13/01/2025 lúc 06:44 (GMT+7)
Breaking News

Việt Nam thu hút FDI: Kỳ vọng trong gian khó sẽ chuyển biến tích cực

VNHN - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn kỳ vọng vào sự chuyển dịch dòng vốn FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam và hiệu ứng từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà chúng ta đã tham gia.

VNHN - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn kỳ vọng vào sự chuyển dịch dòng vốn FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam và hiệu ứng từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà chúng ta đã tham gia.

Ảnh minh họa

"Trong nguy có cơ"

Trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho hay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư tiềm năng vào Việt Nam trì hoãn … Nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt đối với các mặt hàng không thiết yếu sẽ giảm mạnh, làm cho sản xuất bị đình trệ, hàng tồn kho lớn. Các nhà đầu tư mới sẽ do dự đưa ra các quyết định đầu tư ở thời điểm này. Đối với các dự án đã triển khai, việc tăng vốn đầu tư có thể bị hoãn lại.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) – cho rằng, vẫn có những điểm thuận lợi cho Việt Nam trong thu hút FDI. Chẳng hạn, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể dẫn tới một số thuận lợi về thu hút và dịch chuyển FDI tại Việt Nam. Chưa kể, việc đã và đang tham gia hàng loạt các FTA thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng tạo nên những nền tảng và bệ đỡ quan trọng để FDI chảy vào Việt Nam.

Tại Báo cáo đánh giá sơ bộ tác động của dịch Covid - 19 tới kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam do Nhóm nghiên cứu của Viện Đào tạo và Nghiên cứu (Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam - BIDV), dịch Covid-19 cũng mang lại cơ hội để Việt Nam đón nhận thêm các dự án FDI mới. Theo các chuyên gia của BIDV, dịch bệnh sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư xem xét dịch chuyển dòng vốn, dự án FDI từ Trung Quốc và lãnh thổ liên quan (Hồng Kông, Macau…), vốn dĩ đã dịch chuyển thời gian qua cũng như bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Còn ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội - cho biết, để phân tán rủi ro, có 122 doanh nghiệp (DN) Nhật Bản cho biết, họ quyết định di dời sản xuất tại Trung Quốc và nơi được lựa chọn chuyển đến hàng đầu chính là Việt Nam.

"Việt Nam đứng đầu danh sách với 42,3% trong số 122 DN nói trên lựa chọn. Xếp sau Việt Nam là Thái Lan (20,6%), Philippines (18,6%) và Indonesia (16,5%)" - ông Takeo Nakajima cho hay.

Hai kịch bản thu hút FDI

Trước tác động của dịch Covid-19 đến thu hút FDI, Tổng cục Thống kê đã xây dựng hai kịch bản thu hút FDI năm 2020. Con số mặc dù thấp hơn so với kịch bản ban đầu, song đều tăng so với năm 2019. Cụ thể, nếu dịch Covid-19 kết thúc trong quý I, thu hút FDI năm 2020 ước tính đạt 38,6 tỷ USD, tăng 7,3% so với năm 2019 và giảm 2,7 điểm phần trăm so với kịch bản ban đầu. Kịch bản II, nếu dịch kết thúc cuối quý II/2020, con số thu hút FDI ước tính là tăng 6,2% so với năm 2019 và giảm 3,8 điểm phần trăm so với kịch bản ban đầu.

"Đây là cơ hội để Việt Nam có chính sách thu hút các nhà đầu tư đang có ý định thu hẹp sản xuất ở nước láng giềng và đầu tư vào Việt Nam. Các đơn vị xúc tiến đầu tư cần chủ động làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài đã có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam để trao đổi, định hướng và thống nhất sơ bộ về thủ tục đầu tư, không để các nhà đầu tư đợi cho đến khi dịch bệnh được xử lý dứt điểm mới lại tiến hành thủ tục đầu tư" - ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

Trước đó, các chuyên gia của BIDV cũng dự báo, trong trung hạn, thu hút FDI năm 2020 tại Việt Nam vẫn có thể tăng khoảng 5%, nhưng thấp hơn 2,2 điểm phần trăm so với mức tăng năm 2019. Tuy nhiên, để duy trì được mức tăng này, cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều chính sách khác về luật pháp, cơ chế ưu đãi đầu tư. Trong đó, về pháp luật cần tiếp tục có những biện pháp bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Việt Nam được đánh giá là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, bởi bên cạnh lợi thế về vị trí địa lý, lao động dồi dào, DN FDI đầu tư vào Việt Nam còn được hưởng lợi lớn từ các FTA thế hệ mới.