04/05/2024 lúc 15:19 (GMT+7)
Breaking News

Việt Nam và bài toán hội nhập

VNHN - Sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nền kinh tế nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng về nhiều mặt trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế.

VNHN - Sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nền kinh tế nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng về nhiều mặt trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Nền kinh tế nước ta đã đổi mới căn bản cả thế và lực, đang đứng trước những cơ hội to lớn và triển vọng sáng sủa hơn bao giờ hết. Đó là sự thay đổi quan trọng về chất, đưa nền kinh tế nước ta sang một giai đoạn mới - giai đoạn đổi mới và phát triển trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện và sâu sắc hơn. Hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng và hội nhập nói chung, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hơn, nhưng cũng nhiều thách thức hơn.

TẦM MỨC HỘI NHẬP QUỐC TẾ CỦA NỀN KINH TẾ VIỆT NAM HIỆN NAY 

Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia ký kết 12 Hiệp định thương mại tự do, bao gồm các hiệp định: Trong nội khối ASEAN (ATIGA), ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN – Nhật Bản, Việt Nam - Nhật Bản, ASEAN- Úc-Niu-di-lân, ASEAN - Ấn Độ, Việt Nam - Chi lê, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong hầu hết các FTA đã ký kết, mức độ tự do hóa về thuế nhập khẩu trung bình khoảng 90% số dòng thuế, trừ ATIGA với mức cam kết tự do hóa xấp xỉ 98%. Cam kết về thuế nhập khẩu trong 2 khuôn khổ FTA thế hệ mới là TPP và Việt Nam - EU (dự kiến có hiệu lực từ 2018) có tỷ lệ tự do hóa cao hơn với lộ trình ngắn hơn, hướng tới cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 100% số dòng thuế.

Từ năm 2015 trở đi, đặc biệt sau năm 2018, khi các cam kết trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các FTA trong và ngoài khu vực hoàn thành cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết, dự kiến nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN) từ các hoạt động xuất nhập khẩu sẽ giảm, do số lượng các mặt hàng được xóa bỏ thuế nhập khẩu tăng mạnh và tỷ lệ hưởng ưu đãi C/O tăng cao hơn. Vì vậy, thu NSNN những năm tới được đánh giá là tiếp tục khó khăn. Để khắc phục điều đó, không còn cách nào khác là phải thúcđẩy sản xuất trong nước theo hướng nâng cao NSLĐ, hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng cường hàm lượng chất xám trong sản phẩm…, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập.

NHỮNG THÁCH THỨC KHÔNG NHỎ

Tiến trình hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay cũng như những năm tới không chỉ có thời cơ và thuận lợi, mà còn phải đối diện với nhiều thách thức lớn. Do đó, cần nhận thức rõ những thách thức phải đối mặt để từ đó tìm ra biện pháp khắc phục hữu hiệu.

Trước hết, thách thức lớn nhất và dễ nhận thấy nhất xuất phát từ chỗ nước ta là một nước đang phát triển, trình độ kinh tế còn thấp, quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân còn nhỏ bé, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ nói riêng và của toàn bộ nền kinh tế nói chung còn thấp, hệ thống chính sách kinh tế, thương mại chưa hoàn chỉnh... Vì vậy, nước ta sẽ gặp khó khăn lớn trong cạnh tranh cả ở trong nước cả trên trường quốc tế, nhất là trong đều kiện hội nhập quốc tế, cạnh tranh diễn ra gay gắt hơn, với nhiều đối thủ hơn, trên bình diện sâu hơn, rộng hơn. Bên cạnh đó,  trong quá trình hội nhập quốc tế, cũng như các nước đang phát triển khác, nước ta phải chịu sự ràng buộc của các quy tắc kinh tế, thương mại, tài chính - tiền tệ, đầu tư... chủ yếu do các nước phát triển áp đặt. Trong đó có cả sức ép cạnh tranh bất bình đẳng và sự điều tiết vĩ mô bất hợp lý của các nước phát triển hàng đầu. Mặt khác, trong lĩnh vực xã hội, quá trình hội nhập quốc tế đặt ra một thách thức nữa đối với nước ta trong việc thực hiện chủ trương tăng trưởng kinh tế đi đôi với xoá đói, giảm nghèo, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Sở dĩ như vậy là vì lợi ích của toàn cầu hoá được phân phối một cách không đồng đều, những nước có nền kinh tế phát triển thấp được hưởng lợi ít hơn. Trong phạm vi mỗi quốc gia cũng vậy, một bộ phận lớn dân cư được hưởng lợi ích ít hơn, thậm chí còn bị tác động tiêu cực của toàn cầu hoá; nguy cơ thất nghiệp và sự phân hoá. Ngoài ra, quá trình hội nhập quốc tế đặt ra những vấn đề mới về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hoá và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trên lĩnh vực an ninh quốc gia, các nguy cơ đe doạ an ninh ngày càng phức tạp hơn, bên cạnh các hiểm hoạ mang tính truyền thống, đã xuất hiện các nguy cơ phi truyền thống (an ninh môi trường, dịch bệnh, khủng bố...); cục diện an ninh luôn thay đổi; công cụ, biện pháp, hình thức, cơ chế bảo đảm an ninh cũng cần phải đổi mới thường xuyên.

ĐỂ ĐẤT NƯỚC HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN

Với những thuận lợi và thách thức đã nêu, để đất nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng và bền vững, chúng ta phải tạo được tư thế chủ động. Hiện nay đã có 45 nước trên thế giới công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Đây là kết quả hội tụ và cộng hưởng, bởi Việt Nam ngày càng cải thiện các quan hệ và chủ động hội nhập quốc tế, khát khao hòa bình, đề cao lòng tin chiến lược và niềm tin chính trị giữa các quốc gia; có đội ngũ lao động trẻ, rẻ và dễ đào tạo; sự ổn định chính trị, xã hội và lợi thế tự nhiên khác; đồng thời có nhiều chuyển biến mạnh mẽ về cân đối và ổn định kinh tế vĩ mô, giảm thuế và điều kiện tín dụng, thủ tục hành chính, quỹ đất, nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng dịch vụ công; mở rộng cổ phần hóa DNNN, nới “room” và tăng tự do hóa cho các nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định sản xuất và kinh doanh có hiệu quả.

Trong thời gian tới, môi trường kinh doanh và lòng tin thị trường sẽ được tiếp tục củng cố cùng với sự thúc đẩy công cuộc đổi mới toàn diện, đột phá thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình phát triển; kiểm soát tốt an toàn tài chính vĩ mô, nợ công, nợ xấu, sở hữu chéo và tỷ giá, dự trữ ngoại hối, quản lý chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh và minh bạch thông tin của doanh nghiệp…

Đặc biệt, có sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức chuyển từ hội nhập kinh tế chuyển sang hội nhập quốc tế toàn diện; đã có sự chuyển biến quan trọng về nhận thức, tư duy về hội nhập kinh tế quốc tế, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, thể chế ngày càng hoàn thiện hơn, cơ bản phù hợp với quy định của WTO; chấp nhận và hình dung rõ hơn về kinh tế thị trường, về định hướng hoàn thiện chính sách và giảm thiểu rủi ro chính trị cho quá trình hoàn thiện thể chế

Quá trình hội nhập quốc tế cho thấy, không có ngoại lệ đổ vỡ và khủng hoảng cho bất kỳ mô hình kinh doanh và nhà nước nào, kể cả các đại gia và cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Đồng thời, có sự chuyển hóa giữa nợ công - nợ tư và vai trò ngày càng lớn của khủng hoảng tài chính đối với khủng hoảng chu kỳ, bất ổn vĩ mô, xã hội và chính trị. Bởi vậy, cần thiết phải đề cao yêu cầu phối hợp hài hòa sử dụng bàn tay Nhà nước và bàn tay thị trường trong một mô hình Nhà nước kiểu mới; coi trọng tính đồng bộ và chú ý đến tính 2 mặt của các giải pháp chính sách, nhằm đa dạng hóa và phối hợp hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế trong quản lý phát triển và vượt qua khủng hoảng; cũng như tăng cường dự báo, thông tin, bảo vệ người tiêu dùng và giữ vững lòng tin trên thị trường tài chính.

Hơn nữa, cần xây dựng và tạo sự đồng thuận sâu sắc về hệ thống chuẩn giá trị quốc gia, cũng như không ngừng hoàn thiện cơ chế bảo vệ lợi ích quốc gia và đột phá trong cơ chế phân cấp, kiểm soát quyền lực, công tác cán bộ, song song và là điều kiện để nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế trong hội nhập quốc tế, cả vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài...