Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM vừa có văn bản nhắc nhở CTCP Hàng không Vietjet Air về vi phạm quy định công bố thông tin.
Theo đó, ngày 30/4, HoSE nhận được bản dữ liệu điện tử báo cáo tài chính quý 1/2022 riêng lẻ và hợp nhất của VietJet Air bao gồm bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, bảng lưu chuyển tiền tệ.
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 10 và Khoản 3 Điều 14 Thông tư 96 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán: Báo cáo tài chính phải bao gồm đầy đủ các báo cáo, phụ lục, thuyết minh theo quy định pháp luật về kế toán doanh nghiệp. Tuy nhiên, Báo cáo tài chính quý 1/2022 của công ty chưa tuân thủ quy định nêu trên, thiếu thuyết minh báo cáo tài chính.
Ngoài ra, báo cáo tài chính riêng lẻ và hợp nhất của công ty chưa hợp lệ, thiếu dấu của công ty tại các bảng: Cân đối kế toán, Kết quả kinh doanh và Lưu chuyển tiền tệ.
Căn cứ quy định tại Điểm C Khoản 3 Điều 14 Thông tư 96 của Bộ Tài chính: Trường hợp tổ chức niêm yết cổ phiếu công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ của tổ chức khác hoặc là đơn vị kế toán cấp trên có đơn vị kế toán trực thuộc tổ chức bộ máy kế toán riêng thì phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý, đến thời điểm hiện nay công ty đã chậm công bố thông tin Báo cáo Tài chính quý 1/2022 nêu trên.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM nhắc nhở và đề nghị Công ty cung cấp Báo cáo tài chính quý 1/2022 riêng lẻ và hợp nhất bản đầy đủ và hợp lệ theo quy định và thực hiện công bố thông tin để đảm bảo quyền lợi cổ đông.
Theo Báo cáo tài chính quý 1/2022 đã công bố, Vietjet ghi nhận doanh thu thuần 4,522 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với cùng kỳ 2021. Khoản lãi 750 tỷ đồng từ hoạt động tài chính là yếu tố chính giúp Vietjet ghi nhận lãi ròng 244 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Tuy nhiên, cuối quý 1/2022, công ty vẫn còn lỗ gộp 257 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ hơn 1.000 tỷ đồng của quý 1/2021.
Tại thời điểm 31/3/2022, Vietjet có hơn 4.450 tỷ đồng tiền mặt và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, tăng mạnh so với hồi đầu năm. Trong khi đó, các khoản phải thu cũng tăng từ 23.300 tỷ đồng lên 29.700 tỷ đồng, trong đó đáng chú ý nhất là khoản phải thu khác tăng thêm hơn 4.000 tỷ đồng.
Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của VietJet Air tăng mạnh từ 34.799 tỷ đồng đầu năm lên 44.095 tỷ đồng, gấp 2,6 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ ngắn hạn của Vietjet tăng từ mức 15.500 tỷ lên 20.700 tỷ, còn nợ dài hạn tăng từ 19.300 tỷ lên 23.400 tỷ đồng, chủ yếu đến từ các đợt phát hành trái phiếu gần đây. Dòng tiền kinh doanh của VietJet Air âm 2.392 tỷ đồng chủ yếu do biến động các khoản phải thu, hàng tồn kho.
Đáng chú ý, theo báo cáo kiểm toán năm 2021, Vietjet ghi nhận doanh thu thuần 12,875 tỷ đồng, giảm 123 tỷ so với báo cáo tự lập. Lợi nhuận sau thuế đạt xấp xỉ 80 tỷ đồng, giảm 20,6% so với mức hơn 100 tỷ đồng trong báo cáo trước kiểm toán.