.
Cách đây 35 năm, Viettel (ban đầu là Tổng Công ty Điện tử Thiết bị Thông tin – SIGELCO) thuộc Bộ Tư lệnh Thông tin Liên lạc, một đơn vị của Quân đội Nhân dân Việt Nam, được thành lập với nhiệm vụ chính là xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông cho quân đội. Trong quá trình, Viettel được điều hành bởi Trung tướng Hoàng Anh Xuân - Giám đốc, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng và Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc... Ở giai đoạn đầu, Viettel đã gặp rất nhiều khó khăn do phải cạnh tranh với các doanh nghiệp viễn thông nhà nước. Và để đạt được thành tựu to lớn như bây giờ, đó là cả một quá trình mà Viettel đã phải nỗ lực thuyết phục, chứng minh, thậm chí đấu tranh rất quyết liệt.
Để thành lập ra Viettel, tạo nên sự cạnh tranh và phát triển trong lĩnh vực viễn thông, Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng khi đó đã phải xin phép đồng chí Lê Đức Anh - Chủ tịch nước. Đối với tướng Hiệu, sự cạnh tranh này là yếu tố cần thiết để phát triển, nếu không có sự cạnh tranh nào thì ngành đó sẽ chỉ “dậm chân tại chỗ”, không bao giờ phát triển được.
Trong hoàn cảnh đó, Tướng Hiệu, khi ông đang là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng Văn phòng Bộ thực hiện báo cáo về chiến lược phát triển Viettel với Thủ tướng Phan Văn Khải. Để có được sự đồng ý của Thủ tướng cũng phải trải qua một quy trình. Khi nhận được báo cáo từ Tướng Hiệu, Thủ tướng Phan Văn Khải cần phải cân nhắc và lắng nghe nhiều thông tin từ các phía để chỉ đạo vụ việc này, sau đó ông quyết định đồng ý về mặt nguyên tắc, cho Viettel ra mắt và phát triển theo lộ trình đã được đề ra.
Với chiến lược bảo vệ tổ quốc trước mắt và lâu dài, Viettel không chỉ phục vụ trong chiến tranh và bảo vệ quốc gia, mà còn hỗ trợ chính trị và kinh tế trong thời bình. Chính nhờ lý do này, cùng với chỉ đạo chiến lược và quyết tâm từ Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, việc thành lập Viettel đã được đồng ý với tính thuyết phục cao, và nhờ quyết định cũng như trách nhiệm cao của đồng chí Xuân, các kế hoạch đã được thực hiện một cách hoàn hảo.
Thủ tướng Phan văn Khải cùng tướng Hiệu dự ra mắt báo điện tử QĐND năm 2002 (Ảnh: NVCC)
Viettel ra đời và thương hiệu được giới thiệu với cả nước, đây cũng chính là cột mốc đầu tiên trong quá trình phát triển Viettel. Tới đây, Tướng Hiệu nhớ lại 1 câu chuyện, khi đó, đội ngũ chuyên môn kĩ thuật của Viettel phải ở nhà khách của Bộ Tư lệnh Thông tin, một nơi mà chẳng có mấy ai đến thăm. Tướng Hiệu thời điểm đó đang là Thứ trưởng, ông đã đến thăm và gửi những lời động viên tới đội ngũ, bên cạnh đó cũng có đài truyền hình Hà Nội tới đưa tin giới thiệu thương hiệu Viettel mới ra đời. Tới nơi Tướng Hiệu mới biết đó là khu vực khó khăn, tình trạng mất điện xảy ra rất thường xuyên. Khi ông và đài truyền hình tới thăm, họ đã phải tiếp đón bằng cây đèn pin và phải vận dụng những loại đèn chiếu sáng khác thay cho đèn điện khi ngồi tiếp khách. Nhưng chính nhờ những giai đoạn khó khăn đó mà đội ngũ kỹ thuật đã vượt qua được các thử thách, tiếp tục học hỏi, nghiên cứu và phát triển từng bước.
Sau khi cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn cho các tỉnh, Viettel tiến hành lắp đặt ăng-ten để mở rộng phủ sóng vào các vùng sâu, vùng xa trên khắp đất nước. Mục tiêu của Viettel là phục vụ các cộng đồng vùng sâu, vùng xa, có điều kiện khó khăn về thông tin, truyền thông, đặc biệt trong thời chiến để bảo vệ tổ quốc và sau đó là các đảo biển như đảo Thổ Chu, Cô Tô,…
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu còn kể đến một sự kiện không chỉ đặc biệt đối với ông mà còn đối với cả Viettel, đó chính là sự kiện Viettel bấm nút hòa mạng toàn cầu được diễn ra ngày 15 tháng 10 năm 2000. Trong ngày này, Viettel đã kết nối thành công mạng viễn thông của mình với mạng viễn thông toàn cầu, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế. Khi đó, Tướng Hiệu giữ vị trí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã vinh dự được cùng ông Mai Liêm Trực – Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện tham gia bấm nút hòa mạng Viettel. Sự kiện này không chỉ là biểu tượng của sự kết nối kỹ thuật, mà còn thể hiện sự hợp tác giữa quân đội và ngành bưu chính viễn thông trong việc phát triển hạ tầng viễn thông của Việt Nam.
Bởi những nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ, Viettel đã vượt qua vô vàn khó khăn và thách thức, từ những ngày đầu thành lập với cơ sở hạ tầng hạn chế và điện đóm khó khăn, cho đến khi trở thành một tập đoàn viễn thông hàng đầu Việt Nam và vươn tầm quốc tế. Sự cống hiến của các cán bộ, sự hỗ trợ của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, và quyết tâm chiến lược từ các lãnh đạo đã tạo ra những bước phát triển vượt bậc. Nhờ đó, Viettel không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân bằng giá thành cạnh tranh mà còn mở rộng phạm vi hoạt động ra toàn cầu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế và bảo vệ tổ quốc, cống hiến cho nhân loại. Hành trình của Viettel là minh chứng sống động cho tinh thần vượt khó và khát vọng vươn lên, khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ viễn thông thế giới.
KH